Cha mẹ Việt đăng ảnh con lên mạng xã hội coi chừng phạm luật

20/04/2017 12:02 GMT+7

Từ 1.6 tới đây, việc tiết lộ thông tin cá nhân trẻ em như: tung clip, hình ảnh, kết quả học tập của trẻ em lên mạng xã hội... đều là những hành vi pháp luật nghiêm cấm.

Những cá nhân tiết lộ, đăng tải thông tin cá nhân của trẻ em, bí mật đời tư của trẻ mà chưa được phép của các em, cha mẹ hoặc người giám hộ có thể sẽ bị khởi kiện ra tòa.
Xử lý những hành vi xâm hại trẻ em trên internet
Bà Ninh Thị Hồng, Ủy viên thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN, cho rằng việc tự ý chụp ảnh, hay quay clip trẻ em đăng lên mạng xã hội có thể dẫn đến hậu quả không lường trước được. “Trẻ rất nhạy cảm, suy nghĩ chưa đầy, chín chắn như người lớn, hay xấu hổ, mặc cảm, tự ti. Những vấn đề liên quan đến trẻ cần đưa cẩn trọng tránh tổn thương cho trẻ em về sau. Có nhiều vụ xâm phạm quyền riêng tư của trẻ ghi rõ các tình tiết, rõ địa chỉ, dẫn đến trẻ không dám đi học, ngại giao tiếp, buồn bã, đau lòng và có trường hợp dẫn đến tự tử”, bà Hồng nói.
Một trong những thông tin được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây đó là cha mẹ đưa hình ảnh lên mạng xã hội sẽ bị tòa án xử lý khi luật Trẻ em có hiệu lực. Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), nói: “Nếu đúng là hình ảnh liên quan đến đời sống riêng tư phải được sự đồng thuận của trẻ (nếu các em từ đủ 7 tuổi trở lên) và của cha, mẹ, người giám hộ”. Tuy nhiên, cũng theo ông Nam, không phải tất cả mọi hành vi đưa hình ảnh con em mình lên các trang thông tin cá nhân, mạng xã hội đều là vi phạm pháp luật.

Chúng ta phải tính tới các nguy cơ trẻ em bị lợi dụng, bị xâm hại. Kẻ xấu sẵn sàng dùng những thông tin, hình ảnh đó vào những mục đích không đúng với mục đích ban đầu của những bậc cha mẹ

Bà Ninh Thị Hồng, Ủy viên thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN

Trước sự việc nhiều gia đình thích khoe ảnh con trên mạng xã hội, diễn đàn..., bà Ninh Thị Hồng cho rằng: “Chúng ta phải tính tới các nguy cơ trẻ em bị lợi dụng, bị xâm hại. Kẻ xấu sẵn sàng dùng những thông tin, hình ảnh đó vào những mục đích không đúng với mục đích ban đầu của những bậc cha mẹ”.
Hướng tới việc bảo vệ tốt nhất các quyền và tránh nguy cơ bị xâm hại của trẻ em, ông Nam chia sẻ: “Hiện nay trong hệ thống pháp luật nói chung và luật dân sự chưa quy định chi tiết về như thế nào là bí mật riêng tư, như thế nào là thông tin cá nhân. Đây là vấn đề nhạy cảm phải hướng dẫn chi tiết để khắc phục khoảng trống trong luật dân sự. Hiện chúng tôi vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định chi tiết một số điều khoản trong luật Trẻ em. Trong đó sẽ cố gắng làm rõ thế nào là các thông tin về đời sống riêng tư làm cơ sở cho các cơ quan nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trên mạng xã hội”.
Ngoài ra, Bộ LĐ-TB-XH sẽ phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin - Truyền thông, trong đó có phòng ngừa, xử lý những hành vi đưa sai sự thật, những hành vi xâm phạm đời tư, những thông tin nói xấu... xâm hại trẻ em trên môi trường internet.

tin liên quan

Lạm dụng mạng xã hội dễ cô đơn
Thanh niên càng dành nhiều thời gian cho các trang mạng xã hội thì càng có nguy cơ cảm thấy cô độc, theo kết quả nghiên cứu được công bố trên chuyên san y học American Journal of Preventive Medicine (AJPM).
Lập hai đường dây nóng hỗ trợ trẻ em
 
Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật của trẻ em
Tại điều 33 - dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều trong luật Trẻ em quy định: Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật của trẻ em bao gồm các thông tin về tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án, hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại, địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho trẻ em...
Ngoài những quy định cấm không được xâm phạm thông tin đời tư trẻ em, trong luật Trẻ em 2016 còn có cơ chế để trẻ bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, gửi thông tin mà các em cho rằng bất lợi đối với mình.
Theo ông Đặng Hoa Nam, trẻ có thể gọi điện đến tổng đài quốc gia về trẻ em hoạt động 24/24 giờ theo số 18001567. Đây là điện thoại tư vấn, hỗ trợ cho trẻ do Cục Trẻ em vận hành. Tổng đài sẽ tiếp nhận, khai thác thông tin, thông báo, tố giác từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức... về nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em; đồng thời liên hệ các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan hoặc có thẩm quyền để xác minh thông tin, thông báo, tố giác.
Ngoài ra, các em có thể cung cấp các thông tin về các hành vi gây bất lợi cho mình, kể cả là của bố mẹ đến T.Ư Đoàn.
Bà Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển thiếu nhi VN (thuộc T.Ư Đoàn), cho biết từ 1.6 luật Trẻ em có hiệu lực, T.Ư Đoàn sẽ là cơ quan đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em. Trung tâm đã được giao nhiệm vụ thành lập đường dây nóng trẻ em. Hiện đang trong quá trình xúc tiến xin đầu số. Bà Tú Anh cho hay: “Khi gặp vấn đề như đang bị xâm hại, trẻ hay phụ huynh có thể cung cấp các thông tin về các hành vi gây bất lợi cho trẻ - kể cả hành vi là của bố mẹ qua số máy (04) 82241231/2241232 hoặc đến trung tâm tại địa chỉ 63 Bà Triệu (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), chúng tôi sẽ có các chuyên gia tư vấn, tham mưu hướng dẫn cụ thể”.
Trước tình trạng xâm hại trẻ em, bà Tú Anh cũng cho biết thêm, Hội đồng Đội T.Ư đã ban hành kế hoạch về việc tổ chức chương trình "Hãy lên tiếng" - phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em và giao cho trung tâm tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em trong năm 2017.
“Hội đồng Đội, Hội đồng huấn luyện các cấp tổ chức tập huấn, các nội dung về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em đồng thời phối hợp với Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN xây dựng bộ tài liệu chuẩn, ban hành tới các cơ sở Đội để trang bị thêm kiến thức và kỹ năng cho thiếu nhi”, bà Tú Anh cho biết.
Ý kiến
Tôi từng xin lỗi con...
Có lần, tôi đăng hình vui nhộn của hai mẹ con lên Facebook. Con gái tôi (khi đó 6 tuổi) vô tình thấy được, đã hỏi: “Ủa, tại sao mẹ đưa hình của con lên vậy?”. Lúc đó, tôi giật mình và phải xin lỗi con. Tôi phải giải thích với con là: “Vì mẹ thấy hình của con đẹp quá nên muốn khoe”. Mặc dù tôi đưa hình vui nhộn nhưng trẻ đã phản ứng, huống hồ chi là hình nhạy cảm. Từ những việc xảy ra với bản thân mình, tôi nhận thấy luật Trẻ em quy định như vậy rất hợp lý. Người lớn cần tôn trọng quyền của trẻ, trong đó có quyền muốn hay không muốn đưa hình ảnh, thông tin của bé lên mạng xã hội.
Dương Thanh Hiếu
(Phụ huynh học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP.HCM)
Nhiều phụ huynh quá lạm quyền
Tôi chỉ nghe loáng thoáng chứ chưa đọc luật này, nhưng tôi cho rằng quy định như vậy là rất cần thiết và hợp lý. Bởi lẽ, tôi thấy có nhiều người quá lạm dụng quyền làm cha làm mẹ khi đăng hình con hồi nhỏ không mặc áo quần gì hết, hình con đang tắm và thậm chí cả hình con đang tiểu tiện trên cái bô! Mặt khác, họ còn vô tư tiết lộ thông tin địa chỉ, trường học, tên tuổi của con, khiến con có thể bị đẩy vào những tình huống nguy hiểm như bị bắt cóc, xâm hại... Theo tôi, cha mẹ phải bảo vệ con mình an toàn và phải hỏi ý kiến con trước khi làm điều gì đó liên quan đến trẻ.
Lê Minh Phụng
(H.Bình Chánh, TP.HCM)
Suy nghĩ của người lớn và trẻ con khác nhau
Dù hình ảnh của con có xấu hay đẹp, con mong ba mẹ đều hỏi ý kiến của con trước khi muốn đăng lên Facebook. Nhiều khi ba mẹ cho là hình đó đẹp nhưng tụi con lại không thích, vì suy nghĩ của người lớn và trẻ con có sự khác nhau.
Nguyễn Quang Nguyên
(Học sinh lớp 7, Q.3, TP.HCM)
Không giao ảnh gốc của con
Nhà trường kết hợp với các đơn vị dịch vụ tổ chức chụp ảnh các cháu mà không hỏi ý kiến phụ huynh. Khi hỏi ảnh gốc, họ không cho. Chẳng biết hình ảnh của con mình họ có xóa đi không, nếu lọt vào tay kẻ xấu chưa biết sẽ sử dụng mục đích gì.
V.T.T
 
(Phụ huynh có con học mẫu giáo ở Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Như Lịch (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.