Bấp bênh cuộc sống của hướng dẫn viên du lịch trong đại dịch Covid-19

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
01/07/2021 16:52 GMT+7

Sống trong cảnh bấp bênh do việc ít, thất nghiệp vì dịch Covid-19 , nhiều hướng dẫn viên du lịch phải chuyển sang các công việc tạm thời như chạy xe ôm công nghệ, làm shipper bán bảo hiểm, tư vấn bất động sản ...

Không thu nhập, cuộc sống bấp bênh

Lê Trần Vĩnh (31 tuổi, ngụ đường Lê Tấn Bê, Q. Bình Tân, TP.HCM) là một hướng dẫn viên du lịch tự do ở mảng outbound (dẫn khách Việt đi du lịch nước ngoài). Khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, mỗi tháng Vĩnh đi ít nhất 4 tour kéo dài trong khoảng 15-20 ngày, dẫn khách Việt tới chủ yếu các nước: Hàn, Nhật, Trung Quốc... 
Tuy nhiên, khi dịch bùng phát kể từ đầu năm 2020 đến nay, hoạt động của các công ty du lịch đóng băng khiến Vĩnh cùng hàng ngàn đồng nghiệp rơi vào trạng thái thất nghiệp.
"Tôi là hướng dẫn viên tự do nên không có lương cố định, nguồn thu nhập dựa hoàn toàn vào các tour hợp đồng với công ty. Nay dịch như vậy, nhiều tháng qua mình không có thu nhập. Mình sống dựa vào số tiền tiết kiệm trước đó, nên nếu dịch còn kéo dài thì vô cùng khó khăn", Vĩnh chia sẻ.

Lê Trần Vĩnh lâu rồi không đi tour

T.V

Vĩnh nói thêm: "Du lịch là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề, song cơ quan chủ quản là Sở Du lịch cũng chưa có bất cứ đề xuất hỗ trợ nào đối với những người làm nghề đang chịu cảnh bấp bênh như thế này. Chẳng hạn, một khoản kinh phí nhỏ để động viên hoặc giúp đỡ chuyển đổi công việc. Ở những lĩnh vực khác, các bạn cũng còn được doanh nghiệp, cơ quan quản lý hỗ trợ".
Cũng là hướng dẫn viên mảng nội địa và outbound, Đặng Chí Hào (36 tuổi, ngụ đường Khuông Việt, Q.Tân Phú, TP.HCM) cảm thấy mờ mịt khi nhắc đến công việc của mình trong thời điểm hiện tại và sắp tới.
Hào kể: "Trước đây, tôi có thu nhập cũng khá ổn định vì mỗi tháng đều có việc. Tháng nhiều thì tôi kiếm được 18-20 triệu đồng, tháng ít là khoảng 6-7 triệu. Trong hai năm nay không còn đi tour, cuộc sống của tôi rất bấp bênh".

Trường Anh trong một chuyến đi

Đ.C

Trong khi đó, Đoàn Chuẩn Võ Trường An, hướng dẫn viên outbound thuộc công ty OAT (Overseas Advandture Travel, Lầu 2, 58/22 Nguyễn Bỉnh Khiêm Q.1, TP.HCM) - chuyên đi tour Mỹ, cũng đang phải gồng mình với những khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
"Tour cuối cùng của tôi là vào tháng 3.2020. Từ đó đến nay, tôi không còn đi tour nào nữa. Tôi cũng có thể chuyển sang hướng dẫn nội địa để có thêm chút thu nhập nhưng cũng không muốn cạnh tranh với anh em đồng nghiệp trong mảng này, chưa kể anh em hướng dẫn nội địa cũng đang gặp khó khăn do dịch bùng phát", An chia sẻ
Một đại diện của Công ty du lịch Travel On (168 Nguyễn Oanh, Q.Gò Vấp, TP.HCM) nhìn nhận: "Trong 2 năm nay, không ít công ty du lịch trong nước và quốc tế phá sản, nhiều công ty đang cố gồng mình để tồn tại. Các doanh nghiệp muốn duy trì buộc phải cắt giảm những bộ phận không cần thiết, hoặc những nhân sự, phương tiện có thể thuê được, chẳng hạn hướng dẫn viên, xe... Điều này dẫn đến thực trạng hướng dẫn viên thất nghiệp hàng loạt. Các em không được cơ quan nào hỗ trợ nên thực sự rất khó khăn".

Tìm cách vượt qua khó khăn

Trong lúc tìm cách vượt qua khó khăn, Hào chợt nảy ra ý tưởng quay trở lại với niềm đam mê lập trình game trên điện thoại di động. "Trước khi làm hướng dẫn viên, tôi từng học nghề lập trình tại một trường CĐ nhưng chỉ vì hoàn cảnh đưa đẩy nên chưa thể theo đuổi niềm đam mê này", Hào nói.
Thế là Hào quay lại nghiên cứu, học thêm các kiến thức về lập trình và thử nghiệm viết game. Mới đây, anh vừa hoàn thành và chuẩn bị đưa game Dark Maze (Mê cung tối) lên các kho ứng dụng. Hào hy vọng có thể có thu nhập từ game do chính mình tạo ra. 
Trong khi đó, nhiều bạn bè, đồng nghiệp của Hào phải chuyển sang chạy xe ôm công nghệ, bán bảo hiểm, bất động sản, làm shipper... để có tiền trang trải cuộc sống trong mùa dịch.

Đặng Chí Hào lo lắng không biết khi nào mới hết dịch để tiếp tục công việc

NVCC

Còn anh Đoàn Chuẩn Võ Trường An dùng số tiền tích luỹ được sau nhiều năm làm hướng dẫn viên để mở một quán cà phê nhỏ ở Q.1. Tuy nhiên, trải qua 4 đợt bùng phát dịch, quán phải tạm thời đóng cửa 4 lần và số lượng khách hàng cũng ít đi.
"Lần này, TP.HCM giãn cách xã hội lâu nhất, sẽ gây ảnh hưởng nặng nhất. Tuy nhiên, phương châm thời điểm khó khăn này là cô gắng "thắt lưng buộc bụng". Tôi sẽ mở cử quán cà phê trở lại khi hết thời gian giãn cách. Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, tôi sẽ tiếp tục trở lại với nghề hướng dẫn viên", Trường An nói.
Ngoài ra, nhờ vào kinh nghiệm trong nghề, An còn làm giảng viên thỉnh giảng cho Khoa Du lịch của một trường ĐH. Điều này cũng giúp anh giảm bớt được phần nào khó khăn. 

Trong khủng hoảng có cơ hội

Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Du lịch Sài Gòn, nhìn nhận: “Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã khống chế được dịch Covid-19 và trong thời gian tới khi toàn thể nước ta được tiêm vắc xin thì dịch cũng sẽ sớm bị đẩy lùi. Kinh tế sẽ ổn định và đặc biệt du lịch sẽ "tái xuất", dự đoán là sẽ  tăng trưởng vượt bậc do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao sau thời gian dài giãn cách xã hội”.
Theo thạc sĩ Quỳnh Xuân, những bạn trẻ đam mê ngành du lịch đang theo học hoặc chuẩn bị theo học không nên lo lắng. “Hãy tin tưởng rằng trong  1, 2 năm nữa khi dịch được khống chế hoàn toàn, thì cơ hội việc làm ngành du lịch là vô cùng lớn”, bà Xuân cho hay.
Bên cạnh đó, anh Đoàn Chuẩn Võ Trường An cho rằng trong 2 năm qua, nhiều bạn trẻ làm trong ngành du lịch thất nghiệp đã chuyển đổi sang nghề khác và khi ổn định ở nghề khác rồi thi rất hiếm người quay trở lại vì lo ngại công việc tiếp tục bị bấp bênh. Điều này dẫn đến nguy cơ thiếu nhân lực khi ngành du lịch tái xuất.
Vì thế, Trường An nhìn nhận: "Trong khủng hoảng sẽ luôn có cơ hội. Việc nhiều người bỏ nghề hướng dẫn viên du lịch lại chính là cơ hội cho các bạn trẻ đang học hoặc chuẩn bị học các ngành liên quan đến du lịch".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.