Giờ nào cho phim sử Việt ?

24/04/2012 03:41 GMT+7

20 tập phim Anh hùng Nguyễn Trung Trực vừa được phát sóng và kết thúc trong… im lìm. Những người làm phim lịch sử thêm một lần chạnh lòng khi phim chiếu vào giờ khán giả gần… ngủ.

20 tập phim Anh hùng Nguyễn Trung Trực vừa được phát sóng và kết thúc trong… im lìm. Những người làm phim lịch sử thêm một lần chạnh lòng khi phim chiếu vào giờ khán giả gần… ngủ.

Bộ phim phản ánh cuộc kháng chiến chống Pháp vào cuối thế kỷ XIX, cụ thể là phong trào kháng Pháp ở vùng đất miền Tây do Nguyễn Trung Trực chỉ huy. Và một trong những chiến công hiển hách của Nguyễn Trung Trực cùng người dân nơi đây được tái hiện trong phim là đốt cháy tàu chiến Espérance của thực dân Pháp trên vàm Nhật Tảo. Dẫu vẫn có những sơ suất (trang phục diễn viên chưa phù hợp với bối cảnh - quá mới trong và sau những trận đánh), một số diễn viên diễn xuất thiếu tự nhiên (trong đó có cả nhân vật chính do Lý Anh Tuấn thủ vai), nhưng nhìn chung từ câu chuyện (được viết bởi tác giả Dương Linh) đến những nỗ lực của đoàn phim trong việc tái hiện gần 20 trận đánh, phục dựng tàu chiến… thì đây vẫn là một phim đáng xem và đáng được khích lệ.

Hơn nữa, nói như nhiều nhà làm phim, dù chưa biết chất lượng thế nào nhưng phải cho điểm “dũng cảm” với những đạo diễn phim lịch sử, bởi khi bắt tay thực hiện là đã chấp nhận “cầm chắc phần lỗ”, “chê nhiều hơn khen” và “ảnh hưởng tên tuổi”.


Cảnh trong phim Anh hùng Nguyễn Trung Trực - Ảnh: Hãng phim Cửu Long cung cấp
 

Theo đạo diễn Phan Hoàng, Giám đốc Hãng phim Cửu Long, đơn vị phối hợp sản xuất Anh hùng Nguyễn Trung Trực cùng Đài truyền hình TP.HCM (HTV), đoàn phim đã nhận được sự khích lệ rất lớn từ Ban Giám đốc HTV. Không chỉ vậy, Anh hùng Nguyễn Trung Trực cũng là bộ phim đầu tiên được thực hiện từ khi HTV có chính sách hỗ trợ làm phim lịch sử, truyền thống cách mạng. Một trong những “ưu tiên” cho phim lịch sử, theo chính sách này, là sẽ phát trên nhiều kênh và phát vào giờ có nhiều người xem. Song, so với phim Về đất Thăng Long trước đó (phát lần đầu lúc 22 giờ 30, phát lần 2 lúc 5 giờ) thì Anh hùng Nguyễn Trung Trực vẫn chưa được ưu tiên lắm, khi phát lúc 22 giờ (vừa kết thúc vào 21.4) và mới phát lại lúc 15 giờ.

 

Các phim lịch sử bất kể của hãng tư nhân hay nhà nước, nếu nội dung tốt thì sẽ được sắp xếp chiếu vào giờ tốt

Ông Nguyễn Quý Hòa, Tổng giám đốc HTV

Có lẽ vì phim được phát sóng trong những khung giờ hơi kén khán giả như thế, nên khoảng hơn một tháng nay từ ngày lên sóng đến kết thúc, tìm kiếm trên các diễn đàn phim ảnh lẫn lịch sử… hiếm thấy đề tài nào xoay quanh bộ phim này. Khác với trước đây, dù phim về lịch sử chưa hay, hay có những vấn đề gây tranh luận… thì trên các diễn đàn, người xem xôn xao bàn tán, góp ý, thậm chí chê bai tràn ngập.

“Lẽ ra ban đầu phim được phát vào lúc 17 giờ 30, nhưng vì lý do liên quan đến quảng cáo nên phim được chuyển sang 22 giờ (phim phát vào giờ này có thể thu được quảng cáo nhiều hơn)”, đạo diễn Phan Hoàng nói và cho biết: “Phim sẽ còn được phát lại nhiều lần, như vậy là đã ưu tiên rồi”.

Còn Tổng giám đốc HTV, ông Nguyễn Quý Hòa cho rằng: “Ban giám đốc cũng đã cân nhắc giờ chiếu đối với phim này và sau khi các bộ phận chuyên môn khảo sát, tham mưu thì 22 giờ vẫn là giờ đẹp và dễ xem, dễ có quảng cáo nhiều hơn. Như quan điểm chúng tôi từng chia sẻ, các phim lịch sử bất kể của hãng tư nhân hay nhà nước, nếu nội dung tốt thì sẽ được sắp xếp chiếu vào giờ tốt”.

Thế nhưng lâu nay chưa ai xếp 22 giờ vào “khung giờ vàng cho phim Việt” cả. Vì thế, dù đã được quan tâm, nhưng có lẽ trong thâm tâm những người làm phim lịch sử vẫn mong muốn phim được phát vào những “giờ vàng” thực sự. Tất nhiên, sản phẩm của họ cũng phải được thực hiện tương xứng với niềm mong đợi không chỉ của nhà đài, mà chính là với công chúng.

Nguyên Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.