>> Nhiều học viên bị cấm thi oan
|
Sáng nay, nhiều giáo viên ngồi trước trung tâm để chờ được giải quyết những bức xúc của mình. Trong khi đó, lá đơn xin cứu xét của tập thể giáo viên cũng được gởi đến Sở GD-ĐT TP.HCM.
Theo đơn xin cứu xét tập thể 14 giáo viên gởi Sở GD-ĐT TP.HCM, bà Đàm Thị Tâm, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, từ khi về nhận công tác đã xảy ra nhiều mâu thuẫn, gây xáo trộn nội bộ, gây mất đoàn kết, giáo viên bất an khi dạy trẻ khuyết tật, làm giảm hiệu quả công việc giảng dạy của giáo viên.
Hiện bà Tâm là người quản lý về chuyên môn trẻ khuyết tật. Và theo đơn cứu xét, điều này không phù hợp vì bà Tâm áp dụng những phương pháp không đúng chuyên môn giáo dục đặc biệt gây ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả làm việc của trung tâm.
Viết trong lá đơn, tập thể giáo viên xin các cấp lãnh đạo, ban ngành chuyển công tác bà Đàm Thị Tâm về nơi công tác phù hợp với trình độ và cách làm việc. Nếu bà Tâm còn tiếp tục quản lý tại trung tâm thì đội ngũ giáo viên còn gặp nhiều khó khăn và giảm hiệu quả công việc.
Trong cuộc gặp gỡ với báo chí sáng nay, tập thể giáo viên cho biết nếu không được Sở GD-ĐT TP.HCM giải quyết, vẫn để bà Tâm làm việc tại trung tâm thì giáo viên sẽ nghỉ dạy vì không “chịu đựng nổi”.
Trước đó, phụ huynh đã được giáo viên của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật thông báo sẽ nghỉ dạy vào sáng nay vì lý do chờ Sở GD-ĐT TP.HCM giải quyết đơn xin cứu xét của tập thể 14 trong tổng số 19 giáo viên.
Được biết, trong thời gian trẻ không đến trường, các giáo viên vẫn hỗ trợ các gia đình khi cần sự giúp đỡ.
“Không hay biết về phản ánh của giáo viên”
Trả lời phóng viên Thanh Niên Online, bà Tâm cho rằng bà chưa bao giờ dùng quyền hành của Phó giám đốc để bắt giáo viên làm theo quy định.
Bà cho rằng, những việc bà làm là để đảm báo đúng với quy định, để chấn chỉnh nề nếp của trung tâm.
“Tôi bị hàm oan. Tôi đã giúp thầy cô hết cỡ", bà Tâm nói thêm.
|
Bà Tâm cũng khẳng định chưa bao giờ nhận được góp ý hay phản ánh của giáo viên trong suốt thời gian làm việc và cho rằng “ban giám hiệu cũng không hề biết chuyện gì xảy ra”.
Trong khi đó, có mặt ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc trung tâm, tập thể giáo viên cho biết đã góp ý đến 5 - 6 lần qua các cuộc họp, đại hội, hội nghị về cách làm việc của bà Tâm.
“Chúng tôi đã cho cô Tâm thời gian để hòa hợp từ 2 tháng, rồi 6 tháng,… mà tình trạng càng ngày càng tệ hơn”, anh Phan Hùng Dương, giáo viên tổ chuyên môn bồi dưỡng nghiệp vụ, nói.
Nhiệt tình quá… gây tổn thương người khác
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc trung tâm, cho biết ông không có quyền hạn để điều chuyển bà Tâm làm việc chỗ này hay chỗ khác nên sẽ chờ Sở GD-ĐT TP.HCM giải quyết.
Theo đánh giá cá nhân, ông Tâm cho rằng bà Tâm, Phó giám đốc trung tâm, là người làm việc có trách nhiệm, chịu khó, nhiệt tình nhưng duy ý chí, luôn cho mình là đúng, không làm theo ý người khác nên đã không tạo được sự đồng thuận. Đồng thời cách làm việc cứng nhắc của bà Tâm cũng đã gây tổn thương cho người khác, kể cả phụ huynh học sinh.
Được biết, tập thể giáo viên đã gởi thư xin cứu xét đến Sở GD-ĐT TP.HCM 2 lần: vào tháng 12.2013 và tháng 1.2014 nhưng không nhận được trả lời.
Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết có nhận được thư xin cứu xét của tập giáo viên Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trước đó và đã trao đổi lại với Giám đốc trung tâm để giải thích cho các giáo viên hiểu và ổn định môi trường làm việc.
“Đây chỉ là vấn đề nội bộ về cách quản lý mà thôi. Các giáo viên phải làm công việc mình được giao phó và Sở GD-ĐT TP.HCM đang có hướng giải quyết để dứt điểm vấn đề này”, bà Thanh nói thêm.
Được biết, sáng mai 18.2, Thanh tra Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ trực tiếp làm việc tại trung tâm để giải quyết vấn đề tập thể giáo viên phản ánh.
Đang đám tang học trò, vẫn đòi giấy xin nghỉ học Theo đội ngũ giáo viên, từ khi về trường, thời gian tháng 5.2013, bà Tâm không những không giúp giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn mà còn gây khó khăn về mặt hình thức văn bản. “Cô Tâm áp dụng chương trình giáo dục mầm non cách đây hơn 20 năm để đánh giá, đóng góp ý kiến cho chúng tôi và đánh giá tiết dạy dựa trên quan điểm riêng của cô Tâm”, đơn cứu xét ghi. Chị Đoàn Nguyên Trân, giáo viên giáo dục đặc biệt của trung tâm, kể một lần khi học trò của chị Trân qua đời, bà Tâm yêu cầu chị Trân liên hệ gia đình học trò gặp phụ huynh để hoàn tất tờ đơn Xin ngưng chương trình hỗ trợ của trung tâm và các thủ tục liên quan trong khi đám tang đang diễn ra. “Tôi cầm tờ đơn, lòng ngổn ngang không biết sẽ nói với phụ huynh như thế nào. Khi nhìn sự ảm đạm của gia đình tôi đành quyết định làm sai quy định và mong một quyết định sáng suốt từ cô Tâm nhưng cô đã khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng”, chị Trân bức bối. Hay như trường hợp của con chị Đoàn Thị Mỹ Hạnh, dù con mắc bệnh quai bị và viêm ống tai ngoài nên xin nghỉ 1 tuần. Nhưng bà Tâm chỉ cho phép trẻ nghỉ 1-2 ngày nếu không sẽ không cho bé theo học nữa. Theo quy định của bà Tâm, phụ huynh nào muốn cho trẻ nghỉ học phải xin phép trực tiếp với bà Tâm. Tuy nhiên, có trường hợp phụ huynh có con bị bệnh nặng, quýnh quáng quá, chỉ kịp báo với cô chủ nhiệm, nhờ chủ nhiệm báo lại bà Tâm, nhưng ngày hôm sau vẫn bị bà Tâm nhắc nhở. “Cô Tâm còn gây hoang mang, lo lắng, khó khăn, uy hiếp, áp đặt trực tiếp đến tinh thần giáo viên. Điều này đã làm giảm hiệu quả công việc giảng dạy trẻ khuyết tật trong thời gian vừa qua”, tập thể giáo viên phản ánh. |
Hữu Tâm
>> Hơn 100 giáo viên có nguy cơ mất việc
>> Không được yêu cầu giáo viên phải thêm nhiều sổ sách
>> Nên khôn nhờ giáo viên tiểu học
>> Giáo viên sai học sinh đánh bạn đến... hư mắt trái
Bình luận (0)