Giáo sư và phó giáo sư trẻ nhất

10/11/2011 13:15 GMT+7

Thật ngẫu nhiên, hai người trẻ nhất được công nhận giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS) năm 2011 đều là giảng viên của Trường ĐH Sư phạm HN.

Thật ngẫu nhiên, hai người trẻ nhất được công nhận giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS) năm 2011 đều là giảng viên của Trường ĐH Sư phạm HN.

Thật ngẫu nhiên, hai người trẻ nhất được công nhận giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS) năm 2011 đều là giảng viên của Trường ĐH Sư phạm HN.

Cả hai người đều thành công từ niềm đam mê toán học. Hiện họ đang đi công tác tại nước ngoài nhưng đã chia sẻ với PV Thanh Niên về những thành công của mình.

Vị giáo sư 37 tuổi

Sinh năm 1974,  anh Nguyễn Quang Diệu, giảng viên ngành toán Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vừa trở thành vị GS trẻ nhất trong đợt công nhận chức danh GS nhà nước năm nay.

 
GS Nguyễn Quang Diệu và hai con - Ảnh: do tác giả cung cấp

Kể về “lý lịch” khoa học của mình, anh Diệu cho biết anh học THPT tại khối phổ thông chuyên toán Trường ĐH Sư phạm HN. Sau đó anh học tại khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường ĐH Khoa học tự nhiên HN). Anh bảo vệ thạc sĩ tại khoa Toán Trường ĐH Khoa học tự nhiên HN. Đến năm 1997, anh được một học bổng của CNRS sang Pháp làm luận án tiến sĩ tại Trường ĐH Toulouse III, và bảo vệ luận án tiến sĩ toán học năm 2000 tại Pháp. Khi trở về VN, anh chuyển sang  nghiên cứu một số đề tài mới. Bằng những công trình mới này, vào năm 2006, anh đã bảo vệ luận  án tiến sĩ khoa học tại Trường ĐH Toulouse III.

Sở hữu bằng tiến sĩ khoa học năm 32 tuổi anh có rất nhiều triển vọng ở nước ngoài, nhưng anh đã trở về VN giảng dạy ở khoa Toán - Tin Trường ĐH Sư phạm HN, nơi anh đã từng học. Ngoài Trường ĐH Sư phạm HN, gần đây anh còn được mời dạy ở Trường ĐH Khoa học tự nhiên và Viện Toán học.  Anh cho biết, thành tựu nổi bật trong toán học của mình là đề tài “Nghiên cứu hàm cực trị với kỳ dị là siêu mặt”. Đây là đề tài mà anh đã bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học tại Pháp. Gần đây, anh có một số kết quả về toán tử hợp thành và về metric bất biến cũng được các nhà khoa học đánh giá cao.

Nói về những thành quả của mình, anh tâm sự: “Bố tôi cũng là GS toán học. Tôi được kế thừa phần nào sự say mê nghiên cứu khoa học của ông. Mẹ và vợ tôi là những người không ở trong ngành giáo dục và cũng không liên quan trực tiếp đến ngành toán, nhưng đều có điểm chung là luôn biết chăm lo cho hạnh phúc gia đình”. Anh cũng không thể nào quên một sự kiện quan trọng của cuộc đời mình khi theo đuổi con đường toán học. Đó là: “Vào năm 1993, sau khi kết thúc 2 năm học ĐH, mặc dù có rất ít người đăng ký học khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường ĐH Tổng hợp HN (cũ) nhưng trường vẫn mở ra ban Toán để tôi tiếp tục được nghiên cứu toán học”.

Điều mà anh tâm huyết và muốn thực hiện trong tương lai vẫn là theo đuổi nghiên cứu về toán học. Anh nói: “Công trình tâm đắc nhất của tôi cho đến giờ là nghiên cứu về tính liên tục của hàm cực trị nhưng với kỳ dị nằm trên siêu mặt phức. Đây là vấn đề khá hóc búa của giải tích phức nhiều biến. Tôi cũng chỉ giải quyết được bài toán này trong một số trường hợp riêng. Cho đến nay, vấn đề mở này vẫn còn được nhiều nhà toán học quan tâm”. 

Khi hỏi về mong muốn của mình, anh không khỏi trăn trở về chế độ đãi ngộ dành cho các nhà khoa học của nước nhà còn chưa xứng đáng. Anh nói: “Tôi mong muốn các trí thức trẻ sẽ nhận được những đãi ngộ về vật chất tốt hơn nữa để họ có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc đào tạo và nghiên cứu khoa học”.  

Và phó giáo sư 29 tuổi

PGS Phạm Hoàng Hiệp, sinh năm 1982, giảng dạy tại khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm HN. Ở tuổi 29, anh đã trở thành PGS trẻ tuổi nhất được công nhận năm nay. Tâm sự về thành công này, anh cho biết: “Tôi là người có nhiều may mắn trong học tập và nghiên cứu khoa học. Lúc học ở khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm HN, tôi được sự quan tâm và học tập với nhiều GS ở khoa như: GS Nguyễn Văn Khuê, GS Lê Mậu Hải. Tôi bảo vệ thạc sĩ tại Trường ĐH Sư phạm HN dưới sự hướng dẫn của GS Nguyễn Văn Khuê. Lúc này, tôi đã có một vài kết quả gây sự chú ý của GS Urban Cegrell ở ĐH Umea (Thụy Điển). GS Urban Cegrell mời tôi sang hợp tác làm việc và tôi bảo vệ luận án tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của giáo sư này vào năm 2008”.

 
PGS Phạm Hoàng Hiệp - Ảnh: H.Hạnh

Anh Hiệp cho biết thêm, sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ xong anh cũng sang Toulouse làm việc một vài tháng với các GS Ahmed Zeriahi và GS Vicent Guedj. Tháng 10.2011, nhận được giúp đỡ của GS Jean-Pierre Demailly, anh sang làm việc nghiên cứu tại Viện Fourier, ĐH Grenoble, Pháp”.

Với nỗ lực và niềm đam mê nghiên cứu, trong thời gian qua, PGS Phạm Hoàng Hiệp đã có 18 bài báo trên các tạp chí quốc tế nghiên cứu chủ yếu về phương trình Monge-Ampere phức. Dù có cơ hội làm việc tại nước ngoài nhưng Phạm Hoàng Hiệp vẫn chọn giảng dạy ở khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm HN  từ năm 2004 cho đến nay. Anh nói: “Mong muốn của tôi là có thể nghiên cứu khoa học tốt hơn cũng như đóng góp cho việc dạy và học toán ở VN”.

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.