Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP cơ bản thống nhất với đề án vùng nhưng Bộ Xây dựng cần chủ trì phối hợp với các tỉnh, thành để có tổng thể quy hoạch chung cũng như cơ chế thống nhất trong phối hợp. Để phát triển được kinh tế vùng thì phải ưu tiên hệ thống đường sắt. TP đang cùng Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Cần Thơ nghiên cứu về tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ để có cơ sở trình Bộ GTVT. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương nói rằng trong bối cảnh hiện nay, việc vận chuyển hàng hóa phải được thực hiện bằng hệ thống đường sắt. Các tỉnh trong vùng TP.HCM đóng góp nguồn ngân sách lớn cho T.Ư nhưng hạ tầng giao thông của vùng lại phát triển không tương xứng. Còn theo lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nếu hệ thống giao thông về cảng Cái Mép - Thị Vải còn hạn chế thì không thể khai thác được hết công năng của cảng này. Chính phủ cũng cần sớm cho thực hiện các tuyến đường vành đai của TP.HCM và các tuyến nối ra cảng hàng không, cảng biển thì việc vận chuyển hàng hóa ra cảng mới thuận lợi.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị T.Ư cần quan tâm, ưu tiên đầu tư để phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kết nối liên vùng tương xứng với đóng góp của khu vực vào nền kinh tế. Cần có cơ chế để xã hội hóa đầu tư mạnh mẽ hơn nữa. Đối với đường vành đai 3 của vùng, nhà nước xác định tổng mức đầu tư, ngân sách nhà nước có bao nhiêu, phần còn lại các địa phương cùng tham gia, chỉ có như thế mới có thể đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện hệ thống đường vành đai 3 khép kín.
Tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Xây dựng, ngay từ đồ án phải ưu tiên quy hoạch, đầu tư, xây dựng các dự án hạ tầng có tính chất kết nối nội vùng và liên vùng. Bên cạnh đó, cần khai thác lợi thế, tiềm năng khu vực ven biển phát triển các đô thị du lịch, vùng phát triển phía bắc gắn với trục hành lang quốc lộ 51 và quốc lộ 22. Đây là những cửa ngõ quan trọng về cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu để giao lưu hội nhập quốc tế.
Bình luận (0)