Nghe qua có vẻ như một hành động điên rồ nào đó của những tay thích chơi ngông. Tuy nhiên, trên thực tế, những kẻ liều lĩnh này sẽ là các phi hành gia thứ thiệt.
Theo iTech Post, bộ giáp robot RL Mark VI là một phần của dự án chung giữa Hãng không gian Solar System Express trụ sở tại Baltimore (Mỹ) và Công ty thiết kế y sinh Juxtopia, với mục tiêu công bố mẫu sản xuất chính thức vào năm 2016. Theo thiết kế, nó cho phép người mặc nhảy từ độ cao cận không gian (20 - 100 km) so với mặt nước biển, vượt cận không gian (100 km) và kế đến sẽ là quỹ đạo thấp của trái đất (dưới 2.000 km). Trước đó, kỷ lục gia người Áo về nhảy cao là Felix Baumgartner đã chinh phục thành công độ cao 38.969 m vào tháng 10 năm ngoái. Ông đã trải qua 4 phút 19 giây rơi tự do trước khi mở dù, theo Reuters.
Khi lướt qua phần thiết kế của bộ giáp RL Mark VI, nhiều người nghĩ ngay đến phiên bản trong bộ phim Người sắt, vốn luôn song hành với tay chơi tỉ phú Tony Stark. Bộ giáp robot trong đời thật cũng được trang bị kính tích hợp công nghệ tương tác thực tế ảo (AR), găng tay năng lượng, các cảm ứng con quay và được chế tạo để sử dụng như một bộ áo không gian thương mại.
Trang tin DVICE cho hay các chuyên gia của Solar System Express và Juxtopia cũng lên kế hoạch tiến hành những cú nhảy thử nghiệm tương tự ông Baumgartner, để thẩm định cơ hội tồn tại của RL Mark VI. Kế đến, họ sử dụng công nghệ rơi tự do gọi là “bộ áo cánh” với các động cơ bay gắn vào đôi giày để người mặc có thể lướt, di chuyển và đáp nhờ vào động cơ đẩy ở chân.
Trong khi đó, cặp kính AR hoạt động như Google Glass, được thiết kế nhằm cung cấp những thông tin liên quan đến cú nhảy, từ độ cao, gia tốc, vị trí, bằng cách sử dụng thông tin radar của Cục Hàng không Liên bang Mỹ và GPD, để tính toán dữ liệu đường bay trong suốt quá trình lao xuống đất. Nó cũng thông báo ngay cho người mặc nếu xảy ra bất cứ lỗi hỏng hóc nào có thể khiến đôi giày không hoạt động hiệu quả, để kịp thời điều chỉnh sang chế độ bung dù. Đồng thời, kính AR còn phản ứng với các mệnh lệnh bằng giọng nói, trong trường hợp người nhảy muốn lọc bớt những tiếng ồn gây nhiễu như tiếng gió, không khí và cả tiếng động cơ. Tuy nhiên, không như Google Glass có chế độ video, kính AR sử dụng công nghệ “nhìn thấu quang học”, tương tự màn hình trong các đời chiến đấu cơ hiện đại, nhằm tránh tình trạng cản trở tầm nhìn của người đang thực hiện cú nhảy nguy hiểm.
Solar System Express hy vọng sẽ tìm được 2 phương pháp đáp và lên kế hoạch thử nghiệm độ an toàn của từng trường hợp. Chẳng hạn, lựa chọn đáp đầu tiên sẽ là phương pháp đáp bằng chân, với các động cơ được kích hoạt ở độ cao 30 m. Phương pháp thứ hai khá giống với cách người sắt Tony Stark tiếp đất, có nghĩa là nâng lên trước khi hạ xuống nhằm giảm tốc độ. Tất nhiên, các chuyến bay thử đầu tiên sẽ được thực hiện với dù truyền thống. Solar System Express đang tràn trề hy vọng có thể thử mọi phương án tiềm năng vào tháng 7.2016, mở đường cho phiên bản sản xuất vào cuối năm đó.
Hạo Nhiên
>> Người Sắt 3" thống trị bảng xếp hạng doanh thu Bắc Mỹ
>> Người sắt 3" đạt 20 tỉ đồng sau 4 ngày ra rạp
>> Tưng bừng ra mắt "Người sắt 3" tại VN
>> Bộ áo "Người sắt" phục vụ sứ mệnh sao Hỏa
>> Người Sắt có tạo hình mới
Bình luận (0)