Giáo viên cũ đang dạy các môn học mới ra sao?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
17/12/2021 07:15 GMT+7

Giáo viên lâu nay đang dạy đơn môn thì nay phải gộp sức để dạy các môn tích hợp theo chương trình mới. Có nơi giáo viên nhận phần khó về mình để thuận lợi cho học sinh, nhưng cũng có nơi 'lực bất tòng tâm'.

Mỗi nơi dạy tích hợp một kiểu

Trong tháng 11 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã dự giờ, kiểm tra ở một loạt cơ sở giáo dục và trực tiếp “gỡ rối” về thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông với các lớp 1, 2 ở cấp tiểu học và đặc biệt là lớp 6 cấp THCS bắt đầu thực hiện từ năm học này.

Môn khoa học tự nhiên (KHTN) là một trong những môn học tích hợp lần đầu tiên được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông 2018 và bắt đầu áp dụng với lớp 6 năm học này. Đây cũng là môn học mà suốt hơn nửa học kỳ vừa qua nhận được nhiều ý kiến băn khoăn hơn cả từ phía giáo viên (GV) khi tích hợp 3 môn vật lý, hóa học, sinh học với nhiều chủ đề khác nhau.

Thầy Hà Ngọc Thanh, GV môn sinh đứng lớp tiết dạy môn KHTN của lớp 6E Trường THCS Nham Biền số 1 (H. Yên Dũng, Bắc Giang), với bài Sự lớn lên và sinh sản của tế bào. Thầy duy trì một không khí sôi nổi suốt giờ dạy, hầu như không có “thời gian chết” của cả thầy và trò. Nhiều hoạt động dưới dạng “game show”, chia lớp học theo từng đội chơi để học sinh (HS) làm việc nhóm, chủ động đưa ra câu trả lời của mình…

Học sinh lớp 6 Trường THCS Nham Biền số 1 (H.Yên Dũng, Bắc Giang) trong giờ học môn KHTN

QUỲNH TRANG

Để kéo HS về đúng vị trí trung tâm của lớp học, thầy Hà Ngọc Thanh cho biết khi xây dựng giáo án đã phải đưa ra hình dung về một thiết kế bài đa dạng hoạt động cho HS được nói, được làm nhiều hơn. “Tất nhiên để làm được như vậy, GV phải chịu khó, chịu khổ thời gian đầu khi xây dựng kế hoạch dạy học, còn soạn giáo án và dạy như cách cũ thì HS khó tiếp thu”, thầy Thanh nói.

Tuy nhiên, khi dạy học môn mới ở lớp 6, nhiều cơ sở giáo dục đang gặp khó khăn. Đây là nội dung đòi hỏi GV phải được đào tạo liên môn nhưng hầu hết thầy cô chỉ được đào tạo và giảng dạy đơn môn. Do đó, các trường phải bố trí nhiều GV cùng tham gia dạy môn tích hợp này; đẩy thời lượng giảng dạy/tuần của thầy cô tăng lên; việc sắp xếp thời khóa biểu, GV để dạy theo đúng thứ tự các chủ đề trong chương trình môn học cũng gặp bất cập.

Thời khóa biểu phải thay đổi liên tục

Bà Vũ Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Gia Tự (Q.Long Biên, Hà Nội), chia sẻ lúc đầu nhà trường sắp thời khóa biểu dạy đơn môn như trước. Tuy nhiên sau vài tuần, nhà trường đã phải thay đổi vì phương án này dễ cho nhà trường và GV nhưng lại đẩy khó khăn về HS. Cụ thể, chương trình môn KHTN được thiết kế theo chủ đề và mỗi chủ đề lại phù hợp với từng bộ môn. Do vậy, nếu xếp thời khóa biểu tuần tự như trước thì đang dạy chủ đề vật lý, đến giờ hóa sẽ phải dạy sang một chủ đề khác và như thế HS sẽ không được học liền mạch nội dung, thậm chí làm hỏng chương trình do dạy học đảo lộn theo giờ dạy của từng GV. Do vậy, Trường THCS Ngô Gia Tự đang áp dụng theo cách phân công GV dạy hết từng chủ đề.

Ông Nguyễn Ngọc Quý, Hiệu trưởng Trường THCS Tiến Dũng (H.Yên Dũng, Bắc Giang), cho hay khó khăn nhất vẫn là dạy học môn KHTN, hiện nhà trường đang xây dựng kế hoạch dạy học theo hình thức cuốn chiếu, hết chủ đề này mới sang chủ đề khác chứ không tuần tự các bài học theo SGK. Điều này nhằm giúp HS tiếp thu kiến thức liền mạch hơn. Tuy nhiên, chọn cách này thì nhà trường phải chấp nhận thay đổi thời khóa biểu liên tục sau 2 - 3 tuần hoặc sau khi kết thúc một chủ đề, chủ điểm.

Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình Nguyễn Viết Hiển cho biết các trường THCS trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch giáo dục theo từng tuần; riêng lớp 6 không bắt buộc dạy môn học ở tất cả các tuần, không bắt buộc chia đều số tiết/tuần để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và đội ngũ GV, nhân viên.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trò chuyện với HS lớp 6 THCS Nham Biền số 1 (H.Yên Dũng, Bắc Giang)

quỳnh trang

Cần có hướng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên

Khi chia sẻ về việc dạy học theo chủ đề, nhiều lãnh đạo trường THCS đều chung một nhận định, đó là nhà trường sẽ vất vả hơn trong sắp xếp thời khóa biểu và kế hoạch dạy học thay đổi theo từng tháng, GV cũng làm việc nhiều hơn ở một số thời điểm nhưng thầy cô đồng thuận, chấp nhận khó khăn để bảo đảm HS dễ dàng tiếp thu kiến thức.

Việc kiểm tra, đánh giá đối với môn KHTN cũng phức tạp hơn khi có 1 bài kiểm tra nhưng 3 GV phải cùng xây dựng đề, phải phân chia tỷ lệ câu hỏi cho từng phân môn tương ứng với lượng kiến thức các em đã học đến thời điểm kiểm tra; sau đó 3 GV dạy môn KHTN cùng tham gia chấm bài và thống nhất điểm.

Ông Tô Phương Lan, Hiệu trưởng THCS Minh Đức (H.Việt Yên, Bắc Giang), cho rằng: Các trường dạy môn tích hợp đang nhận phần khó về mình nhưng chỉ có thể đòi hỏi GV vượt qua khó khăn giai đoạn đầu. Về lâu dài, cần có hướng đào tạo, bồi dưỡng GV để có thể dạy môn tích hợp thay vì 2 - 3 người dạy 1 môn như hiện nay.

Ông Bạch Đăng Khoa, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang, đề nghị Bộ GD-ĐT công bố những cơ sở đào tạo GV dạy các môn học tích hợp để Bắc Giang “đặt hàng” đào tạo mới, đào tạo lại GV để sau này 1 GV có thể dạy môn học tích hợp theo chương trình mới, thay vì nhiều GV dạy 1 môn tích hợp như hiện nay.

Chương trình mới phân cấp thay vì “bao cấp”

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng cần tổ chức dạy học theo đúng tinh thần tích hợp của môn KHTN; trường hợp rất đặc biệt, quá khó khăn mới sắp xếp dạy song song các chủ đề, nhưng phải bảo đảm tính khoa học, tính sư phạm. Ông Độ cũng lưu ý với chương trình mới, cần thay đổi tư duy về xếp thời khóa biểu. Trước đây xếp thời khóa biểu theo học kỳ, nay xếp theo tuần, một học kỳ khoảng 3 lần thay đổi thời khóa biểu để linh hoạt với kế hoạch dạy học theo tuần, tháng. Nếu như chương trình hiện hành, các cơ sở giáo dục được “bao cấp”, nhà nước làm sẵn, phân phối về cho các địa phương, các nhà trường theo đó xây dựng thời khóa biểu cho cả học kỳ thì chương trình giáo dục phổ thông mới là “phân cấp”, mỗi trường sẽ có một kế hoạch giáo dục riêng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.