Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong buổi thị sát thực tế và làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM về tình hình triển khai các dự án giao thông, tình trạng quá tải ở sân bay và cảng Cát Lái.
tin liên quan
Sân bay Tân Sơn Nhất kẹt cứng từ trên trời xuống đấtÔng Lại Xuân Thanh, Cục trưởng cục hàng không Việt Nam cho biết do tình trạng quá tải trong khai thác ở sân bay Tân Sơn Nhất nên việc tắc nghẽn kéo dài từ sân bay ra đến đường giao thông công cộng.
Quy hoạch lại trên trời, dưới đất
Dẫn chứng tiêu biểu nhất cho thực trạng quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất (TSN), có lẽ là một câu trong bài phát biểu của ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty hàng không VN (VNA), tại buổi làm việc với Phó thủ tướng. Ông Minh kể tối hôm trước, khi máy bay bay đến TP.HCM, phải bay trên trời 1 tiếng mới đáp xuống được vì bên dưới quá tải.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nhìn nhận, do phát triển quá nóng nên năm 2016, sân bay TSN sẽ có khoảng 31,5 triệu hành khách, trong khi theo quy hoạch, dự kiến đến 2020 mới có con số 25 triệu lượt khách/năm. Cho rằng một mình Bộ GTVT không thể xử lý được, ông Nhật đề nghị Bộ Quốc phòng “cùng ngồi quy hoạch lại” vùng trời hàng không tại khu vực TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ để đảm bảo hoạt động hàng không được an toàn, chống quá tải.
Theo ông Nhật, về vấn đề mở rộng nhà ga và mở đường kết nối từ đường Hoàng Hoa Thám vào sân bay TSN, Bộ Quốc phòng đã đồng ý chủ trương và giao cho một doanh nghiệp (Công ty Sao Việt) thực hiện. Tuy nhiên, nếu công ty không đủ năng lực thì nên giao cho đơn vị khác, hoặc đầu tư BOT để nhanh chóng giải quyết quá tải sân bay. Ông cũng đề nghị tạm giao đất (21 ha) và Chính phủ ứng tiền để làm nhà ga, sân đỗ cho máy bay, sau đó thu hồi lại từ nhà đầu tư.
tin liên quan
Hàng không 'sợ' kẹt xeChiều 25.12, tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã diễn ra cuộc họp tổ công tác liên ngành lần 2 do Bộ GTVT chủ trì nhằm thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng phục vụ hành khách của sân bay, nhất là dịp cao điểm cuối năm.
Trung tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định Bộ Quốc phòng có trách nhiệm trong việc giải quyết quá tải tại TSN. Tuy nhiên, vấn đề quốc phòng an ninh cũng phải đi kèm, nên tốt nhất mang tính chất lưỡng dụng (vừa quân sự vừa dân sự). Ông Đơn cho biết Bộ Quốc phòng nhất trí quy hoạch lại vùng trời, đang tính toán thực hiện.
Về mặt bằng, Bộ Quốc phòng có thể bàn giao trước, đề nghị có cơ chế hợp lý. Ngay tuần sau, Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ phương án hợp lý nhất, trong đó có việc chọn nhà đầu tư có năng lực để thực hiện. Về nhà ga, ông Đơn cho biết phương án làm nhà ga lưỡng dụng với công suất 10 triệu hành khách/năm. Với phạm vi TSN hiện nay, không chỉ xây dựng 1 mà có thể 2 nhà ga cũng được. Tuy nhiên cần có cơ chế BT hoặc BOT.
Theo ông Phạm Ngọc Minh, sân bay TSN là địa bàn trọng điểm chiến lược của VNA, trước đây Thủ tướng Chính phủ đã cho phép VNA hợp tác với các đơn vị Bộ Quốc phòng để đầu tư khai thác các hạng mục sân đỗ, nhà ga... VNA cam kết đầu tư nhưng không sử dụng một đồng vốn ngân sách.
Đảm bảo an toàn tuyệt đối
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng vấn đề quá tải sân bay TSN có nguyên nhân là do công tác dự báo không chính xác. Đến năm 2020 dự kiến sân bay TSN sẽ đạt 40 triệu hành khách/năm. Trong khi sân bay Long Thành, nếu mọi thứ thuận lợi, cũng đến năm 2025 mới xong giai đoạn 1. Hiện nay, việc khai thác tại TSN nhiều lần xảy ra ách tắc, nhất là các chặng bay đến TP.HCM. Chủ tịch VNA ở trên trời 1 tiếng là dẫn chứng tiêu biểu nhất. Cần tập trung nâng cấp đầu tư các sân bay, nếu không sẽ là nút thắt lớn nhất cho nền kinh tế.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với Bộ Quốc phòng quy hoạch lại vùng bay để đảm bảo khai thác an toàn, hiệu quả. Trước hết, Bộ GTVT chỉ đạo Cục Hàng không, cơ quan quản lý bay kiểm soát để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sân bay. Gia tăng vận tải nhưng phải đảm bảo không bị ách tắc hàng không. Cần ưu tiên các nguồn vốn xã hội cho đầu tư sân bay, khuyến khích đầu tư liên doanh, cổ phần. Về kiến nghị áp dụng công trình giao thông khẩn cấp, UBND TP quyết định chỉ định thầu theo thẩm quyền, nếu vướng mắc cần báo cáo để Chính phủ xem xét.
Về giao thông của TP.HCM nói chung, ông Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh cần đặc biệt chú trọng khâu tổ chức giao thông, nhất là xe buýt, BRT (xe buýt nhanh). Các loại hình này rất phù hợp với điều kiện đô thị trong khi chưa có metro. Đồng thời, phải hướng tới giảm dần phương tiện cá nhân, nhất là những vùng lõi, trung tâm. Để hạn chế phương tiện cá nhân, phải xin ý kiến người dân, có giải pháp đồng bộ như nâng cao năng lực phương tiện công cộng.
Khẩn trương làm cầu vượt chữ Y
Báo cáo với Phó thủ tướng, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM đặc biệt lo ngại 2 điểm nóng nhất về giao thông là sân bay TSN và khu vực cảng Cát Lái. Ông Cường đề nghị Chính phủ cho phép TP xây dựng trước mắt cầu vượt hình chữ Y đi vào ga quốc tế và ga quốc nội và cầu vượt hình chữ Y nối từ đường Trường Sơn - Hồng Hà. TP.HCM xin cơ chế chỉ định thầu để khởi công xây dựng ngay trước Tết Nguyên đán năm nay.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định Bộ hoàn toàn ủng hộ việc chỉ định làm nhanh cầu vượt để giảm ùn tắc bên ngoài sân bay. Đại diện Bộ KH-ĐT thống nhất cơ chế đặc thù để TP.HCM làm các cầu vượt kết nối sân bay TSN.
Về cảng Cát Lái, ông Bùi Xuân Cường cho biết theo quy hoạch đến năm 2020 lượng hàng hóa đạt khoảng 36 triệu tấn/năm, nhưng đến năm 2015 đã có 49 triệu tấn qua cảng dẫn đến quá tải rất nghiêm trọng. Lượng xe vận chuyển bằng đường bộ tăng hơn 10% trong năm qua. Năm 2016, lượng hàng qua cảng tăng hơn 9% so với cùng kỳ khiến các trục đường vào cảng trở thành gánh nặng hạ tầng, điểm nóng kẹt xe.
|
Bình luận (0)