Sự khảo sát kỹ càng ấy, dường như đã để lại dấu ấn trong 12 truyện ngắn mà anh cho in thành tập “Gió trên đồng” (NXB Văn hóa - văn nghệ, quý 3/2012). Đó là cái cốt cách “ý tại ngôn ngoại” của thơ tứ tuyệt phả vào những trang văn xuôi này. Lại nghĩ, tác giả như muốn làm ngọn gió, lặng lẽ len qua gần 10 thế kỷ thơ tứ tuyệt của cha ông thời phong kiến để rồi lồng lộng thổi qua bao số phận lớp cháu con ngày hôm nay đang khai khẩn đất phương Nam.
Dù đang sống ở nông thôn hay ra chốn thị thành, hầu hết những nhân vật trong Gió trên đồng thường có nội tâm riêng của những phận người hay dằn vặt lương tâm. Để rồi, dù tác giả không miêu tả hết ra, ta vẫn hiểu được rằng, lòng người vẫn còn đó, mặc cho giông gió cuộc đời đang ù ù thổi đến. Thí dụ đọc đoạn này trong truyện Gió trên đồng, ta có thể đoán được chuyện gì đã xảy ra chăng: “Y trừng mắt như ra lệnh khiến thị hoảng hốt thò tay cầm lấy tiền rồi lò dò ra ngoài lều. Y ngồi phệt xuống chõng, thở hắt ra, lắng tai nghe tiếng dầm khuấy nước trong cái tĩnh lặng của đất trời sau cơn mưa. Lòng y quặn thắt một nỗi buồn”.
Nguyễn Kim Châu lấy nghề dạy học làm chính (anh là tiến sĩ ngữ văn ở ĐH Cần Thơ), lặng lẽ viết truyện ngắn gởi đăng báo (đã được tặng giải Truyện ngắn hay của Tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam) và không tham gia hội đoàn văn nghệ nào.
Trân trọng tác phẩm văn chương này, nhà văn Dạ Ngân đã viết lời giới thiệu sách, nhấn mạnh về tác giả - người con của ĐBSCL: “Sinh ra và lớn lên, học hành và thành danh đều ở Cần Thơ, không khó hiểu khi tiến sĩ - nhà văn Nguyễn Kim Châu quanh quẩn và sống chết với miền đất nắng táp mưa sa của mình. Không thể yêu cầu sự bứt phá giọng điệu hay thủ pháp ở một người vẫn xem viết văn là việc của tay trái. Xác quyết âm thầm, dung dị, chân thực và thuyết phục, thì Nguyễn Kim Châu đã làm được tất cả những điều đó. Gần hai mươi năm cầm bút mà đến giờ mới có tập truyện đầu tay đã là khá muộn nhưng chậm mà sâu, chậm mà vững và cũng có nghĩa, chậm mà bền… Đồng bằng nhiều gió chứ không phẳng lặng như người ta tưởng. Biết về nó thì sẽ thấy gió đồng cũng khi thế này khi thế khác, gió sông cũng lúc đầy lúc vơi như nhịp nước mỗi ngày. Trên hết, đấy là một vùng đất với rất nhiều ký ức đặc sắc và hiện tại ngổn ngang, vì vậy, miền gió của Nguyễn Kim Châu thật đáng để đồng hành”…
Huỳnh Kim
Bình luận (0)