152 khách Việt 'biến mất': Người Việt ở Đài Loan nói gì?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
26/12/2018 15:45 GMT+7

Vụ việc 152 khách Việt 'biến mất' ở Đài Loan đang xôn xao trong cộng đồng người Việt Nam tại Đài Loan. Nhiều người đang lo ngại sẽ khó xin visa trong thời gian tới.

Nhiều người Việt Nam đang định cư tại Đài Loan cho biết từ trước đến nay có nhiều vụ lẻ tẻ, số người Việt bỏ trốn ở xứ Đài ít, đây là lần đầu tiên có tới 152 người Việt bỗng dưng “mất tích” cùng lúc.

[VIDEO] Vụ 152 khách du lịch "biến mất" ở Đài Loan: Công ty du lịch vẫn làm visa quan hồng cho khách bình thường
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên trưa nay, 26.12, chị Hồ Thị Ánh Nguyệt, 41 tuổi, phiên dịch tư pháp của Tòa án tối cao Đài Loan và tòa án địa phương, cho hay mới đây chị cùng cơ quan chức năng tại Đài Loan tham gia giải quyết một vụ, một cô gái và bạn trai người Việt đi qua Đài Loan, vào sân bay Cao Hùng, trước đó họ đã “móc ngoặc” với một bên nên đã có người tới tận sân bay đón, họ đưa thẳng cô gái lên Đào Viên làm việc.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thu Hằng, giáo viên dạy tiếng Việt tại Trung tâm Tựu Đế và Trường ĐH Đông Ngô (Đài Loan), cho biết chị đã biết nhiều vụ việc, du khách hoặc người lao động xuất khẩu bỏ trốn ở Đài Loan.
 

“Con sâu làm rầu nồi canh”

 
“Chúng tôi rất buồn trước thực trạng người Việt bỗng dưng 'biến mất'' ở Đài Loan gia tăng như thế này. Uy tín của người Việt Nam đang làm ăn chân chính, lương thiện tại Đài Loan bị ảnh hưởng rất nhiều. Từ hôm qua đến nay khi tôi đi làm việc, nhiều người hỏi về vụ 152 người Việt “biến mất”. Họ cũng hỏi tôi, sau này Đại sứ quán Việt Nam tại Đài Loan sẽ có biện pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này không”, chị Hồ Thị Ánh Nguyệt, nói.
Đài Loan là điểm đến yêu thích của nhiều du khách N.N.C
Chị Nguyễn Thu Hằng chia sẻ: “Tôi làm video trên kênh YouTube, nói lên những khó khăn của người Việt, mong người Đài hiểu thêm về người Việt… Nhưng thật sự, nhiều khi bị người ta hỏi vặn lại, tôi không biết trả lời sao. Họ hỏi tôi là vì sao người Việt Nam sang đây hay bỏ trốn, tỷ lệ ly hôn cao… Hiện nay, chính quyền Đài Loan có chính sách hướng Nam, người Việt có nhiều cơ hội hơn để sang Đài Loan, tuy nhiên, nếu 'những con sâu' này cứ tiếp tục, uy tín người Việt sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều”.
Chị Hằng cũng cho hay: “Tới đây, chắc chắn việc xin visa cho người thân sang Đài Loan thăm con cháu, hoặc các bạn trẻ Việt Nam muốn sang Đài du học sẽ khó khăn. Điều này cũng ảnh hưởng lớn tới cộng đồng người Việt tại Đài Loan”.

Người trẻ mất cơ hội trải nghiệm?

Anh Nguyễn Sơn Tùng, 26 tuổi, du học sinh ngành sáng tạo tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản, chia sẻ: "Trước đây thì tôi an tâm là có visa Nhật Bản, sang Đài Loan sẽ dễ dàng, nhưng bây giờ thì có thể khó rồi đây. Sắp tới không biết còn được xách ba lô sang Đài chụp ảnh, ăn uống, khám phá vùng đất các kiểu như trước đây nữa không".
Chị Trần Ngọc An, 28 tuổi, nhân viên văn phòng, làm việc trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường 6, quận 3, TP.HCM, thở dài: "Tôi có kế hoạch tết nguyên đán này sẽ đưa cả nhà đi du lịch Đài Loan nhưng tình hình này thì rất khó xin visa rồi. Ấp ủ đi Đài đã lâu, nhưng bây giờ xảy ra vụ này thì buồn rồi".
Theo chị Hồ Thị Ánh Nguyệt, chế tài hiện nay khi người Việt bỏ trốn qua Đài Loan chỉ là trục xuất về nước, không cho phép sang Đài trong một khoảng thời gian, như thế quá nhẹ: “Tôi cho rằng phía Việt Nam phải đề ra một số tiền đặt cọc lớn, nếu ai bỏ trốn thì sẽ bị mất số tiền đó, có như vậy mới hy vọng sẽ hạn chế xảy ra những sự việc như trên”.
Hướng dẫn viên của công ty du lịch bị ảnh hưởng như thế nào nếu trong đoàn có khách bỏ trốn?
Anh N.N.C, hướng dẫn viên du lịch chuyên dẫn đoàn tới Thái Lan, Đài Loan của công ty lữ hành X. (đề nghị được giấu tên), cho biết cá nhân anh chưa từng rơi vào hoàn cảnh khách trong đoàn mà mình dẫn, bỏ trốn ở nước ngoài.
Tuy nhiên, hiện tại chính các hướng dẫn viên như các anh đang bị ảnh hưởng khi visa tới Đài Loan đang bị dừng cung cấp, thời điểm này không được dẫn tour qua Đài Loan.
“Nếu công ty lữ hành có khách bỏ trốn, ngoài việc phải nộp phạt theo quy định, mức phạt này khá cao, công ty sẽ bị điều tra, uy tín công ty bị ảnh hưởng lớn, trong trường hợp xấu sẽ không được phép tổ chức các tour đi nước ngoài nữa, nặng hơn nữa có thể cấm hoạt động kinh doanh. Hướng dẫn viên đi trong đoàn này cũng bị liên lụy khi mà sau này sẽ khó có công ty khác dám gọi, vì e ngại, mất uy tín…”, anh N.N.C cho biết.
Theo tờ Ettoday (Đài Loan) ngày 25.12, bà Trịnh Anh Huệ - Trưởng cơ quan Du lịch Đài Loan, cho biết trước đây cũng có chuyện khách du lịch bỏ trốn khi sang Đài Loan, nhưng trường hợp 152 du khách Việt đồng loạt 'biến mất' lần này là vụ “lớn nhất” trong lịch sử du lịch Đài Loan. Vì vậy, cơ quan du lịch Đài Loan đã lập tức cho hủy tư cách cấp visa du lịch đoàn cho Việt Nam theo chính sách ưu đãi từng công bố năm 2015.
Trước đó, ngày 25.12, Cục Du lịch Đài Loan đã xác nhận đoàn khách du lịch Việt Nam gồm 153 người đã “biến mất" 152 người sau khi nhập cảnh tại sân bay Cao Hùng vào ngày 21.12 và 23.12.
Lệ Chi
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.