TNO

Giật mình với 'quyền lực' của loài thiên nga ở Anh

15/06/2016 14:06 GMT+7

(iHay) Nếu vô tình hay cố tình giết chết con thiên nga ở Anh, bạn có thể bị bỏ tù.

(iHay) Nếu vô tình hay cố ý giết chết con thiên nga ở Anh, bạn có thể bị bỏ tù.

>> Thiên nga 'tấn công' hàng loạt ô tô gây kẹt xe giờ cao điểm

Nữ hoàng Elizabeth II nâng niu thiên nga trong Lễ hội đánh dấu thiên nga - Ảnh: Reuters
Câu chuyện con thiên nga “tấn công” hàng loạt ô tô gây kẹt xe ở hạt Warwickshire (Anh) thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng quốc tế trong nhiều ngày qua. Nhiều người không khỏi thắc mắc rằng tại sao không ai can thiệp vào con vật khi nó gây náo loạn trên phố như vậy.
Xin nói ngay rằng hầu hết thiên nga trắng sinh trưởng tự nhiên ở những vùng sông nước tại Anh và xứ Wales đều thuộc quyền sở hữu của Nữ hoàng Anh và bất cứ ai đụng tới loài chim đẹp này có thể đối mặt với án tù.
Tài liệu đầu tiên đề cập tới đặc quyền của loài thiên nga “hoàng gia” là vào năm 1186 nhằm ngăn chặn tình trạng giết thịt thiên nga, theo Mental Floss. Tuy nhiên, đến năm 1482, khi Đạo luật Thiên nga (Act of Swan) ra đời thì đặc quyền của loài chim này chính thức được luật hóa. Đến nay, việc bảo vệ thiên nga hoàng gia được thực hiện dưới Đạo luật Động vật hoang dã và Nông thôn năm 1981.
Thiên nga trắng được thả trên sông Thames - Ảnh: Reuters
Theo đó, những con thiên nga không được đánh dấu trên sông Thames đều thuộc quyền sở hữu của Nữ hoàng Anh, và quy định này có tác dụng “dọc theo sông Thames và các nhánh xung quanh”, trang web Hoàng gia Anh cho hay.
Cụ thể, ngoại trừ những con thiên nga được đánh dấu V hoặc có dấu khắc trên mỏ chim (thuộc ba đơn vị sở hữu đã được cấp phép) thì toàn bộ số thiên nga còn lại đều thuộc quyền sở hữu, bảo vệ của Hoàng gia.
Nếu muốn sở hữu hay giết thịt một con thiên nga, bạn phải có được giấy phép đặc biệt của Nữ hoàng.
Vào tuần lễ thứ ba của tháng 7 hàng năm, Nữ hoàng Anh sẽ tổ chức Lễ hội đánh dấu thiên nga (Swan Upping). Hoạt động của lễ hội chủ yếu là bắt và đánh dấu những con thiên nga non, sau đó thả chúng đi nhằm thống kê và duy trì số lượng.
Trọng tội vì giết thiên nga
Cũng bởi quy định nghiêm khắc nhằm bảo vệ thiên nga nên loài này tất nhiên đã bị loại khỏi thực đơn của các quán ăn, nhà hàng ở Anh và xứ Wales. Tuy vậy, vẫn có những trường hợp đã đối mặt với các bản án vì cố tình có hành vi bất hợp pháp với loài thiên nga.
Năm 2003, một người đàn ông ở Llandudno, xứ Wales đã bị kết án hai tháng tù sau khi giết chết một con thiên nga trắng, theo The Sun. Cùng năm, cảnh sát Anh đã bắt giữ nhiều người tị nạn sau khi phát hiện nhóm người này bắt trộm thiên nga để làm thức ăn.
Trong khi đó, năm 2007, một nghệ sĩ ăn chay đã cố tình phản đối quyền sở hữu thiên nga của Hoàng gia bằng cách bắt và giết thịt một con thiên nga. Sự việc này cũng đã gây nên nhiều tranh cãi trong dư luận và bản thân người này đã đối mặt với mối đe dọa đến tính mạng từ các nhóm quyền lợi động vật.
Năm ngoái, báo chí Anh xôn xao trước sự việc một con thiên nga của Nữ hoàng bị bắt và đem nướng ngay bên bờ sông Thames. Trang Sky News dẫn lời ông David Barber, một trong những người bảo vệ thiên nga: “Đây là một sự việc kinh tởm, một tình huống gây sốc và cơ quan chức năng sẽ phải điều tra kẻ đã thực hiện hành vi này”.
Phần xác của con thiên nga bị giết thịt trên ngay sau đó đã được đưa về trung tâm Swan Lifeline để hỏa táng, theo Sky News.
Về sau, nghi can gây ra vụ giết hại thiên nga đã phải đối mặt với mức án 6 tháng tù và phạt 5.000 bảng Anh.
Thiên nga quậy giữa đường nhưng ai cũng phải nhượng bộ - Ảnh xử lý từ clip của Metro
Cá Hoàng gia
Ngoài ra, theo tờ Times (Anh), Nữ hoàng cũng sở hữu (theo quy định) tất cả cá tầm, cá voi và cá heo của vùng biển quanh nước Anh. Điều luật này đã tồn tại từ năm 1324, dưới thời Vua Edward đệ nhị.
Đến nay, điều luật này vẫn còn hiệu lực và các loài cá kể trên được công nhận là “cá hoàng gia”.
BBC tháng 10.2013 đăng tải bài viết mang tựa đề “The wildlife with royal protection” (tạm dịch: Những loài động vật hoang dã được hoàng gia bảo vệ). Ngoài thiên nga, bài viết đề cập tới 4 loài vật khác được Hoàng gia hết sức bảo vệ bao gồm sư tử, sóc nâu, tê giác, dê rừng. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có thiên nga là có Đạo luật riêng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.