Phóng viên Báo Thanh Niên đã kết nối với những thủ khoa trong kỳ thi Đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức cũng như kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, để các bạn chia sẻ về cách học của mình. Từ đây, các em học sinh đang chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có thể tham khảo.
Tập trung cao độ lúc sửa đề thi để học từ những lỗi sai
Về cách học môn toán, Nguyễn Phú Nghĩa, sinh viên của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, thủ khoa kỳ thi Đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2019, khuyên: “Các em phải tự học thật nhiều, có thể tìm hiểu thêm từ internet. Thêm một lưu ý nữa là các em phải giải nhiều đề (tham khảo các đề thi thử có rất nhiều trên mạng) và dành thời gian sửa đề để rút được nhiều kinh nghiệm làm bài”.
|
Còn về hai môn lý, hóa thì theo Nghĩa các em học sinh nên đầu tư thời gian đọc kỹ sách giáo khoa để nắm chắc phần lý thuyết (khoảng 20 câu đầu) và cần làm nhiều đề tham khảo để nắm kỹ công thức làm bài.
“Do khối lượng công thức của môn lý nhiều nên cách học của mình là viết các công thức học được sau mỗi đề lên bìa của cuốn đề để nhớ. Nghe có vẻ khôi hài nhưng nó thật sự giúp ích rất nhiều cho mình trong các kỳ thi. Cách học hai môn lý, hóa của mình cũng giống học môn toán thôi, nghĩa là làm nhiều đề và tập trung cao độ cho lúc sửa đề, để học từ những lỗi sai”.
Sử dụng máy tính thật nhanh
Trần Đức Lương, thủ khoa đầu vào Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM năm 2019, với tổng số điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 là 27,65 (toán 9,8 điểm; vật lý 8,25 điểm; tiếng Anh 9,6 điểm), chia sẻ: “Các em phải biết mục tiêu và xác định năng lực của bản thân. Tức là ở mỗi môn học, mình sẽ xác định được số câu cần phải làm được và số câu nằm ngoài khả năng để có thể điều chỉnh cách học”.
|
Ở môn toán, Lương nói: “Giả sử các em có mục tiêu 8 điểm, bản thân phải tự đưa ra yêu cầu cho mình là phải làm được 40/50 câu trong đề thi. Bởi vì đề thi sẽ sắp xếp các câu hỏi theo mức độ khó tăng dần nên trước khi tính đến chuyện làm những câu khó ở mức độ vận dụng cao thì các em phải làm chắc ở phần vận dụng trở xuống, tức là từ câu 1 đến câu 40 các em phải làm ổn nhất có thể. Những câu còn lại thường là câu khó, nên nếu câu nào khó quá cứ bỏ qua, làm câu nhẹ nhàng hơn một chút để tránh mất thời gian”.
Về cách luyện tập ở nhà môn toán, Lương chia sẻ: “Chỉ còn hơn một tháng nữa là các em bước vào kỳ thi tốt nghiệp rồi. Chính vì vậy, bây giờ các em chỉ nên luyện đề, tìm xem phần nào được giảm tải trong đề thi để có được cách luyện tập tốt nhất cho mỗi dạng đề”.
|
Ở môn lý, Lương cho biết: “Cách luyện tập môn lý của mình cũng giống như môn toán thôi, chỉ khác là ở chỗ môn lý thường đề thi chỉ có 40 câu. Hơn nữa, ở môn lý các em cần nắm chắc lý thuyết trong sách giáo khoa để hiểu được bản chất của hiện tượng, từ đó vừa có thể trả lời đúng những câu lý thuyết, vừa giúp xác định được phương hướng khi làm phần bài tập”.
Theo Lương, những môn toán, lý thì các em học sinh lớp 12 phải biết cách sử dụng máy tính bỏ túi thật nhanh để tiết kiệm thời gian và phải biết cách đọc đồ thị làm sao để xác định được dữ liệu chính của bài toán.
Bình luận (0)