Các nhà nghiên cứu Mỹ đang tập trung nghiên cứu nhằm lý giải vấn đề: Liệu có phải số lượng thiếu niên dùng ma túy có xu hướng giảm một phần là do thường xuyên bị kích thích và hưng phấn bởi máy tính và smartphone? Họ phát hiện một điểm đáng chú ý là sự bùng nổ smartphone và máy tính diễn ra trong vòng 10 năm qua, trùng với giai đoạn tỷ lệ nghiện ma túy ở thiếu niên sụt giảm, theo tờ The New York Times (Mỹ).
Tiến sĩ Nora Volkow, Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc gia về ma túy Mỹ, cho hay bà lên kế hoạch tiến hành nghiên cứu về giả thuyết này trong vòng vài tháng tới, và sẽ triệu tập hội đồng chuyên gia để thảo luận trong tháng 4.2017. Bà Volkow nhận định có khả năng smartphone đã góp phần giúp giảm tỷ lệ thiếu niên sử dụng ma túy, sau khi nghiên cứu bản báo cáo thường niên “Theo dõi tương lai” - do Đại học Michigan (Mỹ) thực hiện kể từ năm 1975 và được chính phủ tài trợ.
tin liên quan
Từ con nghiện ma túy trở thành chủ chuỗi cửa hàng triệu đô46 tuổi, Khalil Rafati đã từng nếm trải đủ cảnh 'lên voi xuống chó'. Từ một con nghiện heroin, anh vươn lên trở thành triệu phú sở hữu chuỗi 6 cửa hàng sinh tố, thực phẩm sạch tại thành phố Los Angeles (bang California, Mỹ).
Báo cáo đo lường tỷ lệ thiếu niên sử dụng ma túy, phát hiện số lượng thiếu niên (học lớp 8, 10 và 12) dùng ma túy, cần sa và rượu bia trong năm 2016 ở mức thấp nhất trong lịch sử 40 năm qua. Mặc dù tỷ lệ nghiện heroin trở thành đại dịch đối với người trưởng thành tại một số cộng đồng ở Mỹ, nhưng tỷ lệ học sinh trung học nghiện ma túy sụt giảm đáng kể trong vòng 10 năm qua, theo báo cáo.
Trong khi đó, kết quả khảo sát của Tổ chức phi chính phủ Common Sense Media năm 2016 phát hiện phân nửa thiếu niên Mỹ độ tuổi 12 - 18 cảm thấy nghiện và dùng smartphone gần 6 giờ/ngày đồng thời không thể từ bỏ chiếc điện thoại, theo Reuters. Trung tâm nghiên cứu Pew năm 2015 cũng phát hiện 25% thiếu niên Mỹ (13 - 17 tuổi) lên mạng “hầu như liên tục” và 75% sở hữu smartphone.
|
Tiến sĩ Volkow mô tả truyền thông tương tác là “chất nghiện thay thế” cho các loại ma túy và “thiếu niên cơ bản có thể cảm giác hưng phấn như phê thuốc trong lúc chơi video game”. Truyền thông tương tác là thuật ngữ dùng để chỉ những sản phẩm và dịch vụ trên máy tính, smartphone vốn có thể tương tác với người dùng bằng cách trình bày nội dung bằng văn bản, hình ảnh động, video, audio, mạng xã hội và video game.
Sử dụng smartphone và mạng xã hội cũng giống như ma túy vì kích thích não sản sinh thêm dopamine, một hoạt chất giúp não cảm thấy phấn khích, theo tiến sĩ David Greenfield, giảng viên Đại học Y Connecticut (Mỹ) - nhà sáng lập Trung tâm nghiên cứu nghiện ma túy và công nghệ. “Chúng ta đang mang theo trong người một máy bơm dopamine di động và thiếu niên cơ bản có nó suốt 10 năm qua”, ông Greenfield nói.
Sau nhiều năm tìm hiểu về mối quan hệ giữa sử dụng internet và ma túy ở thiếu niên, tiến sĩ Silvia Martins, chuyên gia nghiên cứu về nghiện ma túy thuộc Đại học Columbia, gọi đây là giả thuyết “rất hợp lý”. Tiến sĩ Martins nói: “Chơi video game, sử dụng mạng xã hội, đáp ứng nhu cầu thỏa mãn cảm xúc của giới trẻ. Đây là giả thuyết mà giới khoa học cần phải tiếp tục nghiên cứu chứng minh”.
Tiến sĩ Sion Kim Harris, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thanh thiếu niên thuộc Bệnh viện Nhi đồng Boston (Mỹ), cho biết tỷ lệ người trẻ độ tuổi 12 - 17 sử dụng ma túy có giảm trong những năm gần đây. Bà Harris cũng không loại trừ khả năng sự lôi cuốn của các thiết bị công nghệ khiến giới trẻ tránh xa việc thử dùng ma túy.
tin liên quan
Nâng đỡ người nghiện hoàn lươngLực lượng công tác xã hội tình nguyện ở các xã, phường đã tích cực góp sức ngăn ngừa tệ nạn ma túy, giúp người nghiện hòa nhập cộng đồng.
Alexandra Elliott (17 tuổi), một nữ sinh Trường trung học George Washington ở TP.San Francisco, thỉnh thoảng hút cần sa, cho rằng “sự hưng phấn” khi dùng smartphone lên mạng xã hội gần giống cần sa. Nhưng smartphone an toàn và giúp giải tỏa tâm lý nhiều hơn nhờ có sự tương tác, theo Alexandra. Trong những bữa tiệc tùng, smartphone có thể giúp người trẻ tránh xa ma túy và cần sa. “Tôi đã từng trải điều này. Khi ngồi với một nhóm bạn trong bữa tiệc đang hút cần sa chung, tôi không muốn hút và chỉ cần lấy smartphone ra nhắn tin cho ai đó”, Alexandra chia sẻ. Còn Melanie Clarke, nữ sinh 18 tuổi từng thử dùng chất kích thích, cho biết: “Tôi nghĩ rằng smartphone là thứ thay thế cho ma túy. Khi tôi ở nhà một mình, bản năng đầu tiên của tôi là điện thoại”.
Tuy nhiên, ông Eric Elliott, cha của Alexandra - chuyên viên tư vấn tâm lý tại Trường George Washington, cho biết smartphone và máy tính giờ đây là mối lo ngại lớn hơn cả ma túy. “Hiện tôi nhận thấy con gái mình không phải là người bị phụ thuộc vào cần sa. Nhưng điện thoại là thứ con bé ngủ chung”, ông Eric chia sẻ.
Bình luận (0)