Giật mình vì 'tâm thư' con gửi bố mẹ qua cô giáo

28/05/2015 06:00 GMT+7

(TNO) Dù tâm tình học trò lớp 4 không có nhiều tình huống phức tạp nhưng khi nỗi niềm được các con thốt ra cũng khiến không ít phụ huynh giật mình.

(TNO) Dù tâm tình học trò lớp 4 không có nhiều tình huống phức tạp nhưng khi nỗi niềm được các con thốt ra cũng khiến không ít phụ huynh giật mình.

thu-hoc-sinh-tieu-hocMột trong số những "bức tâm thư" các con học sinh tiểu học gửi bố mẹ thông qua cô giáo - Ảnh: Quý Hiên

Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, ở cuối cấp tiểu học (10 - 11 tuổi), sự hồn nhiên, trong sáng của trẻ thơ ngày càng ít đi, nhường chỗ cho những cảm xúc tinh tế và phức tạp hơn, thậm chí một số bạn đã bắt đầu có biểu hiện mến hoặc thích bạn khác giới. Các em đã bắt đầu quan sát cuộc sống bằng những con mắt giàu tính phê phán hơn, trong đó có bố mẹ mình.

Nhiều em không còn bô bô ba la nói đủ chuyện trên trời với bố mẹ nữa, trong khi bố mẹ vẫn nghĩ con mình còn là đứa trẻ nên không kịp nhận ra mình và con đã “ngừng” trò chuyện với bố mẹ đã lâu. Tuy nhiên, ở tuổi này, bạn bè và cô giáo vẫn là những kênh giao lưu được các em tin cậy, chia sẻ.

Trước buổi họp phụ phụ huynh kết thúc năm học 2014 - 2015, nhiều em học sinh khối 4, khối 5 Trường tiểu học Thăng Long (Hà Nội) đã “nhờ” cô giáo chủ nhiệm Lương Thúy Hoa nhắn gửi tới bố mẹ mình những điều các em muốn nói. Theo cô Hoa, tâm tình tuổi học trò lớp 4 cũng không có quá nhiều tình huống phức tạp, chẳng qua bố mẹ bận quá, hoặc cứ nghĩ các con còn trẻ con, nên chưa chú ý lắng nghe đúng mức, thành ra con… khó nói. Chẳng hạn như các con chỉ muốn nói, "bố ơi bố có thể bỏ việc đi uống bia rượu mỗi buổi chiều tối để về nhà sớm hơn được không?" (15/44 em học sinh của lớp cô Hoa bày tỏ mong muốn này).

Hoặc nhiều con muốn nói, "cho dù bố mẹ nóng giận thì cũng cố gắng giải thích với con, đừng xưng hô với con là mày - tao hoặc chưa gì đã chửi mắng đánh đập con". Rồi "mẹ ơi con mệt lắm, mẹ đừng bắt con đi học thêm nhiều thế có được không" (có môn mẹ bắt con học 3 nơi của 3 thầy/cô khác nhau)? Hay một em tâm sự: "Bố mẹ chẳng bao giờ chơi với con cả. Chẳng thế mà lúc nào con cũng kêu “chán quá”! Lúc nào bố mẹ cũng bảo con sang nhà chị họ chơi, hoặc bắt con vùi đầu vào đống sách. Con mong bố mẹ đối với con như một người con và một người bạn của bố mẹ, bởi con cũng cần một ai đó để tâm sự”.

Còn đây là mong muốn của một học sinh có bố mẹ ly dị: “Mẹ nghĩ thế nào nếu cả gia đình mình (kể cả bố) đi chơi với nhau một lần? Chỉ đi chơi, ý con là đi ăn hàng hoặc gì đó tương tự ạ. (Cô đừng nói tên con được không ạ)”.

Anh N.K, một phụ huynh của lớp 4A Trường tiểu học Thăng Long chia sẻ: “Gần như nội dung lá thư nào mà cô giáo nêu làm ví dụ cũng khiến tôi giật mình. Dẫu biết con mình không phải là tác giả bức thư đó nhưng tôi vẫn thấy chính mình ở trong đó. Ra về, khi trò chuyện với các phụ huynh khác, hóa ra đó cũng là cảm giác chung. Chúng tôi nói với nhau, lắng nghe tâm sự của các con, bố mẹ nào cũng thấy đúng là tự chúng ta cần phải điều chỉnh bản thân mình”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.