Bỗng dưng con mình trở nên quá chướng, phải làm sao?

Lê Thanh
Lê Thanh
24/11/2020 20:23 GMT+7

Nhiều phụ phuynh có con ở độ tuổi từ 13-14 (đang học lớp 7, 8) than phiền rất khó dạy bảo vì không hiểu sao bỗng dưng con mình trở nên quá chướng.

“Có cảm giác hình như con chọc tức mình”

Chị Trần Thị Thúy, ngụ tại hẻm 117 Điện Biên Phủ, P.15, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), chia sẻ: “Con gái mình từ khi học lớp 1 đến lớp 6 rất ngoan. Tuy nhiên, kể từ khi lên lớp 7 bỗng dưng con bé có quá nhiều thay đổi”.
Chị Thúy cho biết: “Nếu như trước đây mình nói gì bé cũng vâng lời, cho dù những chuyện mình áp đặt bé không thích thì cũng không dám cãi lại, nhưng bây giờ thì khác, đó là bé thường xuyên chống đối lại mình”.
Chi Thúy chia sẻ thêm: “Có những chuyện trước đây mình thấy rất bình thường nhưng bây giờ đã trở nên bất thường. Chẳng hạn, trước đây mình ra vô phòng của con gái rất bình thường thì bây giờ mỗi lần mình vô phòng con bé nói 'lần sau trước khi vô phòng mẹ phải gõ cửa'".

Nhiều phụ huynh than phiền, nói một đằng nhưng con làm theo một nẻo

Shutterstock

Tương tự, bạn của chị Thúy là chị Nguyễn Thị Phương Mỹ, ngụ tại hẻm 68 Nguyễn Văn Lạc, P.19, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cũng than phiền: “Không hiểu sao kể từ khi con bé vào học lớp 8 nó trở nên “cứng đầu” như thế. Có khi mình nói một đằng thì bé làm một nẻo, cụ thể là một hôm khi đi học về mình nói con tắm rửa rồi ăn uống thì nó kêu đang mệt. Mình nói vậy mệt thì con nằm nghỉ chút đi cho khỏe nhưng con bé lên phòng không chịu nằm nghỉ mà mở nhạc sôi động lên tập nhảy tưng bừng”.
Chị Mỹ nói: “Đặc biệt, dạo này mình nói ra điều gì con bé cũng tìm cách để nói lại. Nhiều khi mình có cảm giác hình như con bé đang cố tình làm trái ý để chọc tức mình hay sao”. 
Câu chuyện về con cái bỗng dưng trở nên chướng ở lứa tuổi dậy thì như thế không phải là trường hợp cá biệt. Vậy vì sao lại có tình trạng như thế?

Hãy vừa là cha mẹ vừa là bạn của con

Theo thạc sĩ Phạm Thanh Tuấn, chuyên viên tham vấn tâm lý học đường Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, có thể khẳng định ở độ tuổi này, các con của bạn bước vào giai đoạn của tuổi dậy thì và do chuyển đổi môi trường học tập, từ đó nhu cầu khẳng định bản thân ngày càng được biểu hiện rõ rệt. “Khi tâm sinh lý các con vào giai đoạn phát triển, lúc đó các con cho rằng mình là người lớn, và muốn khẳng định bản thân theo cách riêng của các con. Đơn giản, muốn chứng tỏ với ba mẹ là con lớn hơn trước không cần cha mẹ phải quan tâm như một đứa trẻ, hay muốn chứng tỏ với bạn bè, đặc biệt là bạn khác giới về khả năng của mình”.
Thạc sĩ Phạm Thanh Tuấn nói: “Giai đoạn này, dù các con chưa có khả năng nhận thức hoàn toàn chính chắn, nhưng vẫn thích người khác, ba mẹ tôn trọng ý kiến của mình như một thành viên trưởng thành thực thụ. Ở lứa tuổi này, con cái muốn có không gian riêng hơn thay vì ba mẹ cứ quan tâm như một đứa trẻ, nên thường các hành động quan tâm của cha mẹ làm cho các con cảm thấy mình bị kiểm soát, không tự do. Các ý kiến của các con thường bị cha mẹ phản bác kiểu như “còn nhỏ, biết gì mà nói” chẳng hạn, điều này sẽ làm trổi dậy khả năng phản kháng của các con bằng các biểu hiện không hài lòng...

Trẻ giai đoạn này muốn thể hiện cái tôi của mình

Shutterstock

“Các bậc cha mẹ cần đóng vai trò vừa là cha mẹ vừa là bạn của con. Hãy là phụ huynh vừa tâm lý, vừa nghiêm khắc và là người bạn để con cái có thể giải bày tâm sự. Cha mẹ hãy lắng nghe con cái và chia sẻ nhiều hơn là áp đặt con trẻ, bởi lẽ khi áp đặt các con sẽ phản kháng nhiều hơn do tâm lý khi các con không được sự tôn trọng”. 

Tránh xử phạt bằng hình thức đòn roi hoặc la mắng nặng nề

Còn theo thạc sĩ công tác xã hội Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Tương Lai (TP.HCM), tuổi dậy thì thường bắt đầu từ 12-13 tuổi và chấm dứt vào khoảng 18 tuổi. Ở giai đoạn này, trẻ thường có nhu cầu tìm hiểu, học hỏi về đời sống tình cảm của người khác phái. Tính nết của đứa trẻ cũng thay đổi đi đôi với sự phát triển của cơ thể. Lúc này, trẻ em luôn có ý muốn tách rời khỏi cha mẹ, có tính độc lập hơn trong những quyết định của mình.

Tìm cách để trò chuyện với con chứ không nên la mắng

Shutterstock

Thạc sĩ Minh Hải cho biết: “Trong giai đoạn dậy thì, ngang bướng, chướng và nổi loạn của thanh thiếu niên là chuyện bình thường. Cho nên, phụ huynh cần phải học hỏi, tìm hiểu về quá trình phát triển tâm sinh lý của con em mình trong giai đoạn đang dậy thì. Trong giai đoạn này, khi con làm sai thì phụ huynh nên gặp riêng con để trao đổi, nói chuyện, không nên la mắng con trước mặt mọi người. Bởi vì la mắng con trước mặt mọi người sẽ làm con tự ái, con sẽ nghĩ rằng mình không tôn trọng nên dễ chống đối lại”.
Thạc sĩ Minh Hải khuyên: “Chạ mẹ cần tôn trọng không gian riêng tư của các em như phòng riêng, nơi học tập riêng hoặc tập vỡ, nhật ký, điện thoại…”.
Cũng theo thạc sĩ Minh Hải, cha mẹ cũng nên cùng trẻ xây dựng những quy tắc ứng xử trong gia đình. Ví dụ thống nhất giờ ăn, giờ chơi, giờ ngủ nghỉ, giờ học tập… Nếu cha mẹ, con cái vi phạm thì biện pháp chế tài như thế nào? Tránh xử phạt bằng hình thức đòn roi hoặc la mắng nặng nề. “Cha mẹ nên dạy trẻ cách nhận trách nhiệm và rút kinh nghiệm nếu trẻ gặp thất bại trong công việc, học tập hay chơi thể thao. Không nên đổ thừa cho người khác hoặc đổ thừa hoàn cảnh. Cha mẹ nên cho trẻ tham gia hoạt động tình nguyện, hoạt động cộng đồng và học thêm các lớp kỹ năng sống, kỹ năng mềm để trẻ phát triển trí tuệ cảm xúc và kỹ năng xã hội. Từ đó giúp trẻ biết cách hợp tác, thông cảm với người khác hơn...”., thạc sĩ Hải nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.