“Dế” quan trọng như người yêu
Hứa Kinh Dương, sinh viên năm hai Khoa báo chí trường ĐH Truyền Thông Trung Quốc tại Bắc Kinh, coi chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ) của mình quan trọng như người yêu vậy.
Cô này luôn mang theo dế xinh bên mình khi đi bất cứ đâu suốt 24 giờ mỗi ngày.
“Tôi phụ thuộc vào nó quá nhiều và không dám tắt nguồn. Nếu điện thoại hết pin thì tôi phải kiếm thứ gì đó để thay thế, miễn sao kết nối được với người khác. Tôi không thể rời xa nó được”, cô sinh viên họ Hứa nói với Global Times.
Hứa Kinh Dương đều đặn thực hiện hàng chục cuộc gọi và gửi đi hàng trăm tin nhắn mỗi ngày, tiêu tốn ít nhất 300 tệ (tức khoảng 900.000 đồng) mỗi tháng.
“Tôi nhắn tin mà không cần phải nhìn bàn phím điện thoại đấy nhé”, Hứa Kinh Dương khoe khi nói về lợi ích của việc sử dụng ĐTDĐ thường xuyên.
Ảnh hưởng đến sức khỏe
Hứa không phải là trường hợp “nghiện” ĐTDĐ cá biệt. Trong một cuộc khảo sát gần đây do trường ĐH Trung Nam (tỉnh Hồ Nam) thực hiện, có khoảng 80% sinh viên của sáu trường ĐH tại tỉnh này mắc phải “triệu chứng lệ thuộc ĐTDĐ”. Trong đó, có 48% là những trường hợp nghiêm trọng.
Khảo sát trên chỉ rõ, "triệu chứng lệ thuộc ĐTDĐ" là cảm giác lo âu mỗi khi không có “dế” bên mình. Và nếu “dế” không đổ chuông thường xuyên thì người sử dụng sẽ cảm thấy rất khó chịu, thậm chí kiểm tra đi kiểm tra lại từng phút.
Một sinh viên năm hai khác, mang họ Lâm, người ở tỉnh Phúc Kiến, khẳng định chiếc ĐTDĐ có vai trò rất lớn trong cuộc sống bản thân.
Cứ vài phút, cô nàng lại ngó vào điện thoại của mình để kiểm tra xem có tin nhắn hay cuộc gọi nhỡ nào hay không. Nếu không có gì thì cô nàng dùng “dế” chơi game để giết thời gian.
"Nỗi ám ảnh” vô hình đó làm cho Lâm luôn tưởng tượng rằng mình nghe thấy tiếng chuông reo hoặc điện thoại rung lên mặc dù nó vẫn “im thin thít”.
“Thi thoảng, trong những tiết học chán ngán, tôi lại lôi điện thoại ra để nhắn tin, “chát” với bạn bè, mặc kệ thầy cô có thấy hay không”, Lâm nói.
Một kết quả điều tra của ĐH Carnegie Mellon của Mỹ mới đây cho thấy, việc sử dụng ĐTDĐ trong khi đang lái ô tô sẽ làm giảm đi 37% mức độ tập trung của người lái, gây mất an toàn.
Đặc biệt, không ít người nghe nhạc bằng điện thoại cầm tay với âm lượng 100 decibel trong khi âm lượng an toàn chỉ ở mức 60 decibel. Và thói quen nghe nhạc lớn như thế là không tốt cho thính giác.
Global Times dẫn lời của các bác sĩ khoa chỉnh hình của bệnh viện Thạch Cảnh Sơn, Bắc Kinh cho biết: việc nhắn tin quá nhiều sẽ gây đau nhức, tê buốt và sưng tấy cơ ngón tay cái lẫn cổ tay.
Các bác sĩ trên cho biết đã từng điều trị cho nhiều sinh viên bị đau nhức cổ tay do sử dụng ĐTDĐ quá nhiều, thậm chí đã có trường hợp phải tiến hành phẫu thuật cổ tay.
“Sinh viên ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào chiếc điện thoại cầm tay là do nó quá phổ biến. ĐTDĐ chỉ là một công cụ, nó sẽ không đủ ảnh hưởng để dẫn đến các vấn đề về tâm lý”, Giám đốc Trung tâm tư vấn và giáo dục sức khỏe tâm lý của trường ĐH Nhân dân Trung Quốc nói với Global Times.
Trí Quang
Bình luận (0)