Tỉ lệ “thất nghiệp” của người trẻ trong độ tuổi 16-19 đầu hè năm nay là 26,4% - con số cao nhất kể từ năm 1948 (theo Cục Thống kê lao động Mỹ).
“Đây là thời điểm vô cùng khó khăn cho các bạn trẻ, đặc biệt khi họ phải cạnh tranh với nhiều người có bằng đại học để đích đến chỉ là một công việc tay chân đơn thuần” - ông John Challenger, giám đốc điều hành Tập đoàn Challenger, Gray & Christmas, cho biết.
Cùng nhận xét, ông Mike Fata - đồng giám đốc ba hệ thống nhà hàng lớn tại miền nam California - cho rằng hầu hết doanh nghiệp đều thích tuyển nhân công có kinh nghiệm để không tốn chi phí huấn luyện lại từ đầu.
Jessica Weidemann, một nữ sinh 17 tuổi ở vùng Santa Monica, phải bỏ ra hàng tháng trời tìm kiếm cũng như nộp tới... 70 lá đơn xin việc đến các tiệm bánh, cửa hàng buôn bán lẻ... để cuối cùng có được một chân trông coi ở cửa hàng bán kính đeo mắt Pacific Sunwear.
Jessica tâm sự: “Tôi nhận được nhiều cú điện thoại hồi âm từ khắp nơi, nhưng hầu hết đều bắt đầu bằng chữ “rất tiếc”! Nhớ có lần chỉ là xin vào vị trí trực bán bánh của một tiệm nhỏ, tôi chứng kiến một anh 25 tuổi bận bộ đồ văn phòng rất lịch sự bước vào để cạnh tranh với chúng tôi”.
Nhưng Jessica vẫn còn may mắn hơn rất nhiều bạn trẻ khác. Một số người trẻ cho biết hè năm nay của mình chỉ là... ăn với ngủ bởi không kiếm được tiền đi du lịch! Tình cảnh của du học sinh Việt cũng như Hàn, Nhật, Thái... lại càng ảm đạm. Trò chuyện với chúng tôi, Q.Phước (19 tuổi, Trường De Anza) cho biết rất may mắn khi được làm trợ giảng môn toán ở trường với mức lương 10 USD/giờ. “Nhưng để được thế tôi phải đạt kết quả học tập thật sự thuyết phục (điểm A hoặc A+) cùng sự bảo lãnh của giáo viên bộ môn, mà điều này không dễ chút nào” - Phước chia sẻ.
Không may mắn như Phước, nhiều du học sinh Việt hiện đang lâm vào tình trạng còn tồi tệ hơn cả thất nghiệp, đó là bị ép giá và quỵt tiền lương do chọn giải pháp “làm chui” để dễ có việc làm.
P. (du học sinh tại Trường ĐH Davis, California) ngậm ngùi kể về khoảng thời gian bưng phở ở một tiệm ăn Việt với mức lương chỉ 4 USD/giờ (trong khi mức lương tối thiểu theo quy định của bang này là 8 USD/giờ). “Không có hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm và lúc nào cũng phập phồng lo sợ bị cảnh sát bắt phạt” - P. nhớ lại.
Một số chủ quán nắm được điểm yếu này nên đã tận dụng triệt để công sức của các bạn. “Những lúc quán vắng, mình phải kiêm luôn nhiệm vụ lau chùi nhà cửa rồi bưng bê. Cuối tháng, chủ thường viện mọi lý do để trì hoãn hoặc đưa lương thiếu rồi bắt ăn phở bù mà tụi mình không có cách gì nói lại được” - P. nói như khóc.
Tuy vậy, khan hiếm việc làm cũng là một cơ hội tốt để “thử lửa” ở các bạn trẻ.
“Tôi gọi đó là luật 80/20”- nói theo Renee Ward, sáng lập viên trang web việc làm cho tuổi mới lớn Teens4Hire.org. Sở dĩ Renee nghĩ thế vì ông tin rằng ít việc làm sẽ thúc đẩy các bạn trẻ phải nỗ lực tối đa, tăng hơn nữa tính chuyên nghiệp và sự kiên trì để đạt kết quả tốt nhất.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)