Ngày 21.4, Công an Q.Sơn Trà cho hay đã đề nghị cơ quan chức năng giám định giá trị số voọc bị săn và giết hại tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) để củng cố hồ sơ khởi tố bị can.
Sơn bị bắt quả tang tại lán trại cùng bao đựng thịt, xương voọc và các loài thú rừng khác - Ảnh: Chi cục Kiểm lâm cung cấp |
Trước đó, ngày 30.3 Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn tuần tra phát hiện Vi Văn Sơn (39 tuổi, ngụ xóm 9, xã Tiên Kỳ, H.Tân Kỳ, Nghệ An) tại lán trại ở tiểu khu 64 Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà cùng với 90 dây bẫy thép, 10 bẫy kẹp sắt và 3,11 kg mẫu động vật rừng gồm xương, da, thịt, nội tạng đã cắt rời, hun khói sấy khô.
|
Sơn khai nhận cùng Vi Văn Hoàng (49 tuổi), Nguyễn Văn Lý (28 tuổi), Nguyễn Văn Hội (52 tuổi) và Lê Thị Lan (25 tuổi, ngụ cùng quê) từ Nghệ An vào Đà Nẵng, mang theo lều bạt, nhu yếu phẩm để đóng lán trại, dụng cụ bẫy thú, thuê xe ôm chở lên bán đảo Sơn Trà và xâm nhập rừng khu bảo tồn trong đêm để tránh bị phát hiện. Chỉ sau một tuần dùng bẫy kẹp và bẫy vòng đặt trên các đường rừng thú hay qua lại, Sơn bẫy được 2 cá thể voọc chà vá chân nâu (Pygathryx nemaeus, thuộc nhóm động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nhóm 1B được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định Chính phủ), 2 con mang, 1 con chồn và 1 con sóc.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.Đà Nẵng, cho hay qua xác định theo mẫu vật thì có 3 cá thể voọc bị giết hại. Kết quả trưng cầu giám định khoa học tại Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN đã kết luận các mẫu vật là đầu, ngực, lưng, bụng, chi trước, chi sau của loài voọc. Số voọc và thú rừng này bị giết, xẻ thịt hun khói để dễ dàng vận chuyển; còn xương được bó thành từng bó riêng để bán cho các lò nấu cao. Do đó, Chi cục Kiểm lâm TP.Đà Nẵng đã khởi tố vụ án vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm thuộc trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng và chuyển hồ sơ cho Công an Q.Sơn Trà tiếp tục thụ lý theo thẩm quyền.
Ông Lương giải thích mặc dù lực lượng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn gồm 12 người đi tuần tra thường xuyên, nhưng do địa bàn rừng quá rộng, thợ săn chuyên nghiệp lại lẩn trốn nên khó phát hiện. Ông Lương cũng thừa nhận lâu nay thường xuyên nghe tin thợ săn bẫy bắt động vật hoang dã tại Sơn Trà; mới đây qua 2 đợt tuần tra, lực lượng kiểm lâm tháo gỡ 739 bẫy nhưng không bắt được người.
Bình luận (0)