Bé 3 tuổi bị đột quỵ: Tại sao trẻ em cũng bị và phải phòng thế nào?

07/01/2021 13:19 GMT+7

Mới đây, mọi người bàng hoàng sửng sốt khi hay tin bé trai 3 tuổi bị đột quỵ. Phụ huynh bắt đầu lo lắng và không biết tại sao trẻ em cũng bị căn bệnh mà thường chỉ gặp ở người lớn tuổi?

Tối ngày 5.1, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) đã thông tin về trường hợp một bệnh nhi 3 tuổi đã được cứu sống sau 1 tháng nhập viện vì đột quỵ xuất huyết não.

Cụ thể, gần 1 tháng trước, bé trai 3 tuổi (ngụ Vĩnh Long) đang chơi với bạn thì đột ngột bị té xuống sàn, lên cơn co giật và bất tỉnh. Nhập viện Bệnh viện Nhi đồng Thành phố được các bác sĩ (BS) khoa cấp cứu đã làm xét nghiệp và chụp Ctscan sọ não, ghi nhận bé có dấu hiệu xuất huyết dưới nhện rất nhiều. Sau khi được hồi sức ổn định, bé được chụp DSA mạch máu não để tìm nguyên nhân gây đột quỵ. Và không khác những dự đoán ban đầu của BS, kết quả nguyên nhân xuất huyết não chính là bé có túi phình mạch máu não. Vốn dĩ, túi phình mạch máu não là bệnh thường gặp và là một trong những bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở người già, lớn tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, các bệnh lý túi phình mạch máu não ngày càng xuất hiện ở tuổi trẻ hơn và 3 tuổi chính là độ tuổi trẻ nhất mắc bệnh túi phình mạch máu não đã được ghi nhận.

Bé trai 3 tuổi đã khoẻ mạnh lành lặn trở lại sau cơn đột quỵ thót tim (ảnh Bệnh viện Nhi đồng Thành phố)

Bác sĩ Huỳnh Hữu Danh, khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (một trong những bác sĩ trực tiếp cứu chữa cho bệnh nhi 3 tuổi bị đột quỵ xuất huyết não) đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên xung quanh vấn đề trẻ em cũng bị đột quỵ.

Tại sao trẻ em cũng bị đột quỵ?

Thưa bác sĩ, mọi người đang vui mừng khi hay tin bé trai 3 tuổi bị đột quỵ đã được đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện cứu sống. Vậy quá trình cứu sống ngoạn mục này đã diễn ra như thế nào?

Đây là trường hợp bé 3 tuổi đột ngột tự té ngã, co giật, nhập BV tỉnh được chụp Ctscan ghi nhận có xuất huyết não và chuyển lên BV Nhi đồng Thành phố. Do tình trạng nhập viện của bé rất nặng, nên bé được các BS khoa hồi sức điều trị để ổn định, khi tình trạng bé ổn thì mới tiến hành đặt stent để ngăn chặn túi phình vỡ tiếp tục.

Bé được điều trị thành công là nhờ sự nỗ lực của cả ekip bao gồm BS ngoại thần kinh, nội thần kinh, cấp cứu, hồi sức ngoại và các BS bệnh viện khác hội chẩn. Nhưng đặc biệt, yếu tố quyết định sự thành công này là nhờ vào quá trình hồi sức rất ngoạn mục của khoa hồi sức ngoại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Đây có phải là trường hợp trẻ dột quỵ đầu tiên được Bệnh viện cứu sống?

Đây không phải là trường hợp đột quỵ đầu tiên. Năm trước Bệnh viện cũng đã cứu chữa thành công 1 trường hợp đột quỵ do nhồi máu, cũng là 1 bé 3 tuổi.

Vậy 3 tuổi có phải là trường hợp đột quỵ nhỏ nhất?

3 tuổi chưa phải là nhỏ nhất. Vì  đột quỵ có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh, và hiện cũng gặp những trường hợp đột quỵ ở trẻ sơ sinh nhiều.

Thưa bác sĩ, vậy nguyên nhân tại sao trẻ nhỏ cũng bị đột quỵ, căn bệnh mà thường chỉ gặp ở người lớn tuổi?

Trường hợp bệnh nhi 3 tuổi này nói riêng thì nguyên nhân bé bị đột quỵ là xuất huyết não do vỡ túi phình. Còn về nguyên nhân đột quỵ thì đột quỵ có 2 dạng phổ biến, là đột quỵ xuất huyết và đột quỵ nhồi máu, ở trẻ em thì đột quỵ xuất huyết dù hiếm nhưng thường gặp hơn đột quỵ nhồi máu. Và nguyên nhân gây đột quỵ xuất huyết ở trẻ em thường gặp là do vỡ dị dạng mạch máu não hoặc do vỡ túi phình mạch máu não, ngoài ra còn có thể do các bệnh lý rối loạn đông máu.

Cách nào để phòng đột quỵ ở trẻ em?

Đột quỵ ở trẻ em có khác gì so với người lớn và mức độ nguy hiểm đến tính mạng là như thế nào, thưa bác sĩ?

Đột quỵ nguy hiểm hay không thường tùy thuộc vào mức độ nhồi máu hay xuất huyết. Một khi đã ghi nhận có đột quỵ thì được nhận định là bệnh lý rất nặng cho dù là trẻ em hay người lớn.

Đối với những trường hợp đột quỵ xuất huyết não, nếu điều trị không kịp thời, máu chèn ép vào nhu mô não gây tổn thương các trung khu thần kinh ở thân não, nguy cơ dẫn đến tụt não và tử vong. Đa phần phương pháp điều trị đột quỵ xuất huyết não ở trẻ không quá khác biệt so với người lớn, chỉ là đột quỵ ở trẻ em khó nhận biết hơn so với người lớn, dẫn đến chẩn đoán và điều trị trễ.

Bác sĩ Danh (thứ 3 từ trái sang) cùng đội ngũ y bác sĩ đã cứu sống thành công bệnh nhi 3 tuổi bị đột quỵ

NVCC

Vậy dấu hiệu nhận biết đột quỵ ở trẻ em là gì, thưa bác sĩ?

Biểu hiện của đột quỵ khác nhau tùy từng ca bệnh. Có những trường hợp biểu hiện rõ ràng như méo miệng, nói đớ, liệt nửa người thì chẩn đoán sớm không khó khăn. Tuy nhiên rất nhiều trường hợp không có biểu hiện rõ ràng như vậy, mà biểu hiện không đặc hiệu như là ói, đau đầu hoặc lơ mơ, bỏ bú.

Vậy khi phát hiện những dấu hiệu đột quỵ ở trẻ thì phụ huynh cần làm gì?

Do biểu hiện của đột quỵ không hề dễ nhận biết, nên khi trẻ có những dấu hiệu bất thường phụ huynh cần đưa đến cơ sở y tế để khám và điều trị sớm. Và những dấu hiệu bất thường như : đột ngột yếu liệt nửa người, méo miệng, nói đớ... Những triệu chứng khác không đặc hiệu như: bé đừ, nôn ói nhiều lần, đau đầu dữ dội cũng cần đến khám sớm và tìm nguyên nhân để điều trị sớm cho bé. Cho nên lời khuyên tốt nhất vẫn là phụ huynh phải nhận biết được những dấu hiệu bất thường như vậy sớm để kịp thời đưa bé đến cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị.

Đột quỵ ở trẻ khó nhận biết hơn so với người lớn. Vậy bác sĩ có lời khuyên gì cho phụ huynh về cách để phòng chống đột quỵ ở trẻ  em?

Đối với trẻ em, phòng ngừa đôt quỵ hiện đang là một thách thức rất lớn và khó khăn cả trên thế giới, Vì khác với người lớn, các bệnh nhân đột quỵ có các yếu tố nguy cơ như THA, hút thuốc lá, xơ vữa động mạch, béo phì… Thì ở trẻ em , không có các yếu tố nguy cơ này. Như đã nói ở trên, các nguyên nhân đa phần là do bẩm sinh, các dị dạng động tĩnh mạch não hay túi phình mạch máu não đều không có biểu hiện rõ ràng khi chưa vỡ . Chính vì vậy, rất khó phòng ngừa bệnh lý đột quỵ ở trẻ em.

Bên cạnh đó, rất khó phòng ngừa bệnh đột quỵ ở trẻ em, vì những nguyên nhân hay yếu tố nguy cơ gây đột quỵ ở trẻ em chúng ta không thể cải thiện được như người lớn. Ví dụ ở người lớn thì việc thay đổi lối sống, tập thể dục và kiểm soát tốt huyết áp... là những phương pháp giảm nguy cơ đột quỵ ở người lớn. Trong khi ở trẻ em, những nguyên nhân như dị dạng mạch máu não bẩm sinh, túi phình mạch máu não,  chúng ta không thể “thay đổi lối sống” mà cải thiện được. Những yếu tố liên quan đến các nguyên nhân thường do di truyền, khó phòng ngừa và hiện tại trên y văn cũng không ghi nhận cách phòng ngừa từ bụng mẹ.

Cảm ơn bác sĩ về những chia sẻ ý nghĩa xoay quanh căn bệnh đột quỵ ở trẻ em!

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.