Giấy chứng nhận sở hữu nhà, đất: Nên một hay hai?

28/04/2005 10:30 GMT+7

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở và công trình xây dựng (ngày 25/4), Thủ tướng đã kết luận là bên cạnh việc GCN QSDĐ sẽ tiến hành cấp GCN QSHN. Thông tin này đã gây xôn xao dư luận: người dân thì thắc thỏm liệu việc cấp thêm một loại giấy mới này họ có bị "hành" thêm; còn cơ quan chức năng thì chưa biết phải “xử” chuyện này thế nào.

GCN QSHN - quyền lợi của chủ sở hữu

Nếu thực hiện theo quy định mới, mỗi căn nhà sẽ có 2 loại giấy xác nhận chủ quyền nhà và quyền sử dụng đất.
 
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết, công tác quản lý nhà đất bị buông lỏng trong nhiều năm. Số lượng nhà đất không có giấy tờ hợp lệ chiếm tỷ lệ tới 80-90%. Trong khi đó, Nghị định số 60 hiện hành quy định người đề nghị cấp GCN phải nộp tiền sử dụng đất, thuế chuyển quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ nên hầu hết các hộ gia đình đều không có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính. Do quy trình xét cấp GCN QSHN phức tạp, một số địa phương lại thiếu cán bộ nên việc cấp giấy này chưa được triển khai.

Theo ông Quân, sau khi được cấp GCN QSHN, người dân có đủ điều kiện tham gia giao dịch trên thị trường bất động sản và là cơ sở để nhà nước quản lý các hoạt động về nhà ở, đất ở. Mặc dù thuận lợi như vậy, nhưng theo ông Quân, quy định hiện hành chỉ áp giới hạn cấp GCN QSHN ở đô thị, chưa có quy định để cấp đối với nhà ở tại khu vực nông thôn và các công trình xây dựng khác.

Thủ tướng Phan Văn Khải và các thành viên Chính phủ cũng cho rằng vấn đề quyền sở hữu nhà ở của công dân đã được Hiến pháp năm 1992 và Luật Đất đai năm 1993 quy định. Vì vậy, cấp GCN QSH cho công dân là rất cần thiết, rất bức xúc của nhân dân nhằm để chủ sở hữu thực hiện quyền của mình trong mua bán, cho, tặng, thừa kế, thế chấp, bảo lãnh... Đồng thời, cũng nhằm được Nhà nước công nhận, bảo hộ đối với tài sản là nhà ở. 

Làm thế nào để thủ tục không “hành” dân?

Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ đối tượng, điều kiện để cấp GCN QSHN và quy định việc cấp lại, cấp đổi và xác nhận nội dung thay đổi trong GCN QSHN. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định không áp dụng đối với một số trường hợp cụ thể như: nhà ở, công trình xây dựng thuộc sở hữu toàn dân, công trình xây dựng thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi, bưu chính viễn thông, thủy điện; nhà ở, công trình diện lấn chiếm, phải giải tỏa, phá dỡ để chỉnh trang đô thị...

Hồ sơ cấp GCN QSHN (đối với cá nhân trong nước) gồm 3 loại giấy tờ"

1- Đơn đề nghị cấp GCN QSHN.

2- Bản sao đã công chứng hoặc chứng nhận của UBND cấp có thẩm quyền một trong số các loại giấy tờ: Giấy phép xây dựng đối với nhà ở thuộc diện phải xin phép xây dựng; GCN quyền sử dụng đất; hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về thanh lý, hóa giá nhà ở; giấy tờ về giao nhà tình nghĩa, tình thương; giấy tờ mua, bán, nhận, cho; giấy tờ xác nhận của UBND về việc không có tranh chấp về sở hữu.

3- Bản vẽ sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng.

Những GCN QSHN và quyền sử dụng đất ở đã được cấp theo Nghị định số 60 vẫn có giá trị pháp lý, không phải đổi lại.
 
Ông Nguyễn Kinh Quốc, người phát ngôn của Thủ tướng cho biết, điều mà Thủ tướng rất quan tâm lúc này là làm sao ban hành các văn bản hướng dẫn cấp GCN QSHN theo hướng đơn giản, thuận tiện, tuyệt đối không để người dân bị “hành” bởi các thủ tục hành chính như đối với việc cấp GCN quyền sử dụng đất ở trong thời gian qua. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu “việc cấp GCN QSHN phải bảo đảm 4 yêu cầu, trong đó phải nhanh chóng, thuận lợi cho dân”.

Bộ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Hồng Quân thừa nhận: so với Nghị định 60 hiện hành, trong Nghị định hướng dẫn thực hiện cấp GCN QSHN sắp tới, đối tượng và phạm vi điều chỉnh rất rộng, không chỉ đối với nhà ở mà còn đối với cả các công trình xây dựng, không chỉ với nhà ở đô thị mà cả ở khu vực nông thôn. Vì vậy, Bộ đã nghiên cứu kỹ, cố gắng giảm thiểu các quy trình, thủ tục theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho dân.

Chẳng hạn, hiện có một số ý kiến cho rằng thẩm quyền cấp giấy nói trên chỉ nên để cho UBND cấp tỉnh và huyện. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đề nghị: Sở Xây dựng sẽ được UBND tỉnh, thành phố ủy quyền cấp GCN QSHN cho các tổ chức; UBND các quận, huyện có thẩm quyền cấp GCN QSHN cho các cá nhân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài. Bộ Xây dựng cũng đề nghị ban hành 2 mẫu, một cho nhà ở và một cho công trình xây dựng.

Về thời gian cấp GCN QSHN, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết, “thời gian tối đa là 50 ngày và thời gian tối đa để người đề nghị cấp giấy chứng nhận nộp nghĩa vụ tài chính là 60 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan cấp giấy”. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND cấp xã phải chuyển hồ sơ cho UBND cấp huyện.

Thực tế tại TP.HCM

UBND quận Bình Thạnh là một trong ba địa phương được thí điểm thành lập tổ nghiệp vụ hành chính công của TP.HCM, với phương châm hoạt động “một cửa, một dấu” nhằm giảm bớt thủ tục cho người dân, nhưng ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, cho biết đang rất lúng túng trong việc “dàn xếp” bộ máy liên quan đến việc giải quyết các lĩnh vực nhà đất. Cụ thể là việc ra đời văn phòng đăng ký sử dụng đất (cơ quan tham mưu về quản lý, cấp sổ “đỏ”) liệu hoạt động có “giẫm chân” với tổ nghiệp vụ hành chính công hay không? Nay, thêm việc chủ quyền nhà tách ra hai loại giấy khác nhau sẽ làm cho tình trạng “rối càng thêm rối”, vì chưa biết sẽ giao cho phòng, ban nào giải quyết thủ tục nhà riêng và đất riêng... “Chủ quyền nhà đất không nên tách riêng, mà chỉ thể hiện trên một loại giấy để dễ quản lý và cập nhật biến động, người dân cũng đỡ tốn thời gian hơn. Nếu bây giờ thực hiện theo phương cách cấp hai giấy, chúng tôi buộc phải chờ TP có hướng dẫn cụ thể...!” - ông Hùng nói.

Ông Phạm Văn Mười - Chánh Văn phòng UBND quận Bình Tân cho biết: Đối với số đối tượng đủ điều kiện để cấp giấy theo kế hoạch quận đã giải quyết xong, tuy nhiên kể từ khi có những thông tin về QSHN sẽ được ghi trên sổ “đỏ”, quận buộc phải hẹn thêm một thời gian để giao trả giấy cho người dân.

Ông Lê Xuân Hồng - Phó chủ tịch UBND quận 7 cho biết do mới chỉ nghe thông tin về việc trên nên mọi việc phải chờ TP chỉ đạo. Tuy vậy, nếu đã xem xét đến việc cấp hai giấy, thì có thể nhập chúng thành một tương tự như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và QSHN (sổ “hồng”) như trước khi áp dụng Luật Đất đai năm 2003.

Theo ông Đào Anh Kiệt - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM, việc Chính phủ chỉ đạo phải thực hiện một cách rõ ràng việc công nhận QSHN cho người dân là hoàn toàn xác đáng. Tuy nhiên, nếu theo cách làm như dự kiến của Bộ Xây thì cần phải cân nhắc thêm. Bởi vì, khi chia việc cấp chủ quyền nhà đất ra thành hai giai đoạn sẽ gây khó cho người dân và chính quyền về thời gian, tiền bạc cũng như bộ máy phải “phình” ra... Vì vậy, để xử lý việc này cho phù hợp, có thể sở sẽ đề nghị TP tạm dừng việc cấp sổ “đỏ” một thời gian ngắn. Bởi vì hiện nay, theo thống kê sơ bộ TP còn cần phải cấp giấy cho khoảng 830.000 căn nhà (bao gồm cấp đổi và cấp mới), tính theo giá trung bình được duyệt chi một giấy là 85.000 đồng, vị chi TP cần nguồn ngân sách khoảng trên 70 tỉ đồng. Nếu nay phát sinh thêm một loại giấy mới sẽ tốn thêm một khoản ngân sách tương đương trên 70 tỉ đồng nữa... Nhưng điều đó vẫn chưa đáng lo bằng việc “đẻ” ra thêm một bộ máy để giải quyết việc cấp GCNQSHN; người dân có thể phải tốn thêm thời gian, công sức và chi phí gấp đôi so với trước đây... “Do đó, nên chăng chủ quyền nhà đất chỉ cần cấp một loại tương tự như sổ “hồng”, còn nếu vẫn giữ cách thức cấp theo hai giấy, TP cần giao về một đầu mối để giải quyết song song việc xác nhận QSDĐ cho người dân cũng như QSHN và giao cùng lúc 2 loại giấy này cho người dân, thay vì theo quy trình mà Bộ Xây dựng dự kiến sẽ đưa ra trong nghị định là sau khi người dân có GCNQSDĐ mới được đi xin cấp GCNQSHN. Việc này sẽ tạo thuận lợi cho các quận huyện, cũng như người dân, đồng thời tránh lãng phí".

(Theo SGGP/NLĐ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.