Đại dương ngầm rộng lớn của Europa, một trong nhiều mặt trăng của sao Mộc, đang chứa carbon, thành phần thiết yếu của sự sống trên trái đất, theo tờ The Guardian hôm nay 22.9.
Các quan sát do kính viễn vọng không gian James Webb thực hiện cho thấy băng CO2 trên bề mặt Europa bắt nguồn từ đại dương muối nằm bên dưới lớp băng dày trên bề mặt thiên thể này.
Dù phát hiện vẫn chưa mang đến câu trả lời chính xác về sự tồn tại của sự sống ngoài hành tinh trong lòng Europa, đồng tác giả báo cáo, tiến sĩ Christopher Glein của Viện Nghiên cứu Tây Nam (Mỹ) cho hay khám phá đã củng cố quan điểm rằng đại dương Europa là địa điểm nên tập trung nghiên cứu nếu muốn tìm thấy sự sống ngoài trái đất trong hệ mặt trời.
Với đường kính 3.100 km, Europa chỉ nhỏ hơn một ít so với mặt trăng của trái đất. Sự sống nếu có trên mặt trăng sao Mộc được cho phải có những đặc điểm cho phép thích ứng với điều kiện khắc nghiệt trên thiên thể này, chẳng hạn như nhiệt độ dưới ngưỡng -140 độ C và liên tục hứng chịu bức xạ đổ bộ từ sao Mộc.
Tuy nhiên, vị trí của đại dương ở Europa, ở độ sâu từ 64-160 km, bên dưới bề mặt băng giá dày từ 16 – 24 km, cho phép mặt trăng của sao Mộc là ứng viên sáng giá trong nỗ lực tìm kiếm sự sống ngoài trái đất.
Kết quả nghiên cứu trước đây xác nhận sự hiện diện của băng CO2 trên bề mặt Europa, nhưng lúc đó vẫn chưa rõ liệu chúng xuất phát từ đại dương bên dưới hoặc được đưa đến mặt trăng sao Mộc sau các đợt va chạm với thiên thạch hay không.
Và nỗ lực quan sát mới nhất của kính James Webb cho thấy băng CO2 đích thực đến từ đại dương của mặt trăng Europa.
Có thể có cả đại dương lẫn sự sống trên hành tinh này?
Bình luận (0)