Dòng sông Trà những ngày đầu tháng 3 đã bắt đầu cạn nước, để những bãi bồi nhô lên lồ lộ giữa lòng sông, trải dài tít tắp.
|
Những ai biết đến con sông gắn liền với đất Quảng Ngãi qua âm nhạc và thi ca sẽ không thể hình dung nổi cảnh tượng không mấy thi vị vào mùa khô. Giữa dòng sông mùa cạn là bóng dáng tần tảo của những người nông dân hiện lên thấp thoáng, khi mùa cạn tới cũng là lúc lòng sông trở thành mảnh đất màu mỡ để trồng dưa.
Từ phía bờ nam sông Trà, rảo bước qua một đoạn đường mòn sẽ đến nơi người dân đang chăm sóc ruộng dưa. Có người đang cặm cụi đặt vào lòng đất những mầm dưa giống đầu tiên của vụ mùa, có người đang lúi húi loại bỏ những quả dưa cong vẹo để có những quả dưa tròn trịa ngon ngọt nhất, có người lại đang dẫn ống tưới nước cho ruộng dưa. Cảnh tượng trông như đang ở giữa một cánh đồng dưa nếu gạt qua những ký ức về dòng sông đã vun vén lên nó, có lẽ chẳng có nơi nào lại có một cánh đồng độc đáo như vậy.
Phần lớn người trồng dưa đều đến từ huyện Bình Sơn, cách sông hơn 10 cây số. Họ quy tụ về sông vào tháng 12, khi nước đã rút gần hết, và sẽ giăng một căn lều khá kiên cố để trồng trọt đến cuối tháng 8, khi nước bắt đầu dâng lên. “Một vụ dưa kéo dài khoảng 70 ngày, cộng với thời gian để làm lại đất và thời gian nghỉ ngơi thì mỗi năm bà con sẽ trồng 2 vụ dưa”, anh Nguyễn Dũng, một người trồng dưa trên bãi cát sông Trà, cho biết.
Anh Dũng giải thích thêm: “Người dân sống 2 bên bờ sông Trà ở gần cầu Trà Khúc bây giờ thành “người thành phố” rồi, nhờ thế mà chúng tôi được nhường lại bãi bồi này, đất ở đây màu mỡ lắm”. Nhà anh Dũng ở xã Bình Chánh, H.Bình Sơn, có gần 5 sào đất nhưng thửa nào cũng bạc màu sau nhiều năm canh tác. Nhưng ở sông Trà thì khác, đất ở giữa sông không bao giờ nghèo đi vì luôn có phù sa bù đắp. Điểm lõm trụt xuống giữa những đụn cát chính là nơi mùn đất phù sa bám vào, rồi phù sa trải ra ôm lấy lớp cát, lắng lại thành mảnh đất tốt tươi. Thêm nữa, cây dưa trồng ở đây còn được “uống gió, ngậm sương” của sông Trà nên đạt năng suất rất khá và rất ít khi mất mùa.
Ông Châu Sơn (xã Bình Chánh, H.Bình Sơn) khoe: “Dưa mình trồng có trái nặng tới 22 kg, thường thì một trái nặng 15 kg, mỗi sào dưa đạt năng suất trung bình 2 tấn quả”. Theo ông Sơn, đất mới (trồng dưa lần đầu) thường được trồng dưa tròn, còn đất cũ thì có thể trồng thêm giống dưa dài.
Theo người dân, ông Châu Sơn là người tiên phong trồng dưa hấu trên sông Trà rồi sau khi thấy đạt hiệu quả mới dắt díu bà con theo. Tận dụng khoảng 40 sào đất bãi để trồng dưa, một vụ ông Sơn có thể thu hàng trăm triệu đồng nếu dưa được giá (8.000-12.000 đồng/kg). Ông Sơn phấn khởi: “Không những nhà tui mà nếu thời tiết thuận lợi thì bà con ai cũng có thể trúng dưa. Trồng dưa ở đây rất ít khi mất mùa, chắc nhờ lộc trời ban!”.
Dọc theo bãi bồi giữa sông Trà, có gần 20 gia đình dựng lều như nhà anh Dũng, ông Sơn, mỗi gia đình có khoảng 15 sào dưa và cần 3-4 thành viên để cùng nhau chăm sóc. Trong số thành viên không chỉ có những người nông dân “gộc” mà còn có cả những cô cậu sinh viên đã tốt nghiệp nhưng chưa tìm được việc. Họ trở về nhờ đỡ dòng sông quê hương thêm một đoạn để chờ cơ hội mới.
Dòng sông Trà mùa khô đã cạn kiệt nước nhưng vẫn đầy bao dung với những người nông dân chịu khó chịu thương.
Linh Phạm
>> Trồng dưa hấu trúng lớn
>> Trồng dừa sáp thu nhập cao
>> Trồng dưa hấu lãi gấp 5 lần trồng lúa
>> Đổ xô trồng dưa hấu
>> Về sông Trà bắt cá bống
Bình luận (0)