Gieo tình thương

22/10/2015 06:17 GMT+7

Thỉnh thoảng tôi lúng túng trước những câu hỏi của con trẻ. Chẳng hạn đã nhiều lần con hỏi tôi: “Tại sao ngày thường cô đẩy bàn tụi con ra xa mà khi kiểm tra cô kéo lại gần?”, “Tại sao khi có thầy cô khác dự giờ cô nói chuyện ngọt ngào với tụi con hơn?”… Lúng túng là bởi tôi không biết nên giải thích đúng sự thật cho con, hay lấp liếm bằng một lý do dễ chấp nhận hơn?

Thỉnh thoảng tôi lúng túng trước những câu hỏi của con trẻ. Chẳng hạn đã nhiều lần con hỏi tôi: “Tại sao ngày thường cô đẩy bàn tụi con ra xa mà khi kiểm tra cô kéo lại gần?”, “Tại sao khi có thầy cô khác dự giờ cô nói chuyện ngọt ngào với tụi con hơn?”… Lúng túng là bởi tôi không biết nên giải thích đúng sự thật cho con, hay lấp liếm bằng một lý do dễ chấp nhận hơn?

Đôi lúc tôi cũng học được nhiều điều từ con trẻ. Chẳng hạn nhiều khi vội quá tôi quên nói lời cảm ơn khi nhờ con làm giúp một việc gì đó khiến con nhắc nhở. Có lần tôi chạy qua một ngã ba mà đèn đỏ xe gắn máy được chạy thẳng, con ngồi sau la lớn: “Sao mẹ vượt đèn đỏ?”. Dù rất vội nhưng lúc ấy tôi vẫn phải quay xe lại để chỉ cho con bảng chỉ dẫn và giải thích trong trường hợp này được phép chạy thẳng khi đèn đỏ…
Qua những việc cụ thể, tôi càng nhận ra một điều phải gieo những hạt mầm tốt cho trẻ càng sớm càng tốt để những điều này trở thành một thói quen giúp trẻ biết phản ứng kịp thời trước cái xấu.
Có phải sớm quá không nếu nói với một đứa trẻ mẫu giáo rằng điều quan trọng nhất trên đời này là tình thương? Từng ngày nhắc trẻ rằng không gì quan trọng hơn tình thương của ba mẹ, anh chị, ông bà, cô chú, thầy cô, bạn bè đối với con và ngược lại. Cứ thế một ngày, đứa trẻ tự nhiên thốt lên câu: “Điều quan trọng nhất trên đời này là tình thương” rất đúng hoàn cảnh. Khi nói được câu ấy là đứa trẻ đã phần nào cư xử với đời theo cách sống đó.
Những điều thiện, tốt đẹp nếu được giáo dục ngay từ nhỏ nó không chỉ là “kháng sinh” giúp người ta biết phản ứng ngay trước cái xấu mà còn giúp họ biết dừng lại ở một ngưỡng nhất định nào đó của một vấn đề.
Nơi tốt nhất để gieo trồng những điều đúng đắn chính là nhà trường và gia đình.
Nhà trường phổ thông không chỉ dạy học sinh cách làm toán, học văn... mà cần phải rèn cả nhân cách. Điều này không cần phải to tát, cao xa. Đôi khi chỉ cần một thái độ, cử chỉ của thầy cô cũng giúp học sinh hình thành nhân cách. Chẳng hạn để khuyến khích học sinh học tốt, hằng tuần thầy chủ nhiệm có hình thức khen thưởng cho những học sinh đạt điểm cao nhất.
Nhưng một ngày thầy nhận ra rằng nếu cứ khen thưởng thế này thì sẽ chẳng bao giờ những học sinh yếu có cơ hội được nhìn nhận dù nỗ lực đến đâu. Từ đó, thay vì chỉ có học sinh giỏi nhất thì cả những học sinh điểm không cao nhưng có nỗ lực phấn đấu vẫn được khen thưởng. Học sinh yếu không còn thấy mình bị bỏ rơi và đây chính là động lực để học tốt hơn. Học sinh cũng hiểu rằng điểm số là cần thiết nhưng đánh giá một học sinh đâu phải chỉ ở bảng điểm mà còn là một quá trình phấn đấu vượt lên chính mình. Học sinh không chỉ biết phải ganh đua mà còn biết hỗ trợ, chia sẻ...
Trong giáo dục, thêm môn này, bớt môn kia, tích hợp hay phân hóa... tuy quan trọng nhưng vũ trụ bao la, kiến thức vô tận, cái học sinh cần là một phương pháp tiếp cận vấn đề trước một thế giới nhiều đổi thay sao cho phù hợp và nhân văn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.