Trong tháng 1.2024, một số chính sách giáo dục có hiệu lực như: tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; bổ nhiệm, xếp lương giáo viên dự bị đại học; quy định dạy-học tiếng Việt cho trẻ người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1; đáng chú ý là giáo viên không cần sáng kiến kinh nghiệm khi xét "Chiến sĩ thi đua"…
Hàng trăm sáng kiến không rõ đi đầu về đâu
Trước đây, theo quy định, giáo viên phải có sáng kiến kinh nghiệm mới được công nhận đạt danh hiệu "Chiến sĩ thi đua" cơ sở. Điều này đẩy giáo viên chạy đua thành tích và không ít thầy cô "mượn, xin, sao chép, mua bán…" sáng kiến kinh nghiệm của nhau. Hàng năm cả nước có hàng trăm sáng kiến kinh nghiệm được công nhận nhưng sau đó không rõ đi đâu về đâu, được áp dụng như thế nào.
Tuy nhiên, theo quy định mới tại điều 23 luật Thi đua, khen thưởng 2022 (có hiệu lực từ ngày 1.1), giáo viên không cần sáng kiến kinh nghiệm khi xét "Chiến sĩ thi đua".
Cụ thể, cá nhân được xét, đề nghị danh hiệu "Chiến sĩ thi đua" cơ sở là những người đạt các tiêu chuẩn "Lao động tiên tiến" hoặc "Chiến sĩ tiên tiến". Sáng kiến kinh nghiệm không còn là tiêu chí duy nhất khi xét danh hiệu "Chiến sĩ thi đua" cơ sở.
Nhiều giáo viên cho rằng chính sách này sẽ góp phần triệt tiêu tình trạng "mượn, sao chép, mua bán…" sáng kiến kinh nghiệm để được bình xét "Chiến sĩ thi đua" cơ sở, tránh gây lãng phí thời gian, công sức.
Vì sao giáo viên ngao ngán sáng kiến kinh nghiệm?
Trước khi chính sách mới có hiệu lực, hàng năm, giáo viên luôn trăn trở về sáng kiến kinh nghiệm khi đăng ký "Chiến sĩ thi đua".
Giáo viên phải chọn đề tài, ý tưởng đăng ký với nhà trường. Sau khi được nhà trường đồng ý, thầy cô bắt đầu lên kế hoạch viết và cao điểm là tháng 3 hàng năm phải xong để tổ chuyên môn rồi nhà trường chấm sơ khảo chọn sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng đạt cấp trường gửi về phòng GD-ĐT chấm chung khảo. Đó là đối với thầy cô tâm huyết về giáo dục mong có đóng góp cho ngành thật đáng quý. Cũng có trường hợp thầy cô để có sáng kiến, đã "lấy" từ những nguồn khác nhau.
Sáng kiến kinh nghiệm là một bản báo cáo, trong đó giáo viên viết lại những ý tưởng, sáng kiến, kinh nghiệm của mình về công tác giảng dạy thành một báo cáo khoa học, đồng thời đưa ra các giải pháp, ứng dụng của sáng kiến đó vào thực tế dạy học. Điều này là cần thiết cho thầy cô trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao tay nghề, nhưng gắn việc có sáng kiến kinh nghiệm với danh hiệu "Chiến sĩ thi đua" là không phù hợp.
Hơn 37 năm giảng dạy ở trường THCS, bản thân tôi chỉ có một lần được nhà trường chọn đăng ký "Chiến sĩ thi đua" nên phải viết sáng kiến kinh nghiệm.
Năm học đó (2007-2008), tôi viết sáng kiến kinh nghiệm "Dạy học lịch sử địa phương Khánh Hòa gắn liền với lịch sử dân tộc". Lúc bấy giờ, ngành giáo dục chưa có tài liệu giáo dục địa phương đầy đủ như hiện nay.
Tôi rất tâm huyết với sáng kiến này vì muốn học sinh Trường THCS Trịnh Phong, Khánh Hòa có thêm hiểu biết về lịch sử địa phương mình về: Phong trào Cần vương trên đất Khánh Hòa (1885-1886); Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân 1968, ở Khánh Hòa; 101 ngày đêm mặt trận Nha Trang-Khánh hòa diễn ra từ 23.10.1945… Tuy nhiên, sáng kiến này không được công nhận mà không có lý do cụ thể.
Sáng kiến kinh nghiệm chỉ nên được dùng để giáo viên chia sẻ ý tưởng, phương pháp giảng dạy mới vì nếu chỉ dùng báo cáo này để xét "Chiến sĩ thi đua" là hình thức gây lãng phí thời gian công sức tâm trí và tâm huyết của thầy cô. Vì vậy, việc giáo viên không cần sáng kiến kinh nghiệm khi xét "Chiến sĩ thi đua" là quy định hợp thời, đáng hoan nghênh.
Bình luận (0)