"ĐỊNH VỊ LẠI BẢN THÂN"
Đó là chia sẻ của thạc sĩ Phạm Lê Thanh, giáo viên (GV) Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM), khi nói về những thay đổi của bản thân trong bối cảnh thời đại công nghệ 4.0, sự chuyển đổi số mạnh mẽ kèm theo sự đổi mới của chương trình GDPT 2018. Thầy Thanh cho biết: "Mỗi thầy cô phải định vị lại mình sao cho phù hợp với sự phát triển của xã hội".
Từ mục tiêu đánh giá của chương trình GDPT 2018, thầy Thanh cho rằng, người thầy hiện nay có nhiệm vụ đánh giá học sinh (HS) theo xu hướng mới, với mục đích giúp HS có động lực phát triển bản thân. Quá trình đánh giá không phải để phân loại, xếp hạng người học, không phải so sánh HS này với HS kia mà chỉ ra cho các em những điểm mạnh cần phát huy và điểm yếu cần rèn luyện để trưởng thành. Trong hành trình giáo dục đó, GV cũng cần phải học tập không ngừng, sáng tạo trong nhiều hoạt động dạy học để trở thành một người thầy hiện đại cùng HS tiệm cận được với nền giáo dục tiên tiến và hội nhập quốc tế.
QUAN TRỌNG NHẤT VẪN LÀ TẤM LÒNG CỦA NHÀ GIÁO
Thầy Trần Tuấn Anh, GV Trường THCS Colette (Q.3, TP.HCM), cho rằng những thay đổi giáo dục trong giai đoạn hiện nay khiến cho công việc giảng dạy của GV thêm hiệu quả. Trước đây thì phải dạy bằng phấn trắng, bảng đen truyền thống nhưng nay thì trong bài giảng có hình ảnh, video clip, âm nhạc tạo sự sinh động cho HS.
Tuy vậy, để thực hiện hiệu quả điều này thì GV trong thời đại công nghệ số phải trang bị cho mình kiến thức nền tảng tin học và phải soạn giảng được giáo án điện tử.
Thế nhưng theo GV của Trường THCS Colette, dù có hiện đại đến đâu, đổi mới đến đâu thì quan trọng nhất vẫn là tấm lòng và trái tim của người thầy. Vì vậy, dù phương pháp giảng dạy, hình thức truyền tải có hiện đại đến đâu, có sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại đến thế nào thì người thầy vẫn phải thổi "cái hồn" của bài giảng để HS cảm nhận được.
LUÔN SÁNG TẠO, ĐỔI MỚI
Đến Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM, vào bất cứ giờ học nào cũng thấy được nhiều năng lượng tích cực của cả thầy và trò. Trong số những GV trẻ, năng động, sáng tạo tại ngôi trường này, có cô giáo Phạm Hoàng Uyên, 29 tuổi, GV chủ nhiệm lớp 3.
Tại một giờ hoạt động trải nghiệm với môn toán, HS lớp 3 thích thú khi được học dưới sân trường. Với nội dung bài học là đo chu vi, diện tích sân trường, HS được ước lượng chu vi, diện tích, sau đó các em sẽ thử sức đo chiều dài, chiều rộng sân trường bằng các bước chân. Cô Phạm Hoàng Uyên còn chuẩn bị sẵn các thước dây, học trò được thay phiên nhau đo đạc, ghi số liệu cụ thể và khi lên lớp, các em sẽ ngồi lại cùng nhau tính toán chu vi, diện tích theo công thức toán. Toán ứng dụng đã trở nên gần gũi, sinh động hơn với các HS rất nhiều.
Cô Phạm Hoàng Uyên cho biết khi mới bắt đầu thực hiện chương trình GDPT 2018 thì cô cũng có những lo lắng, tuy nhiên sau thời gian được tập huấn, nghiên cứu kỹ về chương trình, chuẩn bị những nội dung sẽ dạy cho HS thì khó khăn bước đầu đã vượt qua.
Lớp học dù hiện đại, đổi mới mạnh mẽ tới đâu thì cũng không thể thiếu được tình yêu thương, sự quan tâm mà GV dành cho các học trò. Cô Uyên bộc bạch: "Tôi luôn tâm niệm nghề giáo là kỹ sư của tâm hồn. Để HS thay đổi, cần người thầy thay đổi. Vì từ các thầy cô giáo sẽ tạo ra không khí cởi mở của lớp học, mang lại hiệu quả trong bài giảng, từ đó phát triển được năng lực, phẩm chất của các em, giúp học trò có tinh thần tốt nhất khi đến trường. Đó chính là trường học hạnh phúc".
Bình luận (0)