Giao thừa trên chuyến tàu Thống Nhất

01/02/2022 06:44 GMT+7

Trong thời khắc chuyển giao thiêng liêng giữa năm cũ và mới, nhân viên ngành đường sắt vẫn thầm lặng đón đưa hành khách về quê trong lúc giao thừa, không thể sum họp cùng gia đình.

Chiều cuối năm, một đoàn tàu hú còi inh ỏi tiến vào ga Sài Gòn, thông báo cho hành khách bên trong biết đã đến thời khắc về nhà, về với những thứ bánh tết và mai, đào đang rực rỡ chờ năm mới. Cùng lúc ấy, tổ tàu SE4 thuộc tuyến đường sắt Thống Nhất bắt đầu rời ga, lặng lẽ đón thêm một cái tết xa gia đình.

Sắc hoa mai vàng cùng nhạc xuân rộn rã phát qua loa làm không khí tối giao thừa thêm tưng bừng

Ngọc Long

Gần 20 năm đón giao thừa xa nhà

Công tác trong ngành đường sắt gần 20 năm, trưởng tàu Bùi Văn Tiến (Đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam, ngụ Q,7, TP.HCM) cho biết hiếm khi được đón giao thừa ở nhà. 19 giờ 25 tàu chạy, ông cùng đoàn tiếp viên đã phải có mặt từ chiều để vệ sinh toa tàu, sắp xếp ga giường, đảm bảo thực hiện đủ các yếu tố phòng dịch Covid-19 để chuẩn bị đón những vị khách cuối cùng trong năm. “Đây là tuyến từ Nam ra Bắc rồi lại vào Nam nên đến mùng 4 tôi mới được về ăn tết với gia đình”, ông Tiến kể.

Theo ông Tiến, nghi thức cúng đêm giao thừa trên tàu khác với bình thường. Gà luộc, giò chả, hoa quả, bánh chưng... đều được tổ tàu phân công chuẩn bị trước, sắp thành mâm cỗ đặt trong một buồng ở toa trưởng tàu (nằm ở kề cuối đoàn tàu, cạnh đầu máy xe lửa). Để trên tàu có không khí ngày xuân, nhân viên đường sắt cũng cùng nhau trang trí toa xe bằng những decal, đồ xốp chủ đề tết như hổ, hoa mai, câu chúc năm mới.

Trong phút giây giao thừa, nhiều tiếp viên gọi điện về nhà, gửi nhau lời chúc mừng năm mới đến gia đình

Ngọc Long

Nhiều năm đón giao thừa theo nhịp bánh lăn, ông Tiến trải lòng: “Ngày cuối năm ai chẳng mong được ở bên người thân, nhưng tôi đã quen với cảm giác này. Mình phải ráng làm tốt công việc để mang cái tết đầy đủ về cho gia đình”.

Làm việc trên tàu SE4 còn có tiếp viên Đặng Thái Sơn (25 tuổi, quê Nam Định). Sơn cho biết đây là lần thứ 4 anh đón giao thừa trên tàu, sau 5 năm làm việc. “Giao thừa hay ngày thường cũng gần như nhau, phải bảo đảm công việc chạy tàu và an toàn cho hành khách. Chỉ khác là hôm nay chúng tôi có tổ chức một bữa tiệc nhỏ để cùng quây quần sau khi cúng giao thừa”, Sơn kể.

Chàng trai quê Nam Định cho biết nuối tiếc nhất khi đi tàu ngày cuối năm là không được đón giao thừa cùng gia đình, cũng như lỡ dịp xem trực tiếp Táo Quân, chương trình anh yêu thích. Hiện đang sống cùng gia đình, Sơn chỉ cảm thấy thoáng buồn và tự động viên mình mau làm tốt việc để sớm về nhà sau chuyến tàu xa.

Trên tàu cũng có lì xì, liên hoan

Nửa tiếng trước thời khắc giao thừa, đoàn tiếp viên cùng tề tựu ở toa trưởng tàu, đợi đúng 24 giờ để thắp hương cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất trong năm mới. Sau đó, anh em trong tàu người thì nhìn qua khung cửa sổ, người thì gọi về cho người thân, chúc mừng năm mới và hàn huyên tâm sự.

Bánh chưng, gà luộc, củ kiệu,... là những món không thể thiếu trong ngày tết trên tàu

Ngọc Long

Tục lì xì đầu năm cũng là một nét đặc biệt của người nhà tàu. Thực tế, đây là số tiền thưởng tết nhưng trưởng tàu Tiến đã đựng chúng trong những phong bao đỏ thắm, đợi đến giao thừa lì xì anh em thay cho lời chúc may mắn.

Cúng giao thừa xong, tổ tàu cùng nhau tiến về toa căn tin để liên hoan mừng năm mới, với những thức ăn “đậm mùi tết” đã chuẩn bị trước từ chiều. Ngày tết trên tàu có lẽ cũng kết thúc ở bữa ăn này, vì sau đó, mọi người lại trở về với guồng quay công việc thường ngày.

Ông Tiến cho hay, trước khi tàu chuyển bánh, lãnh đạo đơn vị có đến thăm, tặng quà và chúc tết anh em tổ tàu. Đây là nguồn động viên tích cực giúp đoàn tiếp viên làm việc thêm hứng khởi, vơi bớt nỗi niềm khi phải đón giao thừa xa nhà.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.