Giáo viên nói gì về đề thi học sinh giỏi ngữ văn của TP.HCM?

Bích Thanh
Bích Thanh
06/03/2024 07:34 GMT+7

Kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 tại TP.HCM đã diễn ra vào ngày hôm qua, 5.3. Cũng như những năm gần đây, đề thi học sinh giỏi môn ngữ văn của TP.HCM rất được mong đợi vì tính mở của đề, tính thời sự của thông tin…

Giáo viên nói gì về đề thi học sinh giỏi ngữ văn của TP.HCM?- Ảnh 1.

Đề thi học sinh giỏi của TP.HCM năm 2024

SỞ GD-ĐT

Theo đó, đề thi học sinh giỏi môn ngữ văn năm nay có nội dung:

1. Đọc và suy ngẫm (thí sinh không cần trả lời các câu hỏi của phần này vào bài làm)

Năm 1764, vào một đêm nọ, Đại học Harvard bỗng nhiên bị cháy. Ngọn lửa phừng phừng táp hết mọi thứ xung quanh, chỉ phút chốc tòa nhà Harvard trứ danh (tòa thư viện mà sách trong đó đều do ông Harvard quyên tặng sau khi qua đời) đã bị hủy hoại toàn bộ. Mọi người ở trường Harvard đều rất đau lòng và nuối tiếc.

Trong tình hình ấy, một sinh viên tên John bắt đầu cảm thấy tiến thoái lưỡng nan. Tại sao vậy? Thì ra John là người cuồng sách điển hình, bình thường cậu hay ăn ngủ trong thư viện. Nguồn tri thức phong phú trong sách đã hấp dẫn cậu nhưng thư viện có một quy định khiến cậu rất khó xử: sách chỉ được mượn đọc tại chỗ, không được mang về, nếu không sẽ bị đuổi học.

Năm giờ chiều hôm xảy ra hỏa hoạn chính là lúc thư viện phải đóng cửa, nhưng John vẫn đang chìm đắm trong một quyển sách, cậu muốn đọc cho xong. Do vậy, cậu lén mang quyển sách ra ngoài. Cậu không ngờ đêm đó thư viện bị ngọn lửa thiêu rụi, tất cả sách đều không còn, chỉ sót lại duy nhất quyển sách trong tay cậu.

"Mình có nên mang sách trả lại không?" John áy náy khó xử. Trải qua một khoảng thời gian dằn vặt suy nghĩ, John quyết định mang quyển sách đến cho thầy hiệu trưởng. Thầy hiệu trưởng vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, thầy xúc động nhận sách từ John và cảm ơn cậu đã giúp Havard giữ lại được chút ít di sản quý giá.

Các lãnh đạo khác của Harvard nghe được chuyện này đã đề nghị khen thưởng John. Thế nhưng, hai ngày sau, thông báo được dán khắp trường với nội dung không thể tin nổi:

John do không tuân thủ quy định của trường nên bị cho thôi học.

Anh/Chị có bất ngờ trước việc John bị cho thôi học? Hình phạt này liệu có quá nghiêm khắc với một sinh viên đam mê đọc sách? Tại sao thầy hiệu trưởng lại quyết định như vậy? Mọi người xung quanh sẽ phản ứng như thế nào trước quyết định này?

Sau khi đã có câu trả lời, anh/chị hãy lật qua trang sau để đọc tiếp về suy nghĩ và thái độ của những người có liên quan.

Giáo viên nói gì về đề thi học sinh giỏi ngữ văn của TP.HCM?- Ảnh 2.

Thí sinh thi học sinh giỏi tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM)

BẢO CHÂU

Suy nghĩ và thái độ của những người có liên quan:

Đối với John, tin này như sét đánh giữa trời quang. Dù biết thư viện quy định sách chỉ được mượn tại chỗ, nếu mang về sẽ bị đuổi học, cậu vẫn không tin nổi trước việc mình phải rời khỏi Harvard.

Nhiều thầy và trò trường Harvard cảm thấy mức phạt này quá nghiêm khắc, họ muốn xin thầy hiệu trưởng cho John một cơ hội. Theo họ, sai lầm của John có thể thông cảm được bởi nó đến từ việc cậu đam mê đọc sách.

Thầy hiệu trưởng lại nghĩ khác. Thầy nói: "John đã vi phạm quy định của trường, tôi buộc phải cho cậu ấy thôi học. Bất cứ lúc nào, đều phải làm theo quy định, phải quản lí được bản thân. Ngược lại, cho dù vì lí do gì, nếu không thể kiềm chế bản thân thì phải tự chịu trách nhiệm cho hành vi của mình".

(Nội dung phần đọc dựa theo Xiu-ying Wei, Harvard bốn rưỡi sáng, NXB Thế giới, 2023)

2. Viết văn

Câu 1 (8,0 điểm)

Từ phần đọc và suy ngẫm, anh/chị hãy viết bài văn trả lời cho câu hỏi:

Liệu những đam mê chính đáng có thể được xem là lí do để biện minh cho sai lầm?

Câu 2 (12,0 điểm)

Qua suy nghĩ và thái độ của mọi người ở câu chuyện trên, ta có thể thấy: trong cuộc sống, cùng một sự việc nhưng ở những góc nhìn khác nhau, con người sẽ có những cách đánh giá và ứng xử khác nhau.

Tương tự như vậy, trong tiếp nhận văn học, cùng một tác phẩm nhưng ở những góc nhìn khác nhau, cảm thụ và đánh giá của độc giả cũng rất khác nhau.

Từ gợi ý trên và từ những trải nghiệm trong quá trình đọc, anh/chị hãy viết bài văn với nhan đề: Những góc nhìn văn chương.

Giáo viên nói gì về đề thi học sinh giỏi ngữ văn của TP.HCM?- Ảnh 3.

Đề thi học sinh giỏi của TP.HCM

SỞ GD-ĐT


Đề cao tính sáng tạo của học sinh

Với nội dung đề thi học sinh giỏi năm nay, giáo viên Hà Văn Vụ, Trường THPT Lê Thánh Tôn (Q.7, TP.HCM), nhận xét đề thi học sinh giỏi năm 2024 có chủ đề xuyên suốt là Những góc nhìn khác nhau, cũng là đề mang tính mở, kích thích sự sáng tạo trong cách viết của học sinh.

Về ngữ liệu, người biên soạn sử dụng ngữ liệu từ cuốn sách Harvard bốn rưỡi sáng của tác giả Xiu-ying Wei (Vĩ Tú Anh) do Phan Thu Vân dịch, nhà xuất bản Thế giới ấn hành năm 2023. Trước khi được in thành sách, nó được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng của Trung Quốc.

So với đề năm 2023 thì gợi dẫn của đề khá dài, người ra đề không sử dụng ngữ liệu ở trang nhất định nào đó của cuốn sách mà chọn lọc, biên tập ở nhiều trang khác nhau để ra đề.

Ở câu nghị luận xã hội, lệnh đề là một câu hỏi gắn liền với nội dung được gợi ra từ ngữ liệu hoặc phần gợi dẫn mà người ra đề biên soạn: Liệu những đam mê chính đáng có thể xem là lý do để biện minh cho sai lầm? Rõ ràng đề có hai vấn đề nghị luận lớn: Đam mê chính đáng và lý do để biện minh cho sai lầm. Đọc qua chúng ta có thể thấy rất rõ, nhưng vấn đề nghị luận này tương đối khó, cần tri thức xã hội rộng, kiến thức nền và những hiểu biết về cuộc sống, xã hội tốt thì học sinh mới có thể lập luận sắc sảo, thuyết phục. Vì vậy đề năm nay có tính phân hóa ngay từ câu nghị luận xã hội.

Câu nghị luận văn học yêu câu học sinh viết bài luận: Những góc nhìn văn chương. Lệnh đề mở và sát với phần gợi dẫn (những góc nhìn khác nhau), học sinh có thể thoải mái viết theo quan điểm của cá nhân nhưng có thể phải so sánh với góc nhìn hoặc quan điểm của người khác về văn bản mà mình sử dụng để nghị luận. Nếu không tỉnh táo học sinh có thể chỉ đưa ra quan điểm cá nhân mình nhưng không so sánh hoặc làm nổi bật được góc nhìn khác từ tác phẩm đó. Như vậy điểm sẽ không cao.

Thầy Vụ nhấn mạnh, đề năm nay đề cao tính sáng tạo của học sinh khi cả hai câu hỏi đều rất mở. Tuy nhiên đề gợi dẫn dài và độ khó cao so với năm trước, nhất là câu nghị luận xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.