Giấy đi đường mà ai cũng có thì còn gì là giãn cách theo Chỉ thị 16

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
18/09/2021 08:51 GMT+7

Đó là khẳng định của ông Hoàng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Quảng Trị với PV Thanh Niên liên quan đến câu chuyện giấy đi đường…

Chưa đầy 48 giờ TP.Đông Hà (Quảng Trị) thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 của Chính phủ, nhiều chốt chặn Covid-19 được lập nên và những thắc mắc về giấy đi đường đang được người dân quan tâm. PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Quảng Trị để được trả lời cụ thể.

Ông Hoàng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị

NGUYỄN PHÚC

PV Thanh Niên: Thưa ông, hiện Quảng Trị có nhiều chốt Covid-19 để hạn chế người ở TP.Đông Hà ra các huyện, thị bên ngoài. Vậy những ai được qua chốt và khi đi qua cần có những giấy tờ gì?
Ông Hoàng Nam: Có thể mọi người đọc chưa kỹ, chứ trong Quyết định 2491/QĐUB ban hành hôm 16.9 do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị ký về việc áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.Đông Hà đã ghi rõ đối tượng gồm: “trường hợp vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, khám chữa bệnh, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất”.
Và những người thuộc đối tượng nêu trên khi qua chốt kiểm soát Covid-19 thông (từ TP.Đông Hà đến các địa phương khác trong tỉnh và ngược lại) phải xuất trình “giấy đi đường”, thẻ công chức/Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân; kết quả PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 còn hiệu lực trong vòng 72 giờ là âm tính.
Liên quan đến giấy đi đường, Công an tỉnh đã tham mưu và UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã ban hành mẫu vào đêm qua (17.9) để các cơ quan đơn vị thực hiện.

Cần giấy tờ gì để qua chốt luôn là câu hỏi của người dân thắc mắc.

NGUYỄN PHÚC

Tiểu thương chợ Đông Hà chen chân đi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

* Theo hướng dẫn của Sở Y tế, việc cấp giấy đi đường do lãnh đạo các cơ quan cấp, nhu vậy có thể dễ xảy ra tình trạng cấp giấy đi đường tràn lan. Ông nghĩ sao về điều này?
- Việc giao thủ trưởng cơ quan đơn vị ký, cấp giấy đi đường là để giảm tải cho phường, xã. Nhưng các thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm cá nhân cho những người mà mình cấp giấy đi đường. Nếu có hiện tượng vi phạm, cấp tràn lan người ký giấy đi đường cho cấp dưới phải chịu trách nhiệm.
Cần phải hiểu rõ, nếu giấy đi đường mà ai cũng có thì còn gì mục đích của việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Mục tiêu của mình thực hiện chỉ thị 16 là để cho mọi người tĩnh lại, để tách F0 ra khỏi cộng đồng, nếu ai cũng di chuyển thì không thể tách F0, F1 ra khỏi cộng đồng được.

Mẫu giấy đi đường của Quảng Trị vừa công bố.

NGUYỄN PHÚC

* Liên quan đến quy định phải có xét nghiệm Covid-19 âm tính trong 72 giờ, có chốt vẫn cho qua, có chốt không cho qua, ông cho biết như thế nào là đúng, đây có phải quy định cứng?
- Đây chính xác là quy định cứng. Nguyên tắc từ vùng dịch đi ra các nơi khác thì bắt buộc phải có cái đó. Mọi người hình dung như trước nay những người từ những tỉnh thành có dịch về Quảng Trị thì phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 còn hiệu lực trong vòng 72 giờ là âm tính. TP.Đông Hà giờ là vùng dịch, đi ra khỏi vùng dịch phải có giấy xét nghiệm.

3 huyện giáp ranh lập chốt kiểm soát Covid-19 ở cửa ngõ thành phố Đông Hà

* Một số người dân các huyện thị khác phản ánh đi chữa bệnh theo giấy hẹn tại BV Đa khoa tỉnh Quảng Trị ở TP.Đông Hà nhưng không được thông chốt? Quan điểm của tỉnh về vấn đề này và nếu cho qua thì người khám chữa bệnh này khi về nhà có bị cách ly?
- Cái này ủy ban đã quyết định rồi, những người này phải được qua chốt để đi khám bệnh. Tuy nhiên, khi khám bệnh xong, khi rời khỏi TP.Đông Hà thì những người này được xem là người từ vùng dịch trở về và phải thực hiện cách ly theo quy định.

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị tổ chức xét nghiệm cho tiểu thương chợ Đông Hà đêm 17.9

NGUYỄN PHÚC

* Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vừa và nhỏ, hoặc hoạt động trên các lĩnh vực như... xây dựng, sẽ khó thực hiện “3 tại chỗ”, tỉnh có hướng xử lý nào?
- Quy định đã ban hành, các doanh nghiệp phải thực hiện “3 tại chỗ” không có ngoại lệ. Phải chấp nhận vì đây là quy định cứng.
Những nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm, xăng, dầu, điện, nước, nhiên liệu (và các dịch vụ thiết yếu khác do UBND TP.Đông Hà quy định); ngân hàng, kho bạc, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh được hoạt động. Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch. Trường hợp không bảo đảm các yêu cầu nêu trên thì phải dừng hoạt động.
Tuy nhiên, cũng phải nói rõ rằng, quá trình làm thì tạm thời, có vấn đề gì thì tỉnh sẽ tiếp thu, điều chỉnh, tỉnh cũng đã tham khảo các tỉnh, đặc biệt là chuyện "giấy đi đường". Giờ tỉnh đang cố để giãn cách, sớm tìm ra F0 để điều trị và trở về trạng thái bình thường, nên mọi người cũng phải chịu khó ở giai đoạn này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.