Sáng 10.7, T.Ư Đoàn tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả 10 năm Đoàn các cấp thực hiện Quy chế cán bộ Đoàn, với sự tham dự và chủ trì của anh Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; anh Bùi Quang Huy, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam; anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư.
Tuyển dụng khó khăn
Tại hội nghị, anh Bùi Quang Huy cho biết, qua 10 năm, việc ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Quy chế cán bộ Đoàn là căn cứ, cơ sở quan trọng giúp tổ chức Đoàn chuẩn hóa đội ngũ cán bộ từ T.Ư tới cơ sở. Tỷ lệ cán bộ Đoàn quá tuổi theo quy định không còn phổ biến mà đã được trẻ hóa, sát với độ tuổi thanh niên, thể hiện được sự năng động, sáng tạo, nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Bên cạnh đó, sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể đối với công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, đặc biệt là việc chăm lo chế độ, chính sách, quyền lợi chính trị cho cán bộ Đoàn đã tạo động lực, điều kiện thuận lợi để cán bộ Đoàn phát huy khả năng, sở trường, cống hiến để trưởng thành.
|
Tuy nhiên, anh Huy cho biết, việc thực hiện các tiêu chuẩn của cán bộ Đoàn quy định theo quy chế ở một vài nơi còn chưa đồng bộ, thống nhất, nhất là trong việc vận dụng các quy định về độ tuổi và trình độ lý luận chính trị, độ tuổi giữ chức vụ lần đầu của cán bộ Đoàn.
“Một số nơi cấp ủy đã cụ thể hóa quy chế cho phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị hoặc yêu cầu tiêu chuẩn đối với cán bộ Đoàn khá cao (yêu cầu trẻ hơn, trình độ chuyên môn, lý luận nâng lên) nhưng cơ chế, chính sách đi kèm cũng như công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chưa được thống nhất, dẫn đến gặp khó khăn trong thực hiện”, anh Huy nói.
Đặc biệt, anh Huy cho biết, công tác tuyển dụng cán bộ Đoàn các cấp gặp một số khó khăn do tổ chức Đoàn là đơn vị có tính đặc thù, yêu cầu vừa có trình độ chuyên môn cao, vừa có kỹ năng công tác Đoàn - Hội - Đội, trong khi công tác tuyển dụng công chức không có đặc thù.
"Công tác tuyển dụng cán bộ Đoàn ở nhiều nơi thực hiện chưa thống nhất. Có nơi tổ chức thi tuyển, có nơi xét tuyển; có nơi tổ chức sơ tuyển đối với cán bộ làm công tác Đoàn, có nơi không; có nơi lập hội đồng thi tuyển công chức chung cho các cơ quan, đơn vị", anh Huy cho hay.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh thực hiện tinh giản biên chế, các đợt thi tuyển cán bộ, công chức, viên chức không thường xuyên, khoảng cách giữa các kỳ thi khá dài (có nhiều tỉnh 9 năm qua chưa tổ chức thi tuyển công chức khối Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể), dẫn đến thiếu hụt cán bộ trong cơ quan chuyên trách của Đoàn.
Cần có cơ chế đặc thù?
Phát biểu tại hội nghị, đại diện nhiều địa phương đề xuất việc cần có cơ chế đặc thù trong tuyển dụng cán bộ Đoàn.
Bí thư Thành đoàn TP.HCM Phan Thị Thanh Phương cho biết: “Việc bố trí cán bộ Đoàn ở cơ quan chuyên trách quận, huyện Đoàn còn bị động, phụ thuộc quy định về công chức. Cán bộ Đoàn cấp cơ sở có kinh nghiệm thực tiễn nhưng không là công chức nên gặp khó khăn trong quy hoạch, sử dụng, bố trí nhân sự các chức danh chuyên trách Đoàn cấp quận, huyện”. Vì vậy, chị Phương đề xuất, xem xét một số cơ chế đặc thù cho phép tuyển dụng cán bộ tại cơ quan chuyên trách quận, huyện Đoàn.
Đặc biệt, chị Phương cho biết, đối với khu vực trường học: “Về độ tuổi, tại một số đơn vị, công tác tuyển dụng nhân sự đang có xu hướng yêu cầu trình độ chuyên môn ngày càng cao (tối thiểu phải đang là thạc sĩ, nghiên cứu sinh hoặc có trình độ tiến sĩ), do đó, ảnh hưởng đến độ tuổi nhận nhiệm vụ của cán bộ Đoàn chủ chốt, một số trường hợp cán bộ dự kiến bầu chức danh bí thư, phó bí thư không đảm bảo tiêu chuẩn quy định về độ tuổi nhận nhiệm vụ lần đầu theo quy chế dẫn đến tình trạng thiếu cán bộ chủ chốt”.
|
Bí thư tỉnh Đoàn Đồng Tháp Huỳnh Minh Thức cũng cho biết, công tác tuyển dụng đối với cán bộ Đoàn còn chưa có cơ chế đặc thù riêng, áp dụng khung thi tuyển chung, nên khó xác định được đặc điểm cá bộ phù hợp với nhiệm vụ công tác Đoàn.
“Mặt khác, hiện nay, thực hiện Nghị quyết 18 của Đảng về sắp xếp tinh gọn bộ máy nên chưa có chỉ tiêu tuyển biên chế mới, nhưng hợp đồng cán bộ thử việc thì gặp khó khăn do quy định không cho phép, đơn vị không tự cân đối kính phí... gây khó khăn cho xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế thừa đạt chuẩn cho đến khi đại hội”, anh Thức nói.
Anh Vũ Đức Tú, Bí thư Đoàn Khối doanh nghiệp T.Ư, cũng cho biết quy chế chưa có hướng dẫn thực hiện cộng điểm ưu khi tuyển dụng, nên rất khó để thực hiện.
Kết luận hội nghị, anh Lê Quốc Phong cho biết, Quy chế cán bộ Đoàn là nội dung hết sức quan trọng của Đoàn, quyết định thành công của phong trào. Nếu làm tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi để công tác Đoàn được quan tâm nhiều hơn, chuẩn hóa tốt hơn, phát hiện quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ tốt hơn.
Anh Phong cũng đánh giá, 10 năm qua, quy chế đã tạo sự chuyển động tích cực trong công tác cán bộ Đoàn như: trẻ hóa đội ngũ cán bộ Đoàn từ 1,5 - 4 tuổi, là điều kiện cần thiết để lớp thế hệ kế cận hiểu thanh niên, gần gũi với thanh niên hơn; đầu ra của cán bộ Đoàn được quan tâm nhiều hơn; nhiều chính sách được ban hành, sửa đổi để cụ thể hóa giúp công tác Đoàn…
Về kiến nghị có cơ chế đặc thù tuyển dụng cán bộ Đoàn, anh Phong cho biết, sẽ ghi nhận, nhưng do mỗi địa phương có đặc thù khác nhau nên nếu ban hành quy định chung sẽ khó phù hợp.
Tuy nhiên, anh Phong cũng cho rằng, quá trình tuyển dụng cán bộ Đoàn đã gặp những khó khăn nhất định, nên ở một số tỉnh, thành Đoàn, số cán bộ so với biên chế được giao thấp hơn nhiều, gây khó khăn trong hoạt động.
Anh Phong đề nghị các tỉnh, thành Đoàn cần rà soát và có văn bản báo cáo ngay về vấn đề này để T.Ư Đoàn đề nghị các tỉnh quan tâm bố trí để có đội ngũ làm việc.
“Trong khi chờ sửa thì các tỉnh, thành Đoàn vẫn cần tiếp tục thực hiện theo quy chế. Những khó khăn đang vướng mắc có thể tham mưu cấp ủy giải quyết, thì tiếp tục kiên trì như thi tuyển công chức, có địa phương đã có thang điểm cộng ưu tiên chứ không cần chờ hướng dẫn.
Trong tuyển dụng, nhiều địa phương giao cho tỉnh, thành Đoàn ra đề, ngồi chấm cho phần thi vấn đáp… để tuyển được đúng người có tố chất, điều kiện phù hợp; hay như có địa phương làm việc trực tiếp các sở, ngành để quan tâm bố trí đầu ra cho cán bộ Đoàn…”, anh Phong nhấn mạnh.
|
Bình luận (0)