Giới khoa học bất ngờ vì cá sấu có thể mọc lại đuôi

Khánh An
Khánh An
01/12/2020 10:29 GMT+7

Phát hiện cá sấu mọc lại đuôi hứa hẹn khả năng trong tương lai về việc chữa trị cho những người bị mất chi, hoặc cần tái tạo vùng da bị bỏng.

Các loài bò sát nhỏ như thằn lằn và tắc kè thường có khả năng mọc lại đuôi sau khi rụng để thoát hiểm, nhưng các nhà khoa học vừa bất ngờ phát hiện cá sấu cũng có khả năng này.
Theo nghiên cứu đăng trên chuyên san Scientific Reports, giới nghiên cứu phát hiện rằng những con cá sấu chưa trưởng thành cũng có khả năng mọc lại đuôi đến 23 cm, tương đương 18% chiều dài cơ thể.
Nhóm chuyên gia tại Đại học bang Arizona (ASU) và Bộ Động vật hoang dã và Thủy sản Louisiana sử dụng các kỹ thuật hình ảnh hiện đại cùng phương pháp đo lường thời gian về giải phẫu học cùng các tổ chức mô.

Ảnh chụp X-quang cho thấy sụn bên trong phần đuôi mọc lại

Ảnh chụp màn hình CNN

Qua đó, họ phát hiện loài cá sấu mõm ngắn (Alligator mississippiensis) có đuôi với bên trong là khung sụn chứ không có xương, cho thấy có sự tái tạo và chữa lành vết thương.
“Bộ khung phát triển lại được bao phủ bởi các mô liên kết và da nhưng thiếu cơ xương”, theo ông Kenro Kusumi, đồng tác giả nghiên cứu và là giáo sư tại ASU. Ông cho biết ngay cả một cái đuôi không cơ mọc lại cũng có ý nghĩa sống còn đối với các loài động vật săn mồi lớn.
Các tác giả cho biết nghiên cứu mới có thể giúp phát triển các liệu pháp tái tạo ở người.
“Chúng ta biết rằng con người, vốn không có khả năng tái tạo, có các tế bào và và xu hướng tương tự cho việc tái tạo như ở những động vật này”, theo bà Jeanne Wilson-Rawls, đồng tác giả nghiên cứu và là phó giáo sư tại ASU.
Chuyên gia này hy vọng khám phá mới về cá sấu sẽ giúp con người có khả năng giúp đỡ những người mất chi hoặc cần tái tạo da bị bỏng. Theo ông Kusumi, khả năng này có thể không sớm thành hiện thực, nhưng có thể vào cuối thế kỷ này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.