(TNO) Thần mã là biệt danh do giới tuyệt phích (người cá ngựa) đặt cho chú ngựa thuần Việt mang tên Anh Mỹ, từng một thời vang danh với những chiến tích có một không hai nơi trường đua.
|
Rạng danh thần mã
Khoa học đã chứng minh, loài ngựa có đến năm giác quan phát triển rất mạnh như: vị giác, xúc giác, thính giác, khứu giác và thị giác. Đặc biệt, ngựa còn sở hữu giác quan thứ sáu đầy bí ẩn, thậm chí khả năng nhận thức còn cao hơn cả giác quan thứ sáu của người.
Thoạt đầu, nó đón tiếp chúng tôi bằng ánh mắt dè chừng, sau đó là những tiếng hí liên hồi, chẳng có chút gì hiếu khách.
Đã gần hai năm qua, kể từ trường đua Phú Thọ đóng cửa, "công việc" của thần mã mỗi ngày chỉ là sáng tắm nắng, trưa ăn và tối ngủ.
"Tôi còn nhớ như in những ngày huy hoàng của Anh Mỹ. Mỗi lần tôi đưa Anh Mỹ xuống trường đua, người ta coi đông như xem đám hát. Mà hình như nó có linh tính hay sao đó, mỗi lần như vậy nó chạy rất bốc và thường về đầu. Đến lúc này chiến tích 31 trận bất bại vẫn là một kỷ lục có một không hai. Đó là thành tích chỉ trong hai năm xuất trận...", anh Tân “ngựa", chủ của thần mã, nhớ lại.
Theo chủ nhân của thần mã, thời đỉnh cao có người từng đòi mua lại thần mã Anh Mỹ bằng với giá một chiếc xe hơi hiệu Inova (600 - 700 triệu đồng).
"Lần đầu tiên tôi gặp nó, nó ốm nhom. Chỉ được cái là nó hoàn toàn thuần Việt", Tân “ngựa" còn cho biết Anh Mỹ có "cha" là Lữ Phụng Tiên, ngựa đua có tiếng trong thập niên 90 và "mẹ" là Mỹ Hồng, thuộc hạng trung bình khá.
|
Bất bại và bất... bệnh
Để ra lò một con ngựa chiến, ngoài kiến thức chuyên môn, người nuôi phải chịu cực, đặc biệt là phải "mát tay".
"Mấy con khác thì mỗi ngày chỉ cần 5 kg thóc, nhưng riêng Anh Mỹ thì khoảng 10 kg thóc. Ngoài ra, phải bổ sung thêm cỏ tươi và cả thuốc bổ để tăng cường sức dẻo dai. Công tác vệ sinh chuồng trại cũng phải thật kỹ lưỡng...", anh Tây, người trực tiếp nuôi và huấn luyện thần mã, giải thích.
Anh Nghĩa, một tuyệt phích (dân cá ngựa) nổi tiếng tại Sài thành, tỏ ra rành rẽ về thần mã: "Cái hay của Anh Mỹ còn ở chỗ nó chưa bao giờ bị què giò (gãy khớp) trong khi loại ngựa ngoại có vóc dáng cao to cũng không thoát được. Giới tuyệt phích chúng tôi xem Anh Mỹ như vị thần hộ mệnh. Khi thần mã xuất trường dù tỷ lệ cược đặt 1 ăn 10 mọi người cũng theo ùn ùn. Nó chỉ về nhì khi nhà cái xếp nó thi đấu chung với hạng ngựa thuần chủng, ngoại lai có vóc dáng to gần gấp đôi".
Chờ cất vó trở lại
Vừa qua có người đến trả Anh Mỹ giá 100 triệu đồng và một lần nữa nhận cái lắc đầu của Tân "ngựa".
"Hiện nay mỗi tháng tôi phải tốn 5-7 triệu đồng cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng nó. Vừa rồi trên Đức Hòa, Đức Huệ (Long An) cũng đánh tiếng mời tôi đưa Anh Mỹ lên tham dự giải truyền thống mừng xuân Giáp Ngọ và tôi cũng từ chối. Anh Mỹ là ngựa đua và nơi của nó là trường đua", Tân “ngựa" bộc bạch.
Theo anh Tân, niềm đam mê về ngựa luôn theo anh trong cả giấc ngủ. Điều anh ấp ủ hiện nay là được thấy Anh Mỹ cất vó trở lại.
|
Anh tâm tư: "Đã chọn trúng một thần mã lẽ tất nhiên đó là điều rất sung sướng. Song, thời điểm hiện nay chỉ ai thật sự có niềm đam mê mới giữ được nhiệt huyết với môn đua ngựa. Tôi tin một ngày không xa, Anh Mỹ sẽ lại... xuất chuồng".
Trước khi ra về, anh Tân còn kéo chúng tôi ra thăm Anh Mỹ và chứng kiến một cảnh rất cảm động. Thần mã gặp chủ nhân, bốn chân giậm liên tục, sau đó cất tiếng hí vang rất dài như mừng rỡ, như báo hiệu đã sẵn sàng cho ngày xuất trận trở lại trong năm con ngựa.
Ngựa Việt có tầm vóc thấp nhỏ, nhưng xương thịt gân cốt kết cấu vững chắc, thể chất thô, săn. Ngựa Việt có bụng, mông, vai phình ra, lưng hơi võng. Ngựa trưởng thành có trọng lượng 150-170kg. Con đực lớn hơn con cái một chút. Chân ngựa Việt thẳng, cao, cẳng chân rất nhỏ, nhưng cứng. Ở Việt Nam, giống ngựa vùng cao có vóc dáng thấp nhỏ, chỉ cao chừng 1,5m. Ngoài việc tầm vóc nhỏ, thì ngựa Việt có kết cấu chưa cân đối, đầu hơi to, cổ hơi nằm ngang, ngực hơi lép, bụng to, đùi chưa phát triển, thế đứng của 2 chân chưa tốt, nhất là chân sau. Ngựa đực và ngựa cái đều trước thấp sau cao. Màu sắc lông của ngựa Việt khá đa dạng, các màu chủ yếu là vàng, vàng nhạt, vàng thẫm, hồng, tía, xám, nâu, đen, lang đen. Lông bờm, lông đuôi và tứ chi thường có màu đen hoặc là màu thẫm hơn màu lông ở trên thân. Lông thay đổi màu sắc theo thời tiết để thích hợp với ngoại cảnh. Mùa hè lông ngựa ngắn và bóng mượt, mùa đông lông dài và thô. Vòng đời của ngựa Việt có khi đến 40 năm. Ngựa Việt ăn uống đơn giản, chỉ cần có cỏ tươi, nước bột gạo hoặc nước mật đường. Nếu là ngựa dành để đua thì hằng ngày, thực phẩm chủ yếu của nó là 70% thóc, 20% cỏ và 10% còn lại là thuốc bổ... |
Sơn Tùng
>> Người đóng yên ngựa duy nhất ở Đà Lạt
>> Tết Giáp Ngọ, ngựa giấy bạc triệu đắt hàng
>> Dấu xưa xe ngựa đường Thiên Lý
Bình luận (0)