Rồi bà bắt đầu cuộc tìm kiếm của mình bằng việc đi coi thầy theo lời khuyên của người bạn học cũ. Từ trước đến giờ bà chưa từng làm việc này nên trống ngực bà đập thình thịch khi bước vào căn phòng nhỏ hẹp tăm tối, nơi ông thầy mù ngồi tựa lưng vào bức tường màu xám nhạt. Ông ta cất giọng, nghe xa xôi như vọng lên từ cõi nào, bà nói đi, ngày tháng năm sinh. Nghe bà nói xong, ông ta bấm bấm vào những đốt tay to bè, miệng lẩm nhẩm, Canh Dần, cao số đây, bà đã qua hai lần đò phải không. Thay vì phản đối hay giận dữ, không hiểu sao bà lại nói lí nhí, dạ không, không phải ạ.
Ông thầy có vẻ phật ý, cao giọng, thế bà cần gì. Một lần nữa, thay vì đứng dậy ra về, bà lại run run kể câu chuyện và hỏi thầy chồng mình đang ở đâu. Ông thầy cười phá lên, ở gần ngay đây thôi, vui vẻ, khỏe mạnh, đi dã ngoại ấy mà. Dăm bữa nửa tháng sẽ lại quay về. Bà đặt tiền vào chiếc hộp gỗ cáu bẩn rồi vội vã đi ra, lòng phân vân, nửa tin nửa ngờ. Nhưng nhiều ngày qua đi vẫn chẳng có tin chồng, bà lại theo lời người hàng xóm tìm đến một ông thầy khác, trú ngụ trong túp lều bên chân cầu. Tiếng nước đập ì oạp vào bờ đất ngay bên ngoài vách lá khiến người ta có cảm giác như đang ngồi trên một con thuyền chòng chành giữa dòng nước. Ông thầy đeo kính râm nhưng các cử chỉ đều rất lanh lẹ, chính xác. Bà vừa bước vào, chưa kịp định thần, chưa kịp mở lời, ông thầy đã cất tiếng, chồng bà đang sống ở một nơi rất xa và đang cảm thấy yên ổn trong tâm hồn, bà không cần lo lắng.
|
Đó chẳng qua chỉ là ý muốn nhất thời bồng bột của đứa trẻ còn sót lại trong mỗi con người thôi. Bà biết đấy, bọn trẻ sau khi chơi đùa chán chê với những trò do chúng tưởng tượng ra, sẽ quay lại với thực tại. Ông ấy sẽ về. Nhưng rồi một lần nữa, lời tiên đoán của ông thầy đã không thành hiện thực. Giữa lúc bà định thôi hẳn chuyện thầy bà thì một nhân viên ở viện nghiên cứu của ông ghé thăm rồi đưa bà đến ngôi đền lớn ở ngoại ô thành phố. Hồi ông còn làm việc, anh ta là cộng sự gần gũi nhất. Theo lời anh ta, bà thầy này là một nhà ngoại cảm. Khác với hình dung của bà về nhà ngoại cảm, bà thầy mặc áo lụa nâu, đầu vấn khăn nhung đen như một phụ nữ nền nếp của thế kỷ trước, ngồi đĩnh đạc sau một chiếc bàn thấp trong gian phòng nhỏ trống trải bên trái ngôi đền. Đôi mắt tinh anh của bà thầy nhìn xoáy vào bà khi nghe bà hỏi nguyên cớ sự thay đổi tâm tính của chồng. Gần như bất động, chỉ khẽ nhíu đôi mày thanh tú, bà thầy quả quyết, giọng trong vắt như chuông, chẳng có lý do trực tiếp nào đâu.
Đó chỉ là giờ phút phải đến sau bao nhiêu tháng năm, là kết cục tất yếu của một quá trình. Đó là một quá trình bí ẩn, ngay chính người đó cũng không thể ý thức hết, chỉ có thể cảm biết mà thôi. Người ngoài, dù là người vợ, cũng không thể hiểu được sự diễn biến của quá trình đó. Người ta vẫn có câu: các sự việc không để cho ta lần ra dấu vết của chúng. Chớ tin vào vẻ ngoài của sự vật. Người ta gọi quyết định ra đi của ông ấy là thời khắc giác ngộ. Bà đừng buồn mà nên vui vì không phải ai cũng có thể giác ngộ, phần đông chúng sinh chìm trong cõi u mê cho đến khi từ giã cõi đời này. Dứt lời, bà thầy lại ngồi im phắc, hai bàn tay trắng xanh áp lên mặt bàn như một cử chỉ của cuộc hành lễ, báo hiệu sự kết thúc. Bà thầy không nhận tiền, chỉ dặn bà vào đền thắp nén nhang tạ ơn trời phật. Mặc dù thoáng có ý nghĩ về sự sắp đặt của người nhân viên cho cuộc gặp này, bà vẫn cảm thấy được an ủi vì cung cách và lý lẽ trong lời phán của nhà ngoại cảm.
Khi đầu óc có phần tỉnh táo, bà bắt đầu sắp xếp lại căn phòng của ông, nơi sách vở bừa bộn, chồng chất lên nhau, nơi những cuốn sách được mở ra chưa kịp đóng lại, nơi bà gần như không dám chạm tới vì sợ làm mất dấu những trang viết, làm thất lạc những tài liệu ông đang tra cứu.
Lúc xếp lại sách vở trên bàn, bà tìm thấy khá nhiều những trang giấy kẻ ô đã được đánh dấu cho cuộc chơi cờ ca rô một mình của ông cùng những quân cờ rơi vãi ngả nghiêng trên bàn cờ vua. Đặc biệt, có khá nhiều những ghi chép lạ lùng, ví như đoạn ghi lại câu chuyện về con sư tử bị cho là đần độn, không thể làm trò đã bị đoàn xiếc đem tặng cho sở thú.
Chính nó, một ngày nọ bỗng diễn được tất cả các trò người ta đã dạy nó từ ngày trước, với dòng ghi chú có gạch dưới: cái hạt bị đánh mất chợt nảy mầm trong gió hoặc những ghi chép tỉ mỉ về lối sống, về các lề luật, các phong tục… của tộc người Amish (5), về những tảng đá xếp chồng lên nhau giữ thế cân bằng hàng ngàn năm ở Bernadino, về màu mây xanh lá cây trên bầu trời Moscow vào đầu mùa hạ… Không hiểu do đâu, bà lại chú tâm vào đoạn ghi chép về cuốn tiểu thuyết Đảo xanh của nhà văn H. Ông tô đậm chữ gió và viết hoa hai chữ Đảo xanh với một dấu chấm hỏi lớn (?).
Gần như ngay sau đó, bà tìm thấy một tin nhắn còn lưu lại trong điện thoại của ông: nếu bạn muốn đến Đảo xanh, xin hãy gọi… Số điện thoại dài bất thường, gồm 17 chữ số này gửi đúng vào ngày ông bắt đầu ra phố vào mỗi buổi chiều. Bà đứng sững giữa căn phòng, đưa tay chặn lên ngực, nơi tim bà đang đập loạn xạ, linh cảm đã tìm ra một manh mối. Bà lục tung chỗ sách để tìm cuốn tiểu thuyết nhưng không thấy. Có thể ông đã đem cuốn sách đi cùng như kiểu người ta mang theo một tấm bản đồ để dò đường khi đến một nơi xa lạ.
Bà thử bấm vào số điện thoại trong máy, chỉ nghe thấy những tiếng tít tít tít vọng tới về cõi xa xăm nào. Bà tìm đến các tòa soạn báo, các trung tâm nghiên cứu để hỏi về Đảo xanh với hy vọng được biết ít nhiều về nơi ông có thể đến. Mọi nơi đều hứa hẹn, chỗ thì một tuần, chỗ thì nửa tháng, chỗ cả tháng trời nhưng khi quay lại, người vồn vã, kẻ hững hờ đều có một câu trả lời gần giống nhau: không thể tìm thấy. Vài người nhận ra vẻ thất vọng trên gương mặt bà nên ái ngại, tìm cách giải thích thêm, có hàng vạn hòn đảo trên Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Bắc Băng Dương… có tên gọi là Đảo xanh, những Green Island này nhiều vô kể, không sao có thể xác định đâu là hòn đảo bà cần tìm. Một cô gái ở viện nọ, sau khi nghe câu chuyện đã an ủi bà, bà ơi, làm sao có thể xác định được một nơi chốn do nhà văn tưởng tượng ra, nó cũng giống như việc ta không thể nào tìm được một ai đó ngoài đời giống hệt nhân vật của họ vậy. Bà sực tỉnh, có cảm giác mình vừa ra khỏi một giấc mơ dài dặc, rối rắm, nặng nề. Bà quyết định ra đi cùng con trai.
Năm năm sau, trong một lần sắp xếp lại các sách báo trên bàn làm việc của con trai, bà nhìn thấy bài bút ký của một nhà báo Pháp. Hai chữ Đảo xanh trong tựa đề bài báo đập thẳng vào tâm tưởng khiến bà choáng váng, muốn khuỵu ngã. Bà vội vã ngồi xuống, đầu tựa vào thành ghế, khép mắt lại, tay chặn lên nơi ngực trái. Đảo xanh trong bài báo là một hòn đảo nhỏ bé, xinh đẹp và quyến rũ nằm giữa biển Ấn Độ Dương.
Đó là một đảo quốc vừa mới giành độc lập và do một vị tổng thống còn rất trẻ có tinh thần dân chủ lãnh đạo. Vị tổng thống, trong những lần khác nhau, từng có những câu nói làm cho các cư dân của mình, nhất là những người trẻ tuổi mãn nguyện: mức độ tôn trọng trí thức là thước đo của một nền dân chủ hay một quốc gia phát triển không phải là nơi người nghèo có xe riêng mà là nơi người giàu dùng phương tiện giao thông công cộng hoặc Steve Jobs là thần tượng của tôi, ông đã sáng tạo nên một thế giới, một thế giới huyền diệu...
Theo truyền thống, đảo quốc này đón các vị đại sứ đến trình quốc thư vào mùa hạ hằng năm với những loạt đại bác vang dội. Dân trên đảo gọi đó là mùa đại bác. Cùng với những tiếng đại bác vang rền như sấm, dân đảo tổ chức các cuộc vui thâu đêm suốt sáng. Vì vậy, mùa hạ cũng là mùa lễ hội lớn nhất trong năm của họ. Nguồn lợi chủ yếu của đảo quốc là dầu lửa và thủy hải sản. Là một vùng đất nhỏ, cách quy hoạch của đảo rất độc đáo. Dinh tổng thống nằm ở chính giữa, vòng tiếp theo là các cơ quan hành chính, vòng ngoài nữa là những ngôi chùa, những nhà thờ, những ngôi đền, là ngọn tháp Bình yên… và vòng ngoài cùng với nhà hát xây theo kiểu Pháp, trung tâm thương mại theo mô hình khép kín, bao gồm cả việc mua sắm, vui chơi, ăn uống và khu khách sạn, quán bar, những quầy bán đồ lưu niệm…
Đây cũng chính là nơi dân cư đông đúc nhất, sinh động nhất. Các ngôi nhà ở đảo xây theo kiểu cách hiện đại nhưng không quá cao, không quá đồ sộ và tất cả đều quét sơn màu trắng, nổi bật trên màu xanh cây cối, núi đồi. Nhìn từ máy bay, quần thể kiến trúc gồm các vòng tròn đồng tâm này trông rất lạ mắt, rất độc đáo. Nhưng theo nhà báo, điều đặc biệt nhất, điều hấp dẫn nhất ở đảo quốc chính là cộng đồng cư dân đa sắc tộc sống trên đảo.
Người Mỹ, người Anh, người Nhật, người Tây Ban Nha, người Nam Phi, người Pháp, người Brazil, người Malaysia, người Ấn Độ... sống cùng nhau, yên vui, hòa hợp. Có thể gọi đây là một hợp chủng quốc, một vùng đất hứa của thời hiện đại. Nhà báo ghi lại một số cuộc gặp gỡ các cư dân nơi đây: một nhà văn đồng thời là nhà ngoại giao đang làm cố vấn văn hóa cho vị tổng thống trẻ - người am hiểu sâu sắc văn hóa phương Đông, một cô chủ khách sạn - nơi nhà báo cư trú - thường mặc váy áo màu đen, đi xe Ford màu đen và rất ít lời, dường như vừa trải qua một câu chuyện tình cảm không như ý, một ông chủ quán bar có hàng ria mép được cắt tỉa cẩn thận, vẻ xởi lởi, biết tới năm thứ tiếng, hỏi tất cả các vị khách đến quán chỉ với một câu duy nhất, có gì mới không nhưng chẳng mấy để tâm đến câu trả lời vì còn bận chào đón, hỏi han người tiếp theo, một vị giáo sĩ không hiểu vì lẽ gì đã tịch khẩu, trò chuyện bằng cách viết lên tấm bảng nhỏ rồi xóa đi hoặc viết trên giấy rồi ngay lập tức bật lửa đốt, nheo nheo mắt nhìn chỗ tàn tro tan ra trong gió như đang thực hiện một nghi lễ…
Nhà báo dành một đoạn khá dài cho một người đàn ông châu Á mà ông gặp tại đền thờ Đa giáo khi ông ta đang cùng giáo sĩ cầm từng nhúm cát màu rải xuống nền đất tạo nên những hình tròn, hình vuông kỳ bí mà họ gọi là mandala. Ông ta có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Pháp và một phần tiếng Anh. Ông ta cũng biết một ít thổ ngữ và các phong tục lễ lạt của dân trên đảo như lễ tạ ơn cá voi, lễ thiên táng người chết… Theo miêu tả của nhà báo, đó là một người đàn ông tầm thước, tóc đã bạc nhưng dáng đi còn nhanh nhẹn và có đôi mắt rất sáng, ánh nhìn tinh anh, thấu hiểu. Ông ta cho biết đã đến đảo trên thuyền đánh cá. Ông đưa cho các ngư dân một ít tiền rồi theo họ ra khơi. Lênh đênh cả tháng trên biển, khi họ ghé vào đảo mua thực phẩm, ông đi bộ dọc theo bờ biển và đã quyết định ở lại khi gặp một chàng trai trẻ khỏe mạnh, nước da ngăm ngăm, mái tóc quăn dày dặn và có đôi mắt đen ưu sầu.
Ông tin rằng đây chính là chàng trai có tên Con trai cá ông và nơi ông dừng chân chính là Đảo xanh mà ông từng nghĩ tới. Chàng ta hỏi ông vài câu tiếng Anh sơ sài kiểu như ông ở đâu tới, ông làm nghề gì. Ông trả lời qua loa, cậu ta cũng không để tâm, chân vẫn bước dọc theo bờ cát, thỉnh thoảng lại nhảy lên tránh một con sóng lớn. Không hiểu vì sao ngay từ phút sơ giao chàng ta đã tin cậy rủ ông về căn nhà của mình, nằm bên cạnh một ngôi đền. Chàng ta cho biết mình là trẻ mồ côi, không tên tuổi, lang thang trên đảo, giúp người này một chút, người kia một chút để sống qua ngày, mới được nhà nước cấp cho ngôi nhà này vì chàng là người đầu tiên nhìn thấy con cá voi lớn trôi dạt vào bờ biển của đảo quốc. Từ ngày có tên, có nhà, cuộc sống của chàng đã ổn định.
Dù vậy, chàng vẫn buồn, nghe đâu chàng vẫn mòn mỏi chờ đợi cô gái xinh đẹp nhất đảo quốc trở về dù không biết vì sao cô ra đi và hiện cô đang ở nơi đâu. Chàng ta thường rủ ông ra biển, lặn xuống đáy sâu để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rặng san hô mềm mại lả lướt theo nhịp sóng. Có lần, ông còn theo chàng bơi cùng những chú cá mập voi hiền lành, thân thiện. Ông bảo, mình đã không sao trấn áp được nỗi sợ khi nhìn tận mắt những chú cá to lớn, khi vây của chúng chạm vào mình, khi chúng há miệng khoe những chiếc răng nhọn hoắt. Chàng trai này là một hướng dẫn viên du lịch tài giỏi, am hiểu mọi ngóc ngách, mọi điều lý thú, mọi tập quán, thậm chí nhiều bí mật của đảo quốc.
Thỉnh thoảng ông qua đền thờ trò chuyện với giáo sĩ, một cuộc trò chuyện có phần bất thường. Dù vậy, chỉ qua những dòng ngắn ngủi trên tấm bảng nhỏ, ông vẫn hiểu đạo sĩ là người đã sống ở rất nhiều nơi, đã đọc rất nhiều sách và có một tấm lòng quảng đại, nhân ái. Đôi lần, giữa chừng câu chuyện, ông thoáng có ý muốn hỏi han về nhà tù bí mật trên đảo, về cuộc giải cứu những con người vĩ đại mà đạo sĩ có tham dự nhưng rồi chỉ im lặng nhìn vào chiếc mandala huyền bí. Ông biết đạo sĩ đang lắng nghe, không chỉ là lời nói mà cả tâm tưởng của ông. Khi ngẩng lên, ông nhìn thấy trên tấm bảng nhỏ có dòng chữ “rút mũi tên ra”.
Theo ông, đền thờ đa giáo không chỉ chứng minh quan niệm tôn giáo của đạo sĩ mà còn là chỉ dấu của một xứ sở dân chủ. Thảng hoặc, ông cũng ghé lại quán bar, mỉm cười trước câu hỏi của chủ quán, uống một ly bia, ngồi nhìn ra miền biển thăm thẳm trước mắt, mặc cho bao sự ồn ào qua lại của đám khách du lịch. Theo nhà báo, người đàn ông châu Á này có một sức lôi cuốn rất đặc biệt, gần như không thể lý giải. Nhà báo kể rằng mình đã giở một chút mẹo của nghề để thử dò tìm về ông ta. Qua câu chuyện bâng quơ về trời đất, sông núi, trăng sao, bão gió, động đất, sóng thần… nhà báo đồ rằng ông từng là một chuyên gia trong ngành vật lý, nhiều khả năng là vật lý địa cầu. Thế nhưng khi đến nơi này ông chỉ quẩn quanh bên vài ba người bạn ở vòng tròn thứ tư trên đảo quốc. Khi nghe nhà báo hỏi về cuộc sống và công việc trước khi đến đảo, ông cười nhẹ, việc đó đâu có chi quan trọng.
Ông hơi cúi xuống như nghĩ ngợi điều gì rồi ngẩng lên, khuôn mặt bừng sáng, gió, điều quan trọng nhất chính là gió, vâng, bạt ngàn gió. Nhà báo viết, không hiểu vì sao, anh ta thấy nổi gai ốc khi nghe từ gió thốt ra từ người đàn ông nọ. Ngoài ảnh phong cảnh, nhà báo ghi được khá nhiều chân dung, trừ hai người là đạo sĩ và ông. Đạo sĩ mỉm cười, đưa tấm bảng có hai chữ xin lỗi ra trước mặt, còn người đàn ông châu Á nhã nhặn từ chối, xin để lần khác. Bài báo kết thúc: “Tôi ngờ rằng có nhiều bí mật bên trong con người này và trong cảm thức đặc biệt của ông ta về gió. Tôi không hỏi tên ông, quê quán của ông vì nghĩ rằng điều đó không còn quan trọng nữa, với ông và có thể cả với tôi. Còn bạn, người đang đọc bài báo này, bạn có quyền mong mỏi nhiều hơn thế. Tôi lưu trong máy tính chữ Gió để nhớ đến ông. Chắc chắn tôi sẽ quay lại Đảo xanh ít nhất là một lần nữa và hy vọng tôi có thể khiến bạn vừa lòng hơn”. Bà có cảm giác đây là những lời viết cho riêng bà. Bà gấp tờ báo, nắm chặt nó trong tay như sợ có ai cướp đi mất, thì thầm, là ông, chắc chắn là ông.
Bà không đưa bài báo cho con trai. Bà cất nó trong cuốn album gia đình, bên cạnh bức thư từ biệt, rồi lần xem lại các bức ảnh ngày còn trẻ của ông, những bức ảnh đen trắng đã hơi ngả vàng, đôi chỗ có những đốm nổ nho nhỏ. Bà đưa ngón tay run run sờ nhẹ lên ảnh, cố nhìn sâu vào đôi mắt của ông. Lần đầu tiên bà nhận ra ánh phiêu lãng trong đôi mắt đang đăm đăm đáp lại cái nhìn của bà.
Sài Gòn, 12.2012
Truyện ngắn của Ý Nhi
(Tiếp theo Thanh Niên Chủ Nhật số ra ngày 7.4.2013)
(5) Một tộc người sống ở Mỹ nhưng chối bỏ những thành quả của công nghệ và kỹ thuật. Họ giữ những lề thói riêng, không đi bầu cử, không nhận trợ cấp, con cái không học trường công, không giao dịch với ngân hàng…
>> Gió - Truyện ngắn của Ý Nhi
Bình luận (0)