Sau những trường hợp đầu tiên (năm 1992), ê kíp ghép thận Bệnh viện Chợ Rẫy đã triển khai tốt kỹ thuật, nhanh chóng dẫn đầu về số ca ghép từ người hiến thận còn sống và cùng huyết thống, con số lên đến hàng trăm, được xem là kỷ lục trong nước hàng chục năm liền.
Dù vậy, thành tựu trên vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của người bệnh suy thận mạn (khoảng 200 người bị suy thận mạn giai đoạn cuối trong 1 triệu dân số; và mỗi năm có thêm khoảng 50 người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối mới/1 triệu dân).
Với tình hình số người hiến thận sống, cùng huyết thống không thể đáp ứng đủ, cần có thêm nguồn hiến tặng nhân đạo. Sau thành công ghép thận, mở rộng việc ghép tạng để cứu những người bị suy gan, suy tim, suy tụy tạng…
Tại các nước phát triển, luật pháp tạo hành lang pháp lý cho việc hiến nội tạng và các bộ phận khác của cơ thể con người sau khi qua đời (phần lớn do tai nạn, vốn thích hợp nhất để lấy các bộ phận còn tốt của cơ thể đem ghép cho người bệnh). Một người bị tai nạn giao thông, chết não, có thể hiến nội tạng để ghép, giúp cứu đến 8 người bệnh.
Ngoài điều kiện pháp luật, điều đó chỉ có thể thực hiện được khi công chúng có sự đồng tình, tấm lòng nhân ái, nhân đạo, đồng thuận với lời kêu gọi hiến tạng nhân đạo sau khi qua đời.
Trong nước, các nhà y học, luật gia, nhà quản lý y tế (Bộ Y tế) vào năm 2006 trình Quốc hội thông qua luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Luật đã ban hành năm 2007, tạo cơ sở pháp lý cho việc xác định thời điểm bệnh nhân chết não, để cho phép hiến tạng, kịp thời tái sinh những bộ phận còn lại (tạng, giác mạc, da, tay chân).
Sau thời gian vận động trong công chúng, ngày 11.2.2010 có cùng lúc 2 trường hợp hiến thận sau chết não đầu tiên tại VN. Đó là di nguyện của 2 phụ nữ (một là bác sĩ, một là doanh nhân). Hành động tự nguyện hiến tạng cứu người đầy tính nhân đạo này đã giúp 4 người bị suy thận mạn giai đoạn cuối được cứu. Thận của họ đã được tái sinh trong cơ thể 4 người không quen biết. Từ hành động này mở ra bao trường hợp khác, ghép thận, rồi ghép gan, ghép tim, ghép phổi, tụy…
Điều cao cả ở đây: đó là quà tặng tự nguyện, vô tư từ những người muốn biến sự bất hạnh không mong muốn của mình thành cơ hội sống cho người khác.
Đến nay, con số hiến tạng đã hàng trăm, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu người bệnh, dù chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu quốc gia là tận dụng tạng hiến của những người chết tuần hoàn (khi tuần hoàn đã mất). Việc vận động ghép tạng từ người hiến sau khi chết não sẽ giảm căng thẳng nhu cầu bức thiết tìm tạng ghép của người bệnh, qua đó làm giảm tệ nạn buôn bán tạng ở những nước mới ghép tạng như nước ta.
Hơn nữa, hy vọng từ những thành công về ghép tạng, sẽ tiến tới tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật để các trung tâm ghép tạng phát triển nhiều hơn về số lượng và chuyên môn nhằm cứu sống người bệnh.
Bình luận (0)