‘Giật mình’ về nguồn nhân lực trong lĩnh vực thang máy

Lê Quân
Lê Quân
13/07/2022 21:04 GMT+7

Tại hội thảo “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thang máy Việt Nam" do Hiệp hội Thang máy Việt Nam tổ chức ngày 13.7, nhiều ý kiến trăn trở làm sao đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.

Chưa có chương trình đào tạo bài bản, chuyên sâu kỹ sư, công nhân trong lĩnh vực thang máy

Tại hội thảo, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết nhu cầu lắp đặt thang máy trong dân sinh, công nghiệp ngành càng lớn, không chỉ ở các toà nhà chung cư, văn phòng mà cả trong nhà 4 - 5 tầng cũng tăng mạnh thời gian gần đây. Ước tính mỗi năm ở nước ta có khoảng hơn 35.000 thang máy mới được lắp đặt, đưa vào sử dụng. Đồng thời, mỗi năm có khoảng 6.000 thang máy nguyên chiếc và trên 1,7 triệu thiết bị an toàn thang máy phục vụ sản xuất, lắp ráp trong nước hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, nêu bất cập về thực trạng thang máy dần trở thành thứ không thể thiếu nhưng chất lượng nguồn nhân lực ở nước ta chưa đáp ứng được

lê quân

Cả nước có khoảng trên 400 công ty sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu kinh doanh thang máy nhưng số lượng doanh nghiệp có uy tín và chuyên nghiệp không nhiều. Các thương hiệu thang máy lớn vẫn chủ yếu là các hãng nước ngoài.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng cho biết, song song với nhu cầu sử dụng thang máy là yêu cầu về nguồn nhân lực lắp đặt, vận hành, bảo trì, kiểm định cũng tăng mạnh.

Trong khi đó, đến nay chưa có chương trình đào tạo bài bản, chuyên sâu kỹ sư, công nhân trong lĩnh vực thang máy. Do vậy, trình độ, chất lượng của lao động trong sản xuất, thiết kế, chế tạo, bảo trì, bảo dưỡng thang máy, thang cuốn chưa đồng đều, nhiều lao động, công nhân kỹ thuật không đảm bảo về năng lực và trình độ để thực hiện công việc.

Chất lượng nhân lực thấp dẫn đến chất lượng các sản phẩm sản xuất ra không đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho cả người sử dụng, vận hành thang máy và người lao động làm công việc bảo trì, sửa chữa cải tạo thang máy.

Ông Thanh cũng nhìn nhận, thời gian qua có nhiều vụ tai nạn thương tâm gây thiệt hại cả người, tài sản do vận hành, sử dụng thang máy, thang cuốn. Yêu cầu đặt ra là không chỉ cần đảm bảo chất lượng thang máy mà cả nguồn nhân lực trong thi công, lắp đặt, vận hành, bảo trì, kiểm định. Đồng thời, yêu cầu nâng cao quản lý nhà nước trong lĩnh vực thang máy nói chung cũng phải được nâng lên.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, cần có chương trình đào tạo chuyên sâu về thang máy, thay vì đào tạo chung chung như hiện nay

lê quân

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cũng đặt vấn đề trong thời gian tới cần yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật được quy định tại luật Việc làm đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lĩnh vực thang máy, thang cuốn.

Kiểm định thang máy lệ thuộc công ty nước ngoài dẫn tới rủi ro cho người dùng trong nước

Ông Vũ Tiến Thành, Trưởng phòng Quy chuẩn, kiểm định an toàn lao động, Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB-XH, cho biết từ năm 2018, Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB-XH quản lý chất lượng thang máy. Bộ này đã ban hành được một số quy định cơ bản về hành lang pháp lý trong việc sản xuất, vận hành, bảo dưỡng… thang máy.

Theo ông Thành, lỗ hổng trong lĩnh vực thang máy hiện nay là tại các cơ sở đào tạo chưa có chuyên ngành riêng, chỉ có đào tạo chung. Nhân lực trong lĩnh vực thang máy chủ yếu vẫn là do các doanh nghiệp tự đào tạo hoặc một số doanh nghiệp lớn kết hợp với các trường đào tạo theo hình thức ngắn hạn, cấp chứng chỉ nên khó có được chất lượng nhân lực cao.

Bên cạnh đó, việc kiểm định thang máy hiện vẫn chủ yếu là thừa nhận theo các tổ chức nước ngoài. Điều này rất nguy hiểm vì tính thiếu chủ động nên thời gian tới, cần xúc tiến thành lập cơ sở thử nghiệm, kiểm định thang máy trong nước.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho rằng cần đào tạo nhân lực chuyên sâu về thang máy để không bị phụ thuộc vào nước ngoài

lê quân

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho biết đang tồn tại bất cập là trong nước chưa có chương trình đào tạo chuyên sâu về thang máy, không có nhân lực tốt nên vẫn phụ thuộc vào nước ngoài. Đơn cử như việc thang máy của hãng nào thì chỉ có kỹ sư, công nhân chính hãng đó mới biết sửa chữa, bảo trì.

Điều này tạo nên thế độc quyền, bất lợi cho người tiêu dùng trong nước. Do vậy, cần đặt ra mục tiêu sớm chủ động được nhân lực chất lượng cao về thang máy để chủ động từ khâu thiết kế, lắp đặt, vận hành, bảo trì, kiểm định…

Bà Vũ Thị Bình Minh, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội thuộc Văn phòng Quốc hội, cho rằng Bộ LĐ-TB-XH cần học tập kinh nghiệm các nước để có quy định, hành động cụ thể hơn nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý hoạt động sản xuất, bảo trì, vận hành, kiểm định thang máy. Đồng thời, cần xây dựng bộ kỹ năng nghề về thang máy, thang cuốn, nhằm phát triển về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực trong nước để đáp ứng được xu thế gia tăng sử dụng thang máy, thang cuốn; tiến tới xuất khẩu lao động về thang máy ra các nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.