Thanh Niên Online đã gặp gỡ các chuyên gia về game cũng như thị trường lao động để lắng nghe những phân tích sâu về những khó khăn, thử thách lẫn thuận lợi của ngành game Việt hiện nay để tiếp tục chia sẻ đến bạn đọc các ý kiến xung quanh chủ đề "Giới trẻ Việt viết game, làm giàu: Tại sao không?"
Kỳ 2 - Game Việt cần gì để đột phá như Flappy bird?
Flappy bird là cú hích, không phải hình mẫu “ăn theo”
Cho nên, theo ông Hiếu, sau sự kiện này sẽ có rất nhiều nhóm game đi theo con đường của Nguyễn Hà Đông, nhưng để thành công, sẽ cực kỳ khó. Lý do, các nhóm làm game trong nước mà ông Hiếu gặp, kể cả những nhóm bạn làm game chơi thân với Nguyễn Hà Đông, đều đang thiếu nhiều thứ, gồm định hướng và cơ sở, nguồn lực để sản xuất ra game hay.
“Về đồ họa, thiết kế, giao diện và cách chơi của Flappy bird không khó nhưng lại thành công. Ngay cả thế giới cũng chưa lý giải ngọn ngành được về hiện tượng này. Trước nay thế giới chỉ có mỗi con chim bay lên bay xuống nên mới nổi đình nổi đám như vậy”, ông Hiếu nói.
Ông Lương Công Hiếu
Theo ông Hiếu, từ xưa đến nay thế giới đã có một quy chuẩn chung về đồ họa, kỹ thuật… để sản xuất ra một game hay. Tuy nhiên, lần này Flappy Bird là một game đi ngược với những tiêu chí và lại thành công vang dội. Đó là điều cần phải lý giải.
“Cho nên sau Flappy bird, người làm game trong nước không thể lấy hình mẫu đó để áp dụng vì làm sẽ khó thành công”, ông Hiếu lưu ý.
Người điều hành Vivoo khẳng định hiện tượng Flappy Bird sẽ như cú hích về mặt tinh thần đối với dân làm game trong nước chứ không thể đại diện về mặt khoa học hay hình mẫu để dân làm game đi theo.
“Sau Flappy bird, ở Việt Nam cần phải có một game thành công tương tự như thế nữa mới đủ sức lôi kéo dân trong nghề và giúp bạn trẻ mê nghề làm game làm giàu, chứ còn sau đó không ai làm được gì thì mọi việc sẽ bị chìm xuống thôi. Nhưng rõ ràng thành công của Đông khiến mọi người tự tin hơn”, ông Hiếu nói.
Nên thiết kế giản đơn
Ông Phan Mạnh Hà, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giải trí VGG - đơn vị đang sở hữu cổng game CHOI.VN cùng những game online như Tiếu ngạo giang hồ 3D, Rambo lùn, Đấu phá thương khung - cho hay thành công của Nguyễn Hà Đông chứng tỏ cái gì đơn giản sẽ dễ đi vào lòng người nhất.
Ông Phan Mạnh Hà
Hiện nay, giới làm game trong nước học theo những nước có ngành game phát triển đó là sản xuất những game cao siêu, phức tạp thì Nguyễn Hà Đông lại nghiên cứu, làm những game có số đông người dùng.
“Bây giờ ở thị trường có hàng ngàn game ra đời đòi hỏi não bộ con người thích nghi với trò chơi ấy thì game của Đông không bắt người chơi suy nghĩ về công thức. Điều đáng nói là tệp người dùng như vậy lại rất đông. Kể cả người Tây hay Việt Nam, cái giản đơn nhất lại dễ chinh phục người chơi nhất. Các bạn trẻ đi theo con đường viết game nên lưu ý chi tiết đó”, ông Hà phân tích.
Tài năng như Nguyễn Hà Đông ở Việt Nam rất nhiều Từ thành công của Flappy Bird, theo ông Hà, là bài học cho giới trẻ làm game ở Việt Nam cũng như hồi chuông cảnh tỉnh đối với nhà làm game Việt Nam, tức là lo đi tìm những thứ cao siêu mà bỏ qua đi những điều giản đơn. Nhân tài làm game như Nguyễn Hà Đông vẫn còn rất nhiều ở Việt Nam. |
Ông Hà cho hay trò chơi Flappy bird cũng tương tự như môn golf thể hiện sự chinh phục bản thân. Mỗi lần đánh bóng vào một lỗ là được tăng điểm, từ đó giúp người chơi chiến thắng chính bản thân mình một cách rất đơn giản.
Ông Hà tiết lộ: “Tôi cũng biết sơ qua về Đông. Trước đây Đông cũng có mở studio ở Sài Gòn. Cái mốc của Đông có thể không có tài chính nhiều và cộng sự. Do đó hướng của Đông là viết những game thật đơn giản nhưng có tính giải trí rất cao”.
“Cần nhất là chính sách phát triển ngành công nghiệp này để thúc đẩy ngành game, sánh ngang với các cường quốc về game như Hàn Quốc, Trung Quốc. Đặc biệt Trung Quốc đầu tư 8 tỉ USD ở Bắc Kinh một năm cho ra 550 ngàn lập trình viên đồ họa”, ông Hà nói.
Về nhã ý “trải thảm đỏ” mời Nguyễn Hà Đông về VGG, ông Hà cho hay nhiều người sẽ hiểu là mời Đông về làm nhân viên với mức lương rất cao. Tuy nhiên, trải thảm đỏ ở đây là việc VGG rất vui mừng khi được hợp tác với tác giả của Flappy Birdđể đưa thương hiệu VGG cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á.
Game trên di động tăng trưởng nhanh nhất Theo một báo cáo mới được phát hành từ công ty nghiên cứu Gartner Inc, tổng doanh thu ngành công nghiệp game trên toàn thế giới năm 2013 đạt 93 tỉ USD (khoảng hơn 1,8 triệu ngàn tỉ đồng), tăng từ 79 tỉ USD trong năm 2012. Thị trường game mobile đại diện cho phân khúc phát triển nhanh nhất của toàn ngành trong năm 2013. Doanh thu trong lĩnh vực này đạt 13,2 tỉ USD trong năm 2013 và dự kiến tăng lên mức 22 tỉ USD vào năm 2015. |
Bình luận (0)