Bí thư, Phó Chủ tịch bán hoa kiểng ngày tết Tân Sửu 2021

Tấn Đạt
Tấn Đạt
09/02/2021 09:35 GMT+7

Trong dịp Tết Tân Sửu 2021, nhiều người trẻ làm phó bí thư, chủ tịch đi bán hoa kiểng với mong muốn tăng thu nhập hoặc có thêm nguồn thu để 'nuôi' các hoạt động thiện nguyện hay là một trải nghiệm riêng cho bản thân.

Có thêm trải nghiệm thực tế

21 giờ, dòng người mua hoa bắt đầu thưa thớt, anh Phan Thanh Trẻ, 31 tuổi, Phó Chủ tịch thường trực Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, tỉnh Bến Tre lặng lẽ chất từng chậu hoa vạn thọ, mào gà lên xe và đẩy vào phía trong cất để sáng hôm sau đem ra  tiếp tục bán.

“Chiều mình bán tới tối luôn, còn ban ngày thì đi làm. Nếu công việc nhiều quá thì nhờ bác bảo vệ trông hộ vài tiếng rồi mình chạy ra”, anh Trẻ mở lời.

Đây là năm đầu tiên mà anh Trẻ đi bán hoa kiểng vào dịp Tết Tân Sửu 2021 cùng với hai đồng nghiệp của mình. Với anh Trẻ việc bán hoa kiểng này không chỉ có thêm nguồn thu để “nuôi” các hoạt động thiện nguyện, mà còn là một trải nghiệm riêng cho bản thân.

Anh Trẻ nói: “Mình phụ trách mảng hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp nên có những chuyến trải nghiệm như thế để có thêm kiến thức thực tế. Đây cũng là dịp mình ngồi lại kiểm tra lượng kiến thức chuyên môn của mình nạp vào từ trước đến nay nó đúng hay không”.

Bán được hơn 6 ngày nhưng anh Trẻ vẫn chưa thu được 1/3 vốn bỏ ra

Ảnh: Tấn Đạt

Anh Trẻ đã bán hơn 1.000 chậu hoa cúc, mâm xôi, hà lan, vạn thọ. “Mặc dù đây chỉ là một hình thức lập nghiệp nhỏ nhưng mình cảm nhận được sự khó khăn vô cùng. Vẫn nhớ nhất là cảm xúc ngồi nhìn dòng xe chạy qua mà cứ trông ngóng và toát lên một tia hy vọng rằng khách sẽ dừng lại và mua”, anh Trẻ kể lại. 

Nhờ bán hoa kiểng, anh Trẻ hiểu hơn sự cực nhọc của người người dân trồng hoa

Ảnh: Tấn Đạt

Anh Trẻ còn cho biết tính đến nay là ngày thứ sáu anh Trẻ bán hoa kiểng nhưng chỉ mới lấy được 1/3 của vốn. Nếu bán sớm hết thì nghỉ, không thì kéo dài đến 30 giao thừa.

“Do năm nay bị dịch bệnh Covid-19 nên ai cũng khó khăn. Nếu bán không được thì xem đây là những trải nghiệm mới, để biết được cái cực, cái khổ của những người mua bán như thế nào. Cũng như sự vất vả của người nông dân trồng, mua bán kiểng ra sao”, anh Trẻ bộc bạch.

Cố gắng khơi dậy phong trào

Trong khi đó, tại con đường Hùng Vương, tỉnh Bến Tre, anh Nguyễn Tấn Kha, 34 tuổi, quyền Bí thư huyện Đoàn chợ Lách, tỉnh Bến Tre, cũng đang tỉ mỉ, cẩn trọng chăm sóc từng chậu hoa mai, vạn thọ trong gian hàng của mình.

Anh Tấn Kha cho biết : “Nếu trông chờ vào đồng lương của công việc thì mình không đủ lo cho gia đình nên phải cố gắng trồng, mua bán hoa kiểng thêm để kiếm thêm thu nhập”.

Đã làm công việc kinh doanh hoa kiểng nhiều năm, nhưng với anh Kha, hơn một năm nay việc mua bán hoa kiểng khá bấp bênh vì chịu sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. 

Anh Kha, quyền Bí thư huyện Đoàn Chợ Lách tỉnh Bến Tre, cho hay dù khó khăn nhưng phải cố gắng phát huy phong trào "Đồng Khởi khởi nghiệp" tại quê hương

Ảnh: Tấn Đạt

Anh Tấn Kha còn nói: “Mặc dù có nhiều biến động, khó khăn đối với nghề trồng hoa kiểng trong nhiều năm gần đây nhưng với vai trò là một thủ lĩnh thì mình phải đi đầu và cố gắng khơi dậy phong trào đối với mấy anh em trong cán bộ đoàn cơ sở”.

Đó là phong trào “Đồng Khởi khởi nghiệp” tất cả đoàn viên, thanh niên toàn tỉnh Bến Tre phải hưởng ứng để khởi nghiệp mưu sinh, thoát nghèo…

Anh Kha nói: “Hiện nay nhiều bạn đoàn viên phát huy truyền thống của làng nghề trồng hoa kiểng rất tốt, đã tận dụng được những cái có sẵn ở địa phương để tạo ra nhiều cây giống, bonsai có chất lượng cao, mẫu mã đẹp…Từ đó thu nhập cũng cải thiện nhiều. Hiện nay mình và một số bạn lành nghề đã lập nhóm khởi nghiệp hỗ trợ cho các bạn khác nữa”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.