Tháo gỡ bế tắc cho nông nghiệp ĐBSCL

07/03/2022 07:13 GMT+7

Ngày 6.3, tại Kiên Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị “Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Đây là một sự kiện cấp vùng có ý nghĩa quan trọng, ngay sau khi Thủ tướng ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2050. ĐBSCL cũng là vùng đầu tiên trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng theo luật Quy hoạch - một chính sách có tác động mạnh mẽ tới sự phát triển vùng.

Công trình thủy lợi cống Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang) vừa khánh thành đưa vào sử dụng được xem là dự án thủy lợi trọng điểm của ngành nông nghiệp ĐBSCL

Đình Tuyển

Nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát

Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho thấy bất kể dịch Covid-19, năm 2021 giá trị tổng sản phẩm ngành nông nghiệp ĐBSCL tăng 1,6%, chiếm 31,3% GDP ngành nông nghiệp cả nước. Như một lẽ thường, ĐBSCL vẫn đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây, với 24,5 triệu tấn lúa (chiếm 55,4% cả nước), 0,78 triệu tấn tôm (chiếm 83,5%), 1,47 triệu tấn cá tra (chiếm 98%) và 4,3 triệu tấn trái cây (chiếm 60%). Tuy nhiên, những kết quả này là chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế lớn của ĐBSCL. Đặc biệt đời sống người dân vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là nông dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt câu hỏi: “Vì sao ĐBSCL chưa phát triển được? Mâu thuẫn nào, tồn tại yếu kém nào khiến khu vực này chưa thể phát triển được?”. Thủ tướng đề nghị thảo luận để cùng nắm bắt những vấn đề tồn tại; đồng thời xác định tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược là gì và ĐBSCL cần gì về mặt cơ chế. Trong phạm vi của Chính phủ phải làm ngay việc gì?...”.

Báo cáo với Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, một thách thức rất lớn của ngành nông nghiệp ĐBSCL đó là, một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, thiếu tính liên kết vùng. “Nếu không vượt qua được sẽ khó tạo ra sự phát triển nhanh về chất và nông sản phải luôn đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường”, ông Hoan nói và nhận định ĐBSCL đang đứng trước lựa chọn lớn đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Nghĩa là chuyển từ sản xuất chạy theo sản lượng sang tư duy sản xuất tăng giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học bị suy kiệt sau thời gian dài lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đặt ra thách thức lớn với định hướng tiến đến một nền nông nghiệp xanh. Tư duy mùa vụ của người nông dân, tầm nhìn thương vụ của doanh nghiệp vô tình gây trở ngại cho mục tiêu liên kết bền vững giữa sản xuất và tiêu thụ.

Theo ông Hoan, để khắc phục những tồn tại trong phát triển ĐBSCL thì sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, tính liên kết vùng, tiểu vùng giữa các địa phương cần phải được chú trọng ngay đầu mùa vụ, chứ không phải chỉ tập trung xử lý khi nông sản ùn ứ sau thu hoạch. Mỗi địa phương cần chủ động mở rộng không gian liên kết, phát triển, đất đai có thể manh mún, địa giới hành chính có thể bị chia cắt, nhưng tư duy không thể manh mún, không gian kinh tế không thể bị chia cắt.

Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết qua trao đổi với các địa phương trong vùng, các nơi đều nhận định 2 khâu yếu nhất của vùng vẫn là nhân lực và hạ tầng. Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành cho rằng, việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp ĐBSCL còn rất hạn chế; liên kết vùng còn chưa chặt chẽ…

Đại diện doanh nghiệp ngành nông nghiệp, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Lộc Trời (An Giang), đưa ra hàng loạt bài toán khó của ngành lúa gạo ĐBSCL như: được mùa mất giá; chi phí sản xuất tăng cao; hiệu quả sản xuất của hộ nông dân thấp; logistics không đồng bộ; bảo quản sau thu hoạch và giảm hao hụt trong sản xuất cao; đặc biệt là các thách thức về bảo vệ môi trường, cân bằng giữa hữu cơ, sinh học và hóa học, liên kết sản xuất chưa hiệu quả. Theo ông Thòn, giải pháp hàng đầu là phát triển mô hình hợp tác xã để liên kết sản xuất. Trên cơ sở đó, tiến hành các biện pháp giảm thuốc, giảm phân, sản xuất theo quy mô lớn, đồng bộ, truy xuất được nguồn gốc, chế biến sâu…

Công nghiệp, dịch vụ là bệ đỡ cho nông nghiệp

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng ĐBSCL luôn được lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo với nhiều chủ trương, chính sách. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL do Phó thủ tướng làm Chủ tịch. Mới đây nhất, Quy hoạch vùng ĐBSCL là cơ sở đặc biệt quan trọng để phát triển bền vững ĐBSCL chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dịp này, Bộ NN-PTNT cũng khai trương Văn phòng điều phối nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP.Cần Thơ. Văn phòng sẽ hỗ trợ điều phối công tác quy hoạch sản xuất, chuẩn hóa vùng nguyên liệu; kết nối doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu; nối kết chuỗi ngành hàng, hỗ trợ nâng cao chất lượng hợp tác xã, hình thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ; điều phối vận hành các công trình thủy lợi đảm bảo đồng bộ toàn hệ thống; hỗ trợ chuyển đổi số nông nghiệp cấp vùng. Ngoài ra, cũng sẽ hỗ trợ điều phối các dự án tài trợ quốc tế có tính liên tỉnh, liên vùng, kết hợp hài hòa giữa đầu tư công trình và các giải pháp phi công trình, mở ra không gian kinh tế nông thôn.

“Tiềm năng, lợi thế của ĐBSCL rất lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp. Hạ tầng chiến lược chưa phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được đầu tư bài bản. Năng suất chất lượng sản phẩm còn thấp, tính liên kết trong chuỗi sản xuất chưa cao. Thị trường không ổn định. Lại bị tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu”, Thủ tướng trăn trở.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh một số mục tiêu cho ĐBSCL: Phát triển nhanh và bền vững; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; xác định nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, xem công nghiệp, dịch vụ là bệ đỡ phát triển nông nghiệp để mang lại giá trị thặng dư cao hơn.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các địa phương cần phát huy nguồn lực bên trong đó là nguồn lực con người, tự nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa cùng với nguồn lực bên ngoài như vốn, công nghệ, quản trị… Đặc biệt phát huy tính tự lực tự cường, đầu tư công không dàn trải, có trọng tâm, trọng điểm, lấy nguồn vốn nhà nước để dẫn dắt, kích hoạt, huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Tóm tắt tư duy phương pháp luận và cách tiếp cận trong phát triển ĐBSCL, Thủ tướng nêu 28 chữ: “Tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, thích ứng chủ động, chuyển đổi linh hoạt, giá trị nâng cao, nguồn lực công - tư, đời sống chất lượng”. Đồng thời yêu cầu, các tỉnh thành, cần nhanh chóng rà soát lại cơ chế chính sách, tập trung phát triển, xác định cần bổ sung điều gì. Đặc biệt là thúc đẩy liên kết vùng, quy hoạch sản phẩm, đa dạng hóa thị trường trên cơ sở phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các địa phương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.