Khát vọng đổi đời đã thôi thúc những thanh niên trẻ tại Làng thanh niên lập nghiệp A Lưới biến vùng đất khô cằn sỏi đá vùng biên trở nên xanh tốt.
|
Ươm mầm
Đến từ nhiều địa phương khác nhau của tỉnh Thừa Thiên - Huế, những cư dân trẻ của Làng thanh niên lập nghiệp A Lưới đang từng ngày miệt mài lao động, dần dần ổn định cuốc sống... Anh Trần Văn Dương, quê tại xã Phong Mỹ, H.Phong Điền dẫn chúng tôi về thăm cơ ngơi của hai vợ chồng anh trong niềm vui khôn xiết ngày đầu xuân. Ngôi nhà nằm cao giữa núi rừng, xung quanh đã phát quang sạch sẽ. Từng đống đá được chất gọn gàng. Anh Dương chỉ cho chúng tôi xem những mầm cao su mới ra chồi sau vườn và nói: “Ngày mới lên, đây hoang vu lắm, đá còn nhiều hơn đất. Vợ chồng tui phải nhặt đá riêng ra mới cày xới đất để trồng cây được. Những mầm cao su bắt đầu ra lá và chồi xanh”. Giữa núi non trùng điệp của vùng biên ải, ngôi làng 45 hộ dân trẻ ngày ngày bám đất khai hoang ươm mầm sống mới. Anh Hồ Văn Chương, người Pa Cô, quê tại xã Hồng Thượng (H.A Lưới) cho biết: “Lấy vợ rồi, đất đai không có, nhà cửa không có. Vợ chồng đăng ký lên đây lập nghiệp. Có đất, có nhà rồi, mình thì có công có sức, thanh niên thì ngại chi gian khổ, chịu khó trồng trọt chăn nuôi phát triển kinh tế để nuôi dạy con cái”.
Làng thanh niên lập nghiệp A Lưới được khởi công từ tháng 11.2009 với tổng diện tích bình quân 2.000m2/hộ, trong đó có 500m2 là đất ở, diện tích còn lại được bố trí để trồng trọt và chăn nuôi. Ngoài ra mỗi hộ được bàn giao quản lý bảo vệ rừng với diện tích 1.503,1ha. Năm qua, các hộ dân đã trồng mới 25,5ha cao su và gần 1.000 gốc chuối. Đặc biệt, đến nay số lượng gà đã phát triển được 4.000 con và 35 con bò tại các hộ.
Quê hương thứ hai
Không khí những ngày đầu xuân thật rộn ràng. Trên con đường làng giữa rừng núi bao la, những đứa trẻ cười nói ríu rít. Nhiều đứa trẻ đã ra đời trên chính mảnh đất này. Một lớp mầm non gồm 22 trẻ đã hình thành trên chính ngôi làng. Ngày ngày, tiếng trẻ con hát múa, nói cười vang vọng cả làng. Chị Nguyễn Thị Hiền cho biết: “Ngày mới lên nhìn cảnh núi non cũng lắm lo âu, chán nản. Nhưng vợ chồng đã quyết đi để lập nghiệp nên động viên nhau cố gắng. Bây giờ đã có nhà có cửa có vườn. Đây coi như là quê hương thứ hai của chúng tôi. Tết năm nay, bà con dưới quê lên thăm chơi thêm vui. Anh em làng xóm ở đây cùng nhau mổ lợn mổ gà chia nhau ăn tết đầm ấm lắm”.
Vùng đất hoang ngày nào giờ đã thành một ngôi làng với những ngôi nhà bê tông kiên cố. Những mầm cây cao su, cây keo đầu tiên đang phát triển từng ngày. Cuộc sống đang căng tràn trên ngôi làng của những cư dân trẻ. Hàng ngày phụ nữ thường ở nhà làm vườn, chăm lợn gà. Còn đàn ông thì đi làm rừng. Nhưng khi không đi làm rừng thì đi phụ thợ hồ kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. “Cuộc sống vẫn còn nhiều cái phải lo. Nhưng có đất, có nhà rồi thì phải cố lên mà làm lụng. Có gà có cá trong vườn thì lo gì cái ăn. Nhớ ngày mới lên cực là rứa mà mình cũng gây dựng được. Chừ cây bắt đầu xanh tươi thì coi như cuộc sống đang dần ổn định”.
Ông Phạm Duy Cường, Giám đốc Làng thanh niên lập nghiệp A Lưới cho biết: “Hiện làng có 45 hộ thanh niên gốm nhiều dân tộc khác nhau đến từ các huyện của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 2011, những hộ dân đầu tiên đã lên đây định cư và dần ổn định cuộc sống. Chính họ đã biến vùng đất hoang vu, khô cằn thành vùng đất đầy sức sống như hôm nay”.
Tuyết Khoa
>> Để ngư dân bám vùng biển xa
>> Nghề nuôi ong ở vùng biên
Bình luận (0)