Giao thông và logistics làm chậm sự phát triển vùng ĐBSCL

Bắc Bình
Bắc Bình
19/03/2022 06:43 GMT+7

Ngày 18.3, tại Long An, Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức “Tọa đàm phát triển cảng biển và logistics ĐBSCL ”.

Ông Phạm Minh Hải, Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT), cho biết hiện tổng số đường cao tốc tại ĐBSCL chỉ được 40 km, chiếm 3,4% của cả nước. Tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau dài 245 km đến nay chỉ đưa vào khai thác đoạn TP.HCM - Trung Lương quy mô 4 làn xe (từ năm 2010) với chiều dài 40 km. Tỷ lệ đường bộ cao tốc của vùng hiện thấp nhất so với cả nước. Ngay cả tuyến QL1, từ TP.HCM - Cà Mau dài 334 km nhưng hiện chỉ mới được đầu tư hoàn thành 212 km với quy mô 4 làn xe, các đoạn còn lại xảy ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng.

Trái cây và nông sản ở ĐBSCL nói chung gặp rất nhiều khó khăn bởi chi phí logistics quá cao

Đình Tuyển

Trong khi đó, giao thông đường thủy nội địa đóng vai trò then chốt nhưng thiếu đầu tư trầm trọng. Ngân sách đầu tư cho đường thủy nội địa giảm từ 2 - 3% tổng ngân sách đầu tư giao thông giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn 1,2% trong giai đoạn 2016 - 2020. Do đó, dù ĐBSCL có nhiều lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển giao thông đường thủy nhưng hiện nay vận tải thủy nội địa chỉ đóng vai trò tập kết, thu gom hàng hóa với quy mô còn rất hạn chế.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết hiện UBND TP.Cần Thơ và Bộ GTVT đang nghiên cứu triển khai dự án phát triển nhà kho hàng hóa tại Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ thành trung tâm logistics hàng không để xuất khẩu nông sản, thủy sản, trái cây giúp tăng giá trị xuất khẩu cho nông sản và thủy sản của vùng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.