Giáo viên nói gì về đề thi ngữ văn cuối cùng của Chương trình GDPT 2006?

27/06/2024 13:03 GMT+7

Thí sinh đã kết thúc bài thi môn ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và giáo viên đã có những nhận xét về đề thi ngữ văn cuối cùng của Chương trình GDPT 2006.

Giáo viên nói gì về đề thi ngữ văn cuối cùng của Chương trình GDPT 2006?- Ảnh 1.

Thí sinh vui mừng sau khi kết thúc giờ làm bài môn ngữ văn

NHẬT THỊNH


Đề thi ngữ văn đã khác mọi năm ra sao?

Với đề thi ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) nhận xét không khó, không bất ngờ, không có đột phá.

Về cơ bản cấu trúc và cách hỏi tương tự như những năm trước. Với các thí sinh ôn luyện chăm chỉ và có kỹ năng làm bài thì có thể đạt điểm 7 trở lên.

Đề thi không khó nên sẽ phù hợp để xét tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, tính phân loại không quá cao sẽ khó để thực hiện nhiệm vụ kép là xét ĐH.

Cụ thể, ở phần đọc hiểu là một văn bản văn xuôi với hai đoạn văn trong văn bản Dòng sông và những thế hệ của nước của nhà văn Nguyễn Quang Thiều.

Ngữ liệu có độ dài vừa vặn, diễn đạt dễ hiểu, vấn đề nội dung đặt ra trong bài viết cũng hay, có tính khơi gợi và có giá trị thẩm mỹ, giá trị giáo dục.

Bốn câu hỏi của phần đọc hiểu tương đối dễ, thí sinh dễ kiếm điểm tuyệt đối phần này nếu làm bài kỹ lưỡng. Trong đó, câu 1 và câu 2 thuộc kiểu chống liệt, chỉ cần chép từ văn bản ra là có điểm. Câu 3,4 thí sinh phải hiểu vấn đề thì mới trả lời được tác dụng của việc liên tưởng so sánh dòng chảy của con sông với lịch sử của sự sáng tạo nghệ thuật và rút ra bài học về lối sống cho bản thân.

Giáo viên nhận xét đề ngữ văn thi tốt nghiệp THPT 2024 Trúng tủ nhưng chưa chắc đạt điểm cao

"Tôi đánh giá cao và khá thích đề bài của phần đọc hiểu. Các câu hỏi không bị cũ kỹ và không thiên về kiểm tra kiến thức tiếng Việt, ngữ pháp như mọi năm (mọi năm hay hỏi phương thức biểu đạt chính và biện pháp tu từ), thầy Đức Anh bày tỏ.

Câu số 4, theo thầy Đức Anh có độ mở, cho thí sinh có cơ hội được nói lên suy nghĩ riêng của bản thân.

Còn ở phần làm văn, câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh viết đoạn văn bản về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính. Vấn đề đặt ra thú vị, vừa phải với thí sinh, phù hợp tâm lý lứa tuổi mới lớn, đang muốn khẳng định mình. Vấn đề cũng có tính giáo dục cao, khá gần gũi, dễ hiểu. Với những thí sinh có kỹ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội sẽ có thể dễ dàng xử lý tốt câu này trong thời gian ngắn vì vấn đề đặt ra không khó, dễ tìm ý.

Câu nghị luận văn học với tác phẩm Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm là một trong những tác phẩm có tần suất xuất hiện nhiều nhất trong vòng 10 năm qua (4 lần). Tác phẩm có lẽ nằm trong dự đoán ôn trọng tâm của nhiều thí sinh nên thí sinh không quá bất ngờ. Theo thầy Đức Anh, đoạn thơ không quá dài, nhưng khi phân tích thì lại có nhiều vấn đề gợi mở nhiều luận điểm, nhiều ý cần phân tích, nên đòi hỏi thí sinh phải biết xử lý đề, có kỹ năng làm bài mới làm kịp thời gian. Ngoài yêu cầu chính là phân tích đoạn thơ, đề còn một yêu cầu phụ để phân loại thí sinh là nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn trích. Phần này dù thuộc phong cách thơ rất đặc trưng của Nguyễn Khoa Điềm nhưng có lẽ sẽ khiến nhiều thí sinh lúng túng.

Những thú vị từ đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn

Chủ đề của bài thi có sự thống nhất nếu học sinh khá sẽ phát hiện ra và lấy đó làm điểm kết nối. Các phần luôn có tính bổ trợ.

Phần đọc hiểu khẳng định tính kết nối và kế thừa để tạo nên giá trị bền vững. Mỗi cá nhân không thể tách rời với cộng đồng.

Câu nghị luận xã hội lại đi một hướng khác: khẳng định cái tôi riêng biệt cần được tôn trọng. Điều này tưởng như mâu thuẫn với phần đọc hiểu nhưng lại là tư duy biện chứng. Câu hỏi này rất hay với tổng thể nội dung.

Câu nghị luận văn học không mới vì vậy giúp học sinh không bỡ ngỡ và gây căng thẳng - nhất là môn thi đầu tiên- tạo tâm lý tốt cho thí sinh. Mục đích sáng tác của Nguyễn Khoa Điềm là khơi dậy trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với đất nước qua bình diện văn hóa và địa lý. Phạm vi văn bản khá hay, vừa phù hợp với nội dung toàn bài thi vừa nêu được giá trị của yếu tố văn chương và giá trị của chất liệu văn học dân gian.

Giáo viên Trương Đức, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM)

Điểm sáng của đề thi chấm dứt chặng đường của Chương trình GDPT 2006

Còn thạc sĩ Võ Minh Nghĩa, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cũng nhìn nhận đề thi ngữ văn vừa sức, sĩ tử nhẹ nhàng lướt qua môn ngữ văn và Chương trình GDPT 2006 môn học này đã kết thúc.

Theo thạc sĩ Nghĩa, đề thi ngữ văn phần đọc hiểu năm nay giàu chất văn, giàu giá trị giáo dục và đặc biệt là rất hay khi chạm được vào những triết lý của cuộc sống. Học sinh được dịp trăn trở và suy tư về sự tiếp nối giữa các thế hệ. Đề đọc hiểu có sự đồng bộ hóa với chủ đề của đoạn văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Theo thầy Nghĩa, điểm sáng và hay nhất của đề thi năm nay nằm ở chỗ: Học sinh sau khi làm đọc hiểu xong với tư duy giữ gìn văn hóa của dòng chảy ngàn năm thì đến phần viết đoạn nghị luận xã hội lại là một sự bổ khuyết, tương hỗ cho chủ đề đó là tôn trọng cá tính của bản thân. Nghĩa là chúng ta là sự kế thừa nhưng cũng phải là chính mình là sự khẳng định nhân vị của mình trong dòng chảy của lịch sử. Đây là sự liên kết rất tinh tế trong ý tứ của người ra đề.

Về đoạn trích Đất Nước, đây là đoạn trích rất hay và quen thuộc trong chương trình. 18 câu đề chọn để ra thi gần gũi với sự giảng dạy của thầy cô trên trường. Tuy nhiên, đoạn trích ra thi phải yêu cầu học sinh có sự am hiểu về văn học dân gian, kiến thức văn hóa dân tộc sâu rộng thì mới viết hay và sâu sắc. Bên cạnh đó, câu hỏi phụ của đề cũng ở trình độ tư duy cao khi yêu cầu học sinh đưa ra nhận xét sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của tác giả. "Theo tôi đánh giá, đây là phần phân loại học sinh rõ rệt nhất của ranh giới những em có mức học lực trung bình và khá giỏi", thầy Nghĩa nhận định.

Đề thi phù hợp, đảm bảo tính phân hóa

Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng đề thi môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là một đề thi tốt vì được thực hiện đúng với cấu trúc đề tham khảo đã công bố, đảm bảo tính phân hóa, phổ điểm dự đoán từ 6,5-7 điểm.

Thạc sĩ khôi cho biết đây là một đề thi tốt vì được thực hiện đúng với cấu trúc đề tham khảo đã công bố, đảm bảo tính phân hóa (chủ yếu nằm ở câu hỏi số 3 của phần đọc hiểu, cách triển khai các ý trong phần nghị luận xã hội và nội dung nhận xét ngắn ở phần nghị luận văn học) để phục vụ tốt cho cả 2 mục đích là xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Giáo viên nói gì về đề thi ngữ văn cuối cùng của Chương trình GDPT 2006?- Ảnh 2.

Nội dung đề thi môn ngữ văn

MỸ QUYÊN

Đề thi cũng phù hợp với nhiều đối tượng từ thành thị đến nông thôn, vùng núi đến hải đảo, vốn có chất lượng giáo dục và điều kiện dạy - học không đồng đều.

Cụ thể, thạc sĩ Bảo Khôi nhận định phần đọc hiểu đã chọn được một ngữ liệu rất tốt. "Đây là một văn bản nghị luận có cách diễn đạt giàu hình ảnh, đầy sức gợi, thấm đẫm cảm xúc, gợi ra sự gắn kết giữa các thế hệ nghệ sĩ trong đại dương nghệ thuật. Cái nhìn lịch đại đầy thấm thía, sâu sắc về nguồn cội sáng tạo, về sự hợp lưu giữa dòng riêng với nguồn chung, giữa cá thể và tổng thể gợi cho học sinh nhiều thông điệp giá trị. Đặc biệt, việc hoàn thành câu 3 (mức thông hiểu) và câu 4 (mức vận dụng) hoàn toàn có thể giúp học sinh khơi thêm những ý tưởng cho phần nghị luận xã hội bên dưới", thạc sĩ Khôi chia sẻ.

Về phần nghị luận xã hội, thạc sĩ Bảo Khôi cho rằng ngữ liệu tốt, có tiềm năng khai thác tích hợp đọc hiểu và nghị luận xã hội không phải điều dễ dàng.

Chạm đến cảm xúc học sinh

"Hơn thế, đối tượng của kỳ thi tốt nghiệp THPT ở lứa tuổi đầu thanh niên, các em đang phát triển mạnh các hoạt động nhận thức. Khi ý thức về vai trò, vị trí của mình, tất yếu, lứa tuổi này mong muốn được cất lên tiếng nói riêng, được thể hiện bản lĩnh, sự khác biệt của mình và được người khác tôn trọng những điều ấy. Vừa chạm đến cảm xúc của học sinh, vừa cho các em cơ hội được nói về những nhu cầu thiết thân, vừa hỗ trợ các em trong quá trình hoàn thiện nhân cách trong tương lai. Tôi tin tác dụng của đề thi đã vượt xa hơn mục đích cơ bản của nó", thạc sĩ Khôi nhìn nhận.

Về phần nghị luận văn học, theo thạc sĩ Khôi, Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm là một tác phẩm đã xuất hiện nhiều lần trong đề thi tốt nghiệp THPT. Dẫu vậy, nội dung phân hóa "nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư" rất đắt giá, nhất là khi vấn đề này có tính kết nối cao với hai phần trên của đề thi. "Kết hợp giữa cảm xúc và suy tư/chính luận và trữ tình" là đặc trưng nổi bật trong sáng tác của Nguyễn Khoa Điềm, có chăng cũng là một gợi ý để học sinh quan tâm hơn đến nét đặc sắc làm nên chân dung riêng biệt, cá tính sáng tạo của tác giả và sự thể hiện nó trong tác phẩm.

"Điều này lại càng có ý nghĩa đặc biệt trong giai đoạn này, khi việc dạy học tiếp nhận văn bản văn học đang dần bị thao tác, công thức hóa", thạc sĩ khôi chia sẻ.

Thạc sĩ Khôi cho rằng với đề văn có mức phân hóa như đã nói trên, nhiều khả năng điểm thi tập trung quanh ngưỡng từ 6,5 - 7,0.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.