Cách tuyên truyền bảo vệ môi trường độc đáo của sinh viên

16/05/2019 19:50 GMT+7

Trước vấn đề môi trường đang nhức nhối hiện nay, nhóm sinh viên Trường ĐH FPT đã đưa ra lời kêu gọi bảo vệ môi trường qua những tác phẩm thiết kế vô cùng ấn tượng.

Võ Hoàng Tỷ với bộ môn Typography đang theo học, đã thiết kế hình ảnh poster nhằm tuyên truyền về vấn nạn rác thải nhựa và cần người đứng ra ngăn chặn. Tỷ chia sẻ, nhựa từng được xem là một báu vật của khoa học sản xuất vì nhựa rẻ, bền và dễ sản xuất. Nhưng đó cũng chính là “con dao 2 lưỡi”. Vì quá bền mà nhựa đang đe dọa phần lớn hệ sinh thái, quá rẻ mà ai cũng khó từ bỏ... Đã tới lúc cần có ai đó dũng cảm đứng lên ngăn chặn để buộc chuyện này phải dừng lại.

“Poster sử dụng nhân vật ly nhựa vừa phổ biến vừa dễ thương là hình ảnh đại diện cho vấn nạn chung về tác hại của nhựa. Thoạt nhìn thì vô hại và dễ dàng đối phó nhưng thực tế thì ngược lại. Nhân vật chính là con người dù nhỏ bé nhưng lại tỏ ra vô cùng dứt khoát. Bởi anh ấy có thể là người đầu tiên nhưng không phải người cuối cùng, anh ấy biết rằng phía sau mình vẫn còn những người khác dám thay đổi để tạo nên sự thay đổi”, Tỷ chia sẻ.

Theo Tỷ, dòng chữ “less plastic” được thiết kế sử dụng vật liệu mô phỏng nhựa vừa gây sự chú ý vừa là khẩu hiệu của chương trình. “More organic” được tạo từ vật liệu của vỏ cây tượng trưng cho “hành tinh xanh” - đó là nơi sống của con người và là giải pháp hữu ích và thiết thực nhất cho những loại vật liệu có thể thay thế nhựa. Sau cùng, poster là "giải pháp hình ảnh" cho bài toán về vấn đề giảm thiểu việc sử dụng nhựa vì một môi trường xanh sạch và đẹp hơn.

Bộ môn giải phẫu hình học, học về tỷ lệ đối xứng thông qua phân tích xương người, đây là một môn khá khó của ngành thiết kế đồ họa. Để thay đổi tạo sự sáng tạo, sinh viên vừa đảm bảo bố cục như lý thuyết đã học, vừa thể hiện được tác hại của rác nhựa hiện nay như thế nào. Qua hình ảnh bộ xương cùng với thông điệp thể hiện sự nguy hại: “Nếu không có ý thức phát triển đi kèm bảo vệ môi trường, con người sẽ không thể cản trở được sự nổi giận của thiên nhiên”.

Còn tác phẩm của sinh viên Trần Khiêm là hình lu nước chứa sọ người với thông điệp "Những gì bạn 'ban tặng' cho thiên nhiên, thiên nhiên sẽ đáp trả lại đúng như vậy. Nếu bạn tiếp tục hủy hoại nguồn nước, nạn nhân tiếp theo của bạn sẽ là chính bản thân bạn".

Tác phẩm thứ 2 của Trần Khiêm là hình ảnh con rùa trong hộp kính. Qua đây Khiêm nhắn gửi: "Bạn được sinh ra trong một thế giới tươi đẹp, hãy để mọi người cùng tận hưởng nó. Đừng để điều đó trong tương lai chỉ còn trong những hộp kính hay những tấm hình tư liệu".

"Bấy lâu nay hình ảnh nàng tiên cá luôn xuất hiện một cách xinh đẹp trên màn ảnh, bơi lội trong vùng biển trong xanh. Đối với mình, bảo vệ môi trường không chỉ là việc của người lớn, chính quyền mà còn ở người trẻ, đặc biệt là trẻ em nên có ý thức việc này từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Bằng việc đem đến hình ảnh một nàng tiên cá đau khổ, bị ngập trong rác nhựa và vùng nước đen tối, mình muốn cho người xem nhìn thấy 'hiện thực' chứ không phải những hình ảnh đã được tô vẽ tỉ mỉ, từ đó nâng cao ý thức của mọi người ở mọi lứa tuổi", Đàm Song Thương (tác giả của tác phẩm nàng tiên cá ngập trong vùng nước đen tối)

Còn bạn Lê Ngọc Minh thông qua sản phẩm thiết kế của mình, Minh nhắn gửi: "Nguồn nước của mọi sinh vật sống đang phải gánh chịu sự ô nhiễm nặng nề bởi rác thải nhựa. Các sinh mệnh vô tội đang cầu xin sự giúp đỡ, nhưng chỉ có một mảng trắng hư vô đợi chờ được lấp đầy bởi 'màu sắc' - sự cứu rỗi hoặc sự tàn phá - do chính con người chúng ta lựa chọn".

Với hình ảnh mặt người đang gào thét trong túi ni lông, Nguyễn Minh Quý truyền tải thông điệp: "đừng sử dụng chất thải nhựa, chất thải nhựa sẽ 'sử dụng' lại bạn".

Và bài thiết kế thời trang ấn tượng khi sử dụng nhựa dùng 1 lần để tạo nên các bộ trang phục với thông điệp "hãy sử dụng nhựa có ý thức và tái chế nhựa mọi lúc có thể trước khi thải ra môi trường".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.