3 anh em mang phở, bún chả Việt Nam sang đất Nhật

Thúy Hằng
Thúy Hằng
27/12/2018 16:05 GMT+7

'Chúng tôi muốn người đi xa có thể vơi bớt nỗi nhớ quê nhà từ tô phở họ ăn, đĩa bún chả mà họ ngửi thấy đúng là mùi, vị của Việt Nam', anh Bằng bộc bạch.

Từ một thanh niên lao động xuất khẩu tại Hàn Quốc, nhận thấy nếu làm chân tay suốt đời mà không vận dụng trí óc thì không bao giờ có tương lai, Trần Văn Bằng sang Nhật Bản học tiếng, từ đây, giấc mơ quán ăn Việt Nam đã thành hiện thực.
Cộng đồng người Việt Nam tại thủ đô Tokyo thời gian qua không còn xa lạ với Anh Em Quán Shinookubo của 3 anh em ruột là Trần Văn Bằng, Trần Văn Bách và Trần Thị Liễu. Sinh ra và lớn lên ở thôn Nam Viên, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, Bắc Ninh trong gia đình bố mẹ làm nông nghiệp, 3 anh em thấu hiểu những vất vả của mẹ cha, họ sớm tự lập trưởng thành và tự gầy dựng tương lai cho chính mình.

Thỏa nỗi nhớ Việt Nam

Anh Trần Văn Bằng kể lại: “Khoảng từ năm 2008 tới năm 2013, tôi làm việc tại Hàn Quốc theo diện xuất khẩu lao động, trải qua 5 năm lao động chân tay tôi mới hiểu ra rằng, nếu chỉ đơn giản lao động bằng chân tay mà không có trí óc thì mình dừng lao động lúc nào là khó khăn lúc ấy, tôi thấy mình nhất định phải học một nghề nào đó làm nghiệp cho mình. Tháng 10.2014 tôi bước chân sang Nhật Bản du học, tôi luôn mong sẽ giao tiếp tiếng Nhật thật tốt để có thể làm việc tại Nhật…”.
Bún đậu mắm tôm... Q.Ba
Bún chả Việt Nam... Q.Ba
Chả nem (giò) Việt Nam Q.Ba
Khách hàng check-in vui vẻ ở quán trong niềm vui Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 vừa qua Q.Ba
1 năm 6 tháng học trường tiếng của Nhật Bản, ngoài giờ đi học, anh Bằng đi làm thêm một tuần 4 buổi tại quán ăn và công ty, còn lại anh đi gặp gỡ anh em, người thân và làm quen với những người bạn Nhật để có thể được nói chuyện nhiều hơn, giao tiếp, học hỏi về tiếng nhiều hơn.
Tháng 3.2016, người chị họ người Việt đang kinh doanh quán ăn ở Tokyo chuyển nhượng lại quán, 3 anh em anh Bằng mua lại và bắt đầu công việc kinh doanh của mình. Họ có 2 người bạn Nhật luôn sát cánh, ủng hộ nhiều mặt.
Những ngày tháng đầu tiên, Anh Em Quán Shinookubo chỉ là quán ăn rất nhỏ, bán thử một số món ăn Việt Nam như phở bò, bún đậu mắm tôm, bún chả Hà Nội… để bà con xa quê hương có thể tìm đúng hương vị họ từng ăn ở quê nhà. Dần dần, khách hàng đông lên, 3 anh em nhà anh Bằng mới tiếp tục mở rộng quán, làm thực đơn đa dạng hơn với các món ăn truyền thống Việt Nam như chả nem (chả giò), rau muống xào tỏi, bún cá cay Hải Phòng, bún bò Huế, phở gan cháy Đáp Cầu (Bắc Ninh), lẩu Việt Nam…
Hai vợ chồng anh Trần Văn Bằng Q.Ba
Những ngày tết đến xuân về, 3 anh em trang trí quán với cây hoa đào, câu đối đỏ và nói với đầu bếp cùng chế biến các món ăn cổ truyền như bánh chưng xanh, giò lụa, thịt gà… để khách Việt xa xứ có thể thưởng thức.
Anh Bằng nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp: “Những khó khăn không ngừng thử thách chúng tôi. Ban đầu, 3 anh em đều chưa có kinh nghiệm kinh doanh tại Nhật, tiếng Nhật chưa tốt, nguồn khách không ổn định. Để có vốn làm ăn, ngoài huy động hết những khoản giành dụm được sau các năm lao động xuất khẩu, tiền tiết kiệm của 3 anh em, chúng tôi vay mượn của họ hàng ở Việt Nam".
Cũng theo anh Bằng, để tạo sự khác biệt, quán quyết định mở cửa bán hàng 24/24, chú trọng đến hương vị món ăn, luôn tận tình, thân thiện với khách hàng... Sau 6 tháng, quán bắt đầu kinh doanh ổn định, cả ba anh em đều mừng rơi nước mắt.

Học hỏi không ngừng

Không bằng lòng với những kiến thức mà mình có, để quản lý quán ăn được tốt hơn, tháng 4.2016, anh Bằng đăng ký học thêm ở trường chuyên về quản trị kinh doanh tại Tokyo. Chương trình học kéo dài tới tháng 3.2018, nhưng trong suốt thời gian này, anh Bằng vẫn vừa học, vừa làm việc ở quán để thực hành những gì học được vào thực tế. Trong khi đó, 2 người em của anh Bằng là Trần Văn Bách và Trần Thị Liễu đang là sinh viên tại Tokyo, cũng tranh thủ ngoài thời gian học là đến quán để phụ anh.
Hạ cái “tôi” của mình xuống, hết sức khiêm tốn, anh Bằng tìm đến những quán ăn của Nhật để học hỏi phương thức kinh doanh để có thể phục vụ thêm cả khách bản địa. Từ đây, anh hiểu hơn về thị hiếu, khẩu vị của khách hàng Nhật Bản, bổ sung thêm thực đơn cho phong phú, tìm kiếm nguồn nguyên liệu tươi ngon…
Đến nay, quán của 3 anh em nhà anh Bằng đã có thêm chi nhánh tại Tokyo Takadanobaba, sắp tới họ muốn mở thêm chi nhánh để có thể phục vụ khách hàng các dịch vụ như uống cà phê xem bóng đá.
Theo anh Bằng, người Việt Nam tại Nhật rất mê bóng đá. Những dịp đội tuyển Việt Nam thi đấu như tại AFF cup 2018 vừa qua, bà con người Việt đều tập trung rất đông ở quán và cùng hò reo, chúc mừng thầy trò ông Park Hang-seo đoạt cúp, đó là những khoảnh khắc mà các anh em trong quán không thể nào quên…
“Cha mẹ chúng tôi hiện vẫn sống ở Bắc Ninh, 3 anh em dù làm gì, học gì vẫn luôn mong cha mẹ khỏe mạnh, yên tâm và tự hào về 3 anh em”, anh Bằng bộc bạch.
"Cảm nhận đầu tiên khi bước tới quán là không gian quán được bài trí theo phong cách rất Việt Nam. Cảm giác xa nhà lâu ngày được trở về không gian quen thuộc là thấy thèm ngay những món ăn quê hương. Người Nhật có câu “ăn bằng mắt, ngửi bằng tai” là bởi vì họ rất coi trọng không gian ẩm thực, những lời chào đón vài cung cách tiếp xúc khách hàng. Những món ăn tại Anh Em Quán thực sự đã thuyết phục được tôi bằng những nguyên liệu chính hiệu “made in Việt Nam”, cách chế biến rất hợp khẩu vị của tôi. Điều làm tôi hài lòng hơn nữa đó là giá cả rất hợp lý so với những nhà hàng món ăn Việt Nam khác tại Nhật mà tôi đã từng tới ăn trong nhiều năm qua", anh Đỗ Quang Ba, nhà sáng lập Công ty hợp tác y tế Việt Nam - Nhật Bản (VJIIC), Chủ tịch Hiệp hội bóng đá người Việt Nam tại Nhật Bản.
"Tự hào khi chứng kiến người Việt Nam mạnh mẽ, kiên cường và khởi nghiệp thành công trên đất Nhật. Không chỉ là nơi cộng đồng người Việt tìm thấy những món ăn ngon, vơi nỗi nhớ quê được chế biến bởi những đầu bếp Việt Nam, tôi biết quán ăn của 3 anh em Trần Văn Bằng đã tạo nhiều việc làm thêm cho các bạn du học sinh người Việt đang học tập trên đất Nhật”, anh Phạm Quang Huy, chủ quán Heochan Tokyo, nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.