Giới luật sư giúp dân kiện vụ 'cá chết'

11/05/2016 08:32 GMT+7

Việc các văn phòng luật sư vào cuộc giúp nông dân Bà Rịa-Vũng Tàu khởi kiện các doanh nghiệp gây ô nhiễm làm chết cá là hành động mạnh mẽ và cần nhân rộng để chung tay bảo vệ môi trường.

Như Thanh Niên đã thông tin, vụ cá chết hàng loạt trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) xảy ra trong những năm qua, gây nhiều bức xúc cho người dân và chính quyền các cấp ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Mỗi lần cá chết, các đoàn kiểm tra vào cuộc điều tra nhưng không xác định được một doanh nghiệp (DN) nào phải chịu trách nhiệm.
Đỉnh điểm là vào tháng 9.2015, nước sông bị ô nhiễm trầm trọng làm cá nuôi chết hàng loạt, tổng thiệt hại của người dân lên đến hơn 17 tỉ đồng. Thủ phạm sau đó đã được xác định là 14 DN chế biến hải sản, nhưng đến nay các DN vẫn không chịu bồi thường.
Hôm qua (10.5), 12 văn phòng luật sư (LS) đã tiếp xúc với 33 hộ dân bị ảnh hưởng để củng cố chứng cứ trước khi khởi kiện các DN này ra tòa.
Rất nhiều hộ dân vay vốn làm ăn, nhưng rồi bỗng chốc bị trắng tay, nợ nần chồng chất thì hết đường sống. Cơ quan chức năng, các đoàn luật sư, hội nông dân... cần phải đồng hành tích cực, ủng hộ người dân tiến hành khởi kiện quyết liệt hơn, chứ không có gì ngại cả
Chuyên viên cao cấp Diệp Văn Sơn, nguyên Phó vụ trưởng Cơ quan đại diện phía nam (Bộ Nội vụ)
“Muốn gửi thông điệp”
LS Hoàng Long Hà, Trưởng văn phòng LS Hoàng Hà, chia sẻ: “Khi tham gia vào vụ khởi kiện này, chúng tôi chỉ muốn giúp người dân bị thiệt hại đòi lại quyền lợi của mình. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn gửi thông điệp đấu tranh chống lại các DN gây ô nhiễm môi trường. Buộc họ khi sản xuất kinh doanh, ngoài việc đem lợi nhuận về cho mình thì phải nghĩ đến lợi ích của người dân và cộng đồng”.
Còn LS Trương Xuân Tám, Phó chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho rằng: “Việc các LS vào cuộc, ngoài việc bảo vệ những người dân yếu thế, thấp cổ bé họng qua đó còn thể hiện thái độ đấu tranh với các DN xả thải gây ô nhiễm. Ngoài ra, khi các LS vào cuộc, giúp người dân khởi kiện sẽ giảm bớt áp lực cho chính quyền các cấp. Người dân được tư vấn pháp lý sẽ hiểu biết hơn về quyền lợi của mình và hành xử theo pháp luật để đấu tranh đòi quyền lợi đó”.
Theo LS Trần Công Ly Tao, Đoàn LS TP.HCM, với những vụ án đòi bồi thường thiệt hại thì việc thu thập chứng cứ chứng minh thiệt hại rất quan trọng. Tuy nhiên, để người dân tự mình thu thập chứng cứ là rất khó, còn LS bằng nghiệp vụ và chức năng nghề nghiệp được luật pháp quy định thì họ dễ dàng, mạnh dạn, quyết liệt hơn. Hơn nữa kỹ năng đấu tranh, lập luận của LS cũng vững vàng sẽ giúp đỡ người dân "chống đỡ" những DN gây thiệt hại cố tình ém thông tin, chứng cứ.
Hội đoàn cùng vào cuộc
Nhắc lại vụ Vedan, LS Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, nhớ lại: “Quan trọng nhất vẫn là thu thập chứng cứ để chứng minh được thiệt hại. Để làm được điều này chúng tôi cùng với Hội Nông dân TP và chính quyền địa phương đến từng hộ nông dân để thống kê thiệt hại như diện tích nuôi trồng thủy sản (cũng như đánh bắt); thu nhập thực tế trước và sau khi bị ảnh hưởng ô nhiễm để có sự so sánh... Sau đó, chúng tôi tổng hợp đầy đủ số liệu rồi cùng với cơ quan chức năng TP xác định số tiền bị thiệt hại chuyển cho Vedan yêu cầu bồi thường”.
LS Hậu cho biết thêm: “Hội Nông dân TP nộp án phí thay cho nông dân. Chúng tôi đã cùng với hơn 800 nông dân ra công chứng ủy quyền cho LS tham gia vụ kiện. Trong thời gian chuẩn bị nộp đơn khởi kiện thì Vedan chấp nhận bồi thường”.
Chuyên viên cao cấp Diệp Văn Sơn, nguyên Phó vụ trưởng Cơ quan đại diện phía nam (Bộ Nội vụ), cũng lên tiếng: “Chúng ta phải xử thật nghiêm, thật nặng DN gây ô nhiễm, đừng để người dân tán gia bại sản. Rất nhiều hộ dân vay vốn làm ăn, nhưng rồi bỗng chốc bị trắng tay, nợ nần chồng chất thì hết đường sống. Cơ quan chức năng, các đoàn LS, hội nông dân… cần phải đồng hành tích cực, ủng hộ người dân tiến hành khởi kiện quyết liệt hơn, chứ không có gì ngại cả. Đây là việc làm vừa giúp dân, vừa giúp cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo đảm an ninh trật tự. Qua đó người dân và cộng đồng xã hội tham gia tích cực hơn vào việc bảo vệ môi trường, giảm gánh nặng cho công tác quản lý nhà nước”.
Niêm phong 28 cụm máy nhuộm của một DN
Chiều 10.5, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phối hợp với Sở TN-MT tỉnh và Công an H.Châu Đức tiến hành niêm phong toàn bộ 28 cụm máy nhuộm (21 cụm máy nhuộm vải và 7 cụm máy nhuộm sợi) của Công ty TNHH MeiSheng Textiles Việt Nam (100% vốn Đài Loan đóng tại TT.Ngãi Giao, H.Châu Đức).
Trước đó, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) kiểm tra và phát hiện công ty này không có báo cáo đánh giá tác động môi trường; không phân định, phân loại, xác định đúng số lượng, khối lượng chất thải nguy hại phải đăng ký và quản lý; xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải ra môi trường... nên đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính gần 640 triệu đồng; Đồng thời đình chỉ hoạt động công ty 3 tháng để khắc phục vi phạm. Ngày 19.4, đoàn liên ngành tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và đại diện công ty đã có buổi làm việc và thống nhất niêm phong toàn bộ máy móc xưởng nhuộm vào lúc 14 giờ ngày 22.4. Tuy nhiên, sau đó công ty xin hoạt động đến 14 giờ ngày 10.5.
Nguyễn Long
Kinh nghiệm của thế giới
Trên thế giới đã có rất nhiều vụ người dân tự tập hợp đứng đơn kiện các tập đoàn, công ty gây ô nhiễm môi trường hoặc gây ra các thảm họa công nghiệp. Trong đó, LS đóng vai trò đại diện pháp lý rất quan trọng trong cuộc chiến giữa thường dân và những “đại gia” công nghiệp. Nổi tiếng nhất phải kể đến vụ kiện Tập đoàn dầu khí Chevron (Mỹ) tại Ecuador. Năm 2012, Tòa phúc thẩm nước này y án sơ thẩm, tuyên xử Chevron phải bồi thường 9,5 tỉ USD vì đã gây ô nhiễm nặng nề tại khu vực rừng Amazon thuộc nước này. Theo tờ El Pais, phán quyết lịch sử này có được phần lớn nhờ nỗ lực của LS Pablo Fajardo, đại diện cho 30.000 nạn nhân.
Từ năm 1964 - 1990, Hãng dầu khí Texaco (được Chevron mua lại từ năm 2001) được chính phủ Ecuador nhượng quyền sử dụng hơn 1 triệu ha rừng nguyên sinh, nơi sinh sống của khoảng 30.000 thổ dân. “Texaco đã đào 365 giếng để khai thác trong vùng rừng Amazon của Ecuador và cứ mỗi giếng được khoan, lại có 4 hay 5 bể chứa chất thải độc hại được xây kèm. Hãng này thường xây bể chứa nước thải gần sông ngòi để xả ra thiên nhiên một cách dễ dàng nhất và ít tốn chi phí nhất”, tờ El Pais dẫn lời LS Fajardo cho biết. Vào thời điểm Texaco bắt đầu khai thác, có 5 cộng đồng thổ dân sống tại vùng rừng nói trên. Khi công ty này rút đi, 2 cộng đồng người Tetete và Sansahuari đã biến mất vĩnh viễn. Từng sống nhiều năm trong khu vực và chứng kiến tận mắt thảm nạn của thổ dân địa phương, Fajardo tình nguyện trở thành tiếng nói đại diện cho các cộng đồng bị ảnh hưởng. “Mỗi lần người dân khiếu nại lên chính quyền địa phương thì họ bị hỏi ngược là có LS đại diện hay không. Giữa rừng thì làm gì có LS. Vậy nên tôi muốn mình sẽ là LS của mọi người”, ông nói. Trong nhiều năm trời, Fajardo dày công thu thập 106 bản báo cáo của các nhóm nghiên cứu trong nước lẫn quốc tế và tất cả đều cho thấy đất đai, nguồn nước ở khu vực khai thác của Texaco - Chevron có sự hiện diện của dầu hỏa. Dựa trên các bằng chứng này, nhóm nguyên đơn yêu cầu bồi thường cho những người đã chết hoặc bị bệnh tật vì ô nhiễm đồng thời xử lý hậu quả đối với môi trường.
Sau cuộc chiến dài hơi kéo dài 6 năm, đến tận năm 2011, tòa Ecuador mới tuyên án và 1 năm sau tiếp tục phúc thẩm, y án 9,5 tỉ USD đối với Texaco -Chevron. Tuy nhiên, hãng này không còn tài sản ở Ecuador nên LS Fajardo hiện đang phải tiếp tục kiện sang Mỹ và Canada để “đòi được đến đồng xu cuối cùng theo bản án”.
Bên cạnh đó, tờ Sud-Ouest đưa tin 6 tổ chức và hiệp hội ngư nghiệp của tỉnh Puy-de-Dôme, miền trung Pháp, đã đệ đơn kiện một khu công nghiệp lớn của tỉnh này vì vụ xả thải đầu năm ngoái. Hồi tháng 2.2015, một hồ chứa của khu công nghiệp bất ngờ xả hàng chục ngàn tấn chất thải ra sông Dordogne. Không chỉ gây ô nhiễm, bùn thải làm giảm lượng ô xy trong nước, khiến cá chết hàng loạt và các chuyên gia ước tính phải mất nhiều năm hậu quả mới được giải quyết.
Lan Chi
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.