Giáo sư Võ Tòng Xuân: Những điều Đặng Lê Nguyên Vũ làm rất cao cả

14/10/2019 11:30 GMT+7

Sự thiếu hụt thực chất kiến thức và kỹ năng KHCN thực ra do nền giáo dục là "học-cho-các-kỳ-thi" chứ không phải học để chuẩn bị thành những nhà sáng chế.


GS Võ Tòng Xuân - một nhà khoa học hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng lúa - sinh ra và lớn lên ở miền Tây sông nước. Cả đời GS Võ Tòng Xuân dành rất nhiều tâm huyết với nhiều nghiên cứu chuyên sâu và cả những phát ngôn rất thẳng thắn, táo bạo để bảo vệ lợi ích của người dân vùng sông nước Cửu Long.
Theo chân Hành trình Từ Trái Tim đến với Cần Thơ, tôi may mắn có dịp được trò chuyện với GS Võ Tòng Xuân, xoay quanh một câu chuyện có lẽ đang rất "thời sự" nơi đây: KHỞI NGHIỆP. Bởi, sau khi đi qua tất cả tỉnh ĐBSCL, giao lưu gặp gỡ từ các cấp lãnh đạo chính quyền, trường học đến học sinh, sinh viên, đoàn Hành trình Từ Trái Tim vô cùng ấn tượng về tinh thần khởi nghiệp kiến quốc. Tuy nhiên, thực tế hiện nay miền Tây vẫn còn rất nghèo - như lời thừa nhận của chính những đại diện mà tôi đã gặp và giao lưu. 
Những hình ảnh ấn tượng của Hành trình Từ Trái Tim khi đến với miền Tây sông nước

Những hình ảnh ấn tượng của Hành trình Từ Trái Tim khi đến với miền Tây sông nước

Hành trình của Trung Nguyên - Đặng Lê Nguyên Vũ qua góc nhìn của GS Võ Tòng Xuân

Trương Thu Hường: Thưa GS Võ Tòng Xuân, khi Hành trình Từ Trái Tim đến Cần Thơ cũng là kết thúc 1 năm chương trình đã tổ chức tới 4 chuyến đi dài: Xuyên Việt; từ Tây nguyên qua miền Trung đến với tất cả tỉnh miền núi phía Bắc; Tới đảo xa; Đến các tỉnh miền Đông và toàn bộ vùng ĐBSCL. Nhiều người có ảnh hưởng xã hội đã bày tỏ sự nể trọng tấm lòng và khả năng của Trung Nguyên, khi chỉ trong thời gian ngắn có thể thực hiện nhiều chuyến hành trình với độ phủ lớn như vậy. Còn với riêng ông, một nhà khoa học tâm huyết với miền Tây, khi nhìn vào toàn bộ Hành trình này và những chương trình tặng sách diễn ra tại ĐBSCL, ông thấy điều gì?
GS Võ Tòng Xuân - Nhà khoa học rất tâm huyết với nền nông nghiệp Việt Nam

GS Võ Tòng Xuân - Nhà khoa học rất tâm huyết với nền nông nghiệp Việt Nam

GS Võ Tòng Xuân: Từ trước tới nay, tôi vẫn rất ủng hộ chương trình Hành trình Từ Trái Tim do Trung Nguyên khởi xướng. Phải nói, đây là chương trình đã khơi dậy sự chú ý của nhiều vị lãnh đạo cấp cao, nhiều cơ quan nhà nước vì tinh thần khởi nghiệp kiến quốc mà nó hướng đến. Tiếp đến là nhiều tầng lớp trí thức, học sinh, sinh viên, thanh niên Việt cũng biết đến chương trình này.
Cá nhân tôi rất trân trọng những cố gắng của anh Đặng Lê Nguyên Vũ ngay từ thuở ban sơ với rất nhiều khó khăn. Đến giai đoạn Trung Nguyên chiếm lĩnh đỉnh cao của cà phê Việt Nam, thì không như nhiều doanh nghiệp nhà giàu khác của Việt Nam, anh Vũ đã dùng một phần thu nhập của mình để đầu tư cho giáo dục xã hội, tương tự như nhiều tỉ phú Hoa Kỳ như: ông bà Bill-Melinda Gates hoặc ông bà Chan-Zuckerberg lập quỹ thiện nguyện tài trợ các chương trình giáo dục, y tế… không những cho quốc gia họ mà còn cho nhiều quốc gia khác.
Anh Vũ là người có khát vọng muốn tạo cho thanh niên Việt tinh thần khởi nghiệp. Thông qua con đường làm giàu, khởi tạo giá trị mới có thể giúp đỡ nhiều người khác, làm cho đất nước ngày càng đi lên, phát triển hùng cường hơn. Đó là điều rất cao cả.
Những năm qua, Trung Nguyên cũng đã cố gắng nói rất nhiều về khởi nghiệp. Dù vậy, tôi nghĩ những gì Tập đoàn đã và đang làm, đến thời điểm hiện tại mới chỉ là bước nền tảng ban đầu.
Hành trình Từ Trái Tim đến với vùng sông rạch ĐBSCL

Hành trình Từ Trái Tim đến với vùng sông rạch ĐBSCL

Để đi xa hơn, Trung Nguyên trong quá trình bỏ công bỏ của để đi làm những chuyến Hành trình như vậy, nên chăng cần dành thời gian nói thêm về hiện trạng thua kém của đất nước ta so với các nước khác, để cho giới trẻ được biết và hiểu sâu sắc hơn tại sao mình phải cố gắng học thật giỏi, nỗ lực tìm hiểu thông tin khoa học kỹ thuật để khởi nghiệp thành công...
Và tôi mong Trung Nguyên cũng quan tâm hơn tới tính địa phương của từng điểm đến. Tức là trong mỗi chuyến hành trình, cũng cần phân tích xem có thể làm được gì hơn nữa giúp người dân ở đó phát triển.
Chẳng hạn như ở ĐBSCL, có những gia đình trồng lúa đã 40 năm nay vẫn chưa khá được. Vậy thì chúng ta có thể tư vấn cho họ làm gì để khá hơn? Thông qua việc quan sát thực tế, Trung Nguyên có thể mời các chuyên gia tư vấn thêm.
Việc tặng sách, giúp trang bị nền tảng tri thức là hành động rất đáng quý, dù vậy tôi nghĩ ta vẫn cần đi xa thêm một bước. Chúng ta không chỉ nói câu chuyện khởi nghiệp ở Israel thông qua các cuốn sách như Quốc gia khởi nghiệp, mà cần bàn thêm rằng: Địa phương này, địa phương kia nên khởi nghiệp như thế nào?
Hành trình Từ Trái Tim nếu muốn vực dậy phong trào khởi nghiệp kiến quốc thì không chỉ cần sự đồng hành của những người nổi tiếng (người đẹp, nghệ sĩ) mà cần có sự đồng hành nhiều hơn nữa của các chuyên gia, các nhà khoa học uy tín. Những chia sẻ sâu sắc, có tính thực tiễn của họ sẽ là cơ hội cho những ai thực sự mong muốn khởi nghiệp tìm được ý tưởng thích đáng để xây dựng dự án.
GS Tòng Xuân đánh giá rất cao ý nghĩa của chương trình Hành trình Từ Trái Tim khi đến với miền Tây sông nước

GS Tòng Xuân đánh giá rất cao ý nghĩa của chương trình Hành trình Từ Trái Tim khi đến với miền Tây sông nước

Ở miền Tây, thanh niên ngoài những mặt yếu kém, những điểm chung giống như nhiều người trẻ Việt, họ còn sống ở vùng trũng giáo dục. Giải pháp mở nhanh các trường ĐH khiến tỉnh nào cũng có trường ĐH đã làm giảm chất lượng đào tạo khi nguồn lực về vốn, nhân lực… không được tập trung.
Chưa kể tới là những chính sách phát triển miền Tây chưa nhất quán, dễ trở thành khe hở để một số nhóm trục lợi. Những vấn đề khoa học kỹ thuật rõ ràng làm được thì chính quyền địa phương có nơi còn chậm chạp thực hiện. Ví dụ như dự án ngăn nước mặn ở cống Cái Lớn, Cái Bé tuy bị giới khoa học phản đối nhưng tôi không hiểu sao chính quyền ở đó vẫn làm? Họ có nghĩ đến những cách làm khác có hiệu quả lâu dài hơn cho người dân? Ví như, thay vì ngăn nước mặn thì hãy nghĩ cách sử dụng nước mặn như thế nào vào sâu bên trong để pha thành nước lợ, nuôi tôm cho tốt, hạn chế dịch bệnh, đem lại thu nhập cao cho người nông dân.
GS Võ Tòng Xuân là người dành rất nhiều tâm huyết cho ngành nông nghiệp trồng lúa

GS Võ Tòng Xuân là người dành rất nhiều tâm huyết cho ngành nông nghiệp trồng lúa

Khi Hành trình tặng sách của Trung Nguyên tới miền Tây, tôi cho là điều này đã làm cho các nhà lãnh đạo địa phương chú ý hơn đến các việc đáng lý họ mới là người phải làm, nghĩ đến những cách làm bớt tốn kém hơn nhưng lại giúp bảo vệ môi trường tốt hơn và đem lại hiệu quả lớn, lâu dài hơn cho người dân.
Thanh niên miền Tây khi nhìn vào Hành trình cũng sẽ phải suy nghĩ lại những việc mình có thể làm để giúp ba má mình bớt khổ. Trung Nguyên làm giàu nhờ Đặng Lê Nguyên Vũ có sáng tạo từ công thức chế biến cà phê đến các loại hình kinh doanh, quảng bá... Vậy thì những người khởi nghiệp cũng nên học hỏi cách làm của anh Vũ chứ không nên nghĩ cách làm giàu cơ hội theo kiểu lấy đất, lấy tiền của người ta làm tài sản của mình.
Xã hội Việt Nam cần có nhiều hơn những doanh nghiệp khởi nghiệp làm được như Trung Nguyên, tức là dùng cái đầu, sức sáng tạo của mình tạo nên của cải vật chất thực sự hiện hữu trong xã hội.
GS Võ Tòng Xuân là người dành rất nhiều tâm huyết cho ngành nông nghiệp trồng lúa
Tất nhiên, như tôi đã nói, Hành trình khơi lên khát vọng kiến quốc của anh Vũ, về bề rộng thì đã rất tốt, nhưng sẽ tốt hơn nữa nếu ta có chiều sâu nhiều hơn nữa.

Điểm yếu “chí tử” khiến ĐBSCL không thể phát triển như Hà Lan dù tương đương về diện tích, quy mô dân số

Trương Thu Hường: GS vừa nói thanh niên miền Tây có nhiều nhược điểm như nhiều người trẻ Việt Nam nói chung, vậy xin ông có thể nói rõ thêm về vấn đề này?
GS Võ Tòng Xuân: Trước đây mỗi năm, tôi đều sang Hà Lan do có dự án nghiên cứu đất phèn từ 1985 đến 1995, lần nào cũng vào viếng Hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp Wageningen.
Một lần như hằng năm, tôi đến văn phòng hiệu trưởng đúng hẹn, nhưng cô thư ký xin lỗi vì có người khách đến viếng còn nói chuyện trong đó. Gần 15 phút sau, cửa phòng mở, ông hiệu trưởng đưa tiễn khách ra về và quay sang tôi xin lỗi, mời vào phòng. Ông nói người khách vừa đi ra là Đại sứ Pháp tại Hà Lan, cứ hỏi mãi vì những lý do gì mà nước Hà Lan với dân số chỉ bằng 1/4, diện tích chỉ bằng 1/16 của nước Pháp mà có thể xuất khẩu nông sản giá trị đứng hàng thứ nhì trên thế giới sau Mỹ?
Câu hỏi đó hay quá, tôi cũng muốn hỏi ông hiệu trưởng cho tôi biết luôn câu trả lời với Đại sứ Pháp? Tóm tắt, ông nói: "Tổ tiên dân Hà Lan là những nông dân rất cần cù nhưng không thích khó nhọc, chân lấm, tay bùn. Ngay chiếc giày lội ruộng của người Hà Lan cũng được thiết kế như chiếc xuồng bịt kín cả bàn chân, đất bùn không thấm vào được. Mọi gia đình nông dân Hà Lan đều cố gắng dành tiền cho con cái học hành thật giỏi khoa học kỹ thuật để chế tạo, phát minh mọi kỹ thuật cho nông dân, giúp họ sản xuất thật nhiều mà không còn khó nhọc nữa nhưng lại thu về được giá trị cao.
Ngày nay, tất cả các nước châu Âu đều phải khâm phục Hà Lan. Tinh thần muốn giúp đỡ lẫn nhau đã ngấm vào máu thịt người Hà Lan. Cha mẹ đổ tiền cho con đi học và khi trở về, những đứa con thấy có thể làm gì cho ba má đỡ khổ hơn, họ dốc sức làm đến cùng. Cứ như thế, đất nước không ngừng tiến lên".
GS Võ Tòng Xuân chỉ ra 4 nhược điểm lớn của thanh niên Việt

GS Võ Tòng Xuân chỉ ra 4 nhược điểm lớn của thanh niên Việt

Tôi so sánh Hà Lan với Việt Nam mới khám phá một sự trùng lặp là diện tích cả nước Hà Lan chỉ bằng ĐBSCL: Cũng khoảng 4 triệu ha, dân số khoảng 17 triệu, cũng có 12-13 tỉnh. Vậy thì tại sao Hà Lan lại quá giàu, đi viện trợ nhiều nước nghèo trong đó có cả Việt Nam, mà ĐBSCL, thì cứ đi xin viện trợ?
Bởi vì chúng ta chưa nhìn ra được vấn đề Việt Nam đang nghèo như thế nào, đang có những khó khăn gì cần giải quyết và giải quyết ra làm sao. Chúng ta phần lớn chỉ biết trồng lúa nên mọi đầu tư của các cấp chính quyền chỉ lo dồn cho trồng lúa. Mà chúng ta luôn lấy làm lạ khi nghe nói đến sản xuất những thứ khác có giá trị cao, vì ta thiếu cái mà Hà Lan có: học hành rất giỏi và trình độ khoa học công nghệ rất cao.
Người trẻ Việt chưa có tinh thần học giỏi để trang bị kiến thức, kỹ năng khoa học công nghệ để nhận định vấn đề, nghĩ cách làm sao cho ba má mình bớt khổ và đạt nông sản có giá trị cao... Thanh niên chúng ta chỉ biết học cho đủ để đi thi, sau khi thi thì hầu như quên hết. Vì đầu óc không chứa khoa học công nghệ cho nên chúng ta không nghĩ ra ý tưởng, đề tài hữu ích, nên có rất nhiều thời gian rảnh để tụ tập bạn bè, ăn nhậu và để cho thời gian trôi qua uổng phí với lối sống hưởng thụ.
Sự thiếu hụt thực chất kiến thức và kỹ năng KHCN, thực ra không thể đổ lỗi cho thanh niên ta, mà phải nói đến sự hụt hẫng của nền giáo dục "học-cho-các-kỳ-thi" chứ không phải học để chuẩn bị thành những nhà sáng chế. Tình trạng này nhìn chung còn ám ảnh tới cả tầng lớp trẻ đã và đang đi làm. Tôi đã thấy có những người giảng viên (nhất là trong ngành Sư phạm) sau giờ dạy không biết làm gì. Thay vì đọc sách, cải tiến giáo trình, tìm vấn đề cho sinh viên nghiên cứu... thì lại đi nhậu, có khi còn kéo sinh viên theo.
Người Việt vốn rất giỏi và thông minh, nhưng với môi trường giáo dục của ta hiện tại, sự thông minh đó khó có thể phát huy.
Cũng là người Việt, nhiều học sinh trung học được sang Singapore du học hầu hết đều thành tài, đứng đầu lớp, xin học bổng qua Mỹ học cũng giỏi hơn người ta. Người Việt mình không thua ai hết, nhưng đại đa số đều không được ở trong một môi trường giáo dục khai phóng.
Người trẻ thấy người ta ăn chơi, ăn nhậu nhiều quá nên cũng dần buông lơi sự cố gắng. Khi họ làm việc chăm mà mọi người chỉ làng nhàng cũng nhận lương như vậy thì tự nhiên, động lực để cố gắng sẽ tiêu tán.
* Đón đọc bài tiếp theo: GS Võ Tòng Xuân và câu chuyện về Israel, Nhật Bản
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.