Cháy Nhà thờ Đức Bà Paris: Bàng hoàng từ những người Việt từng đến nơi này

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
16/04/2019 10:45 GMT+7

Bàng hoàng, tiếc nuối, xót xa... là những cung bậc cảm xúc của rất nhiều người Việt - những người từng có ký ức đẹp về Nhà Thờ Đức Bà Paris, sau khi nghe tin nhà thờ này bị cháy.

Hàng ngàn bức ảnh và bài thơ tình lãng mạn

Anh Nguyễn Hoàng Vinh (đang làm việc tại công ty Pixelz tại Hà Nội)  rất mê chụp ảnh, đặc biệt đam mê chụp ảnh các nhà thờ, nhất là những nơi kiến trúc roman và gothic. Tháng 10.2018, anh và một vài người bạn đã “xách balo lên và đi” châu Âu. Anh Vinh đã ghé Paris và đã có những ngày tuyệt đẹp bên bờ sông Seine, với hàng ngàn bức ảnh chụp Nhà thờ Đức Bà Paris. “Nhà thờ Đức Bà Paris, Tháp Eiffel là biểu tượng của cả Paris và cả nước Pháp, ai cũng mong được ghé thăm khi đến Pháp, đặc biệt những người đã tìm hiểu về kiến trúc Nhà thờ Đức Bà tại TP.HCM thì lại càng muốn biết Nhà thờ Đức Bà Paris thế nào. Nghe tin công trình này bị cháy, mình thấy bàng hoàng và nuối tiếc”.

Một bức ảnh chụp nhà thờ NGUYỄN HOÀNG VINH

Điều đáng nhớ nhất với anh Vinh về nhà thờ này không phải là thánh lễ như ở Nhà thờ Thánh Phêrô ở Vatican mà là sự tinh tế trong kiến trúc, đặt biệt các ô kính cửa sổ hoa hồng, khi ánh sáng chiếu qua rất lung linh. “Tầm 9 giờ sáng hoặc sau 4 giờ chiều vào mùa hè là thời gian tuyệt vời tham quan nhà thờ vì lúc đó ánh nắng chiếu vào rất đẹp. Theo mình, nhà thờ này giờ là một báu vậy của nhân loại về kiến trúc gothic chứ không riêng gì người Pháp. Thấy thiệt hại cũng nhiều sau vụ cháy nhưng về kỹ thuật phục chế của người Pháp cũng không tầm thường nên mình nghĩ sau vài năm thì có thể lại có lại Nhà thờ Đức Bà nguyên vẹn lại”, anh Vinh chia sẻ.

Tiến sĩ Trần Quang Huy bên Nhà thờ Đức Bà NVCC

Trong khi đó, tiến sĩ Trần Quang Huy (đang làm việc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) lai có một ký ức vô cùng đẹp đẽ, lãng mạn khi nhắc đến Nhà thờ Đức Bà Paris. Năm 2005, lần đầu tiên anh sang Pháp làm thực tập nghiên cứu, anh đã gặp một cô sinh viên trường ĐH Sorbon. Hai người quen nhau, cô gái đã dẫn anh đi thăm thú Paris, và có những buổi chiều cùng ngồi bên sòng sông Seine ngắm hoàng hôn trên nóc nhà thờ. “Chàng trai năm ấy” học chuyên ngành vật lý kỹ thuật và công nghệ nano đã làm một bài thơ vô cùng lãng mạn để lưu lại những cảm xúc ngọt ngào này: “Anh đến Paris trong một sớm mùa Đông/Có hoa tuyết đậu trên từng ngọn cỏ/Tàu điện ngầm đưa anh vào thành phố/Ôi! Paris, cổ kính, diệu kỳ/Những con đường nâng nhẹ bước anh đi/Từng dãy phố níu hồn anh ở lại/Nhìn dòng sông Seine thân thương biết mấy/Tour Eiffel, thả sức ngắm hoàng hôn/Đây Notre Dame - nhà thờ linh thiêng/Kia Panthéon - nơi ở vĩnh hằng của những người bất tử.../Anh lạc tới mê cung, khi nào, anh chẳng rõ...”. Và cô gái đó bây giờ đã trở thành... bà xã của anh.

Anh Huy và vợ khi xem những bức ảnh tháp nhà thờ chìm trong khói lửa, đã lặng người đi, không ai nói được lời nào. “Tụi mình lặng người tiếc nuối và chìm trong hoài niệm. Từ năm 2005 đến nay mình đã có mười mấy lần sang Paris. Lần nào sang cũng lang thang quanh bờ sông Seine và ngắm nhà thờ.

Trái tim Paris đã bị cháy”

Mai Ly, một người Việt đang sinh sống tại Pháp, nghẹn ngào: “Nhà thờ Đức bà Paris đang cháy. Người Paris trống rỗng, bất lực nhìn biểu tượng thành phố chìm trong lửa... như nhìn một người thân yêu ngã xuống... Sừng sững và hiên ngang qua hàng chục thế kỷ thăng trầm lịch sử, từ đêm trường trung cổ đến những cuộc huynh đệ tương tàn. Vậy mà giờ đây, phần mái 800 năm tuổi đã sập, gác chuông đã sập. Việc sửa chữa sẽ là một vấn đề nan giải, không biết bao giờ mới có thể bắt đầu chứ chưa nói đến hoàn thành”.

"Kỷ niệm của tôi giờ còn lại... là bức ảnh", Mai Ly cho biết MAI LY

 

Mai Ly buồn bã: “Có lẽ, sẽ còn rất lâu... rất lâu sau, hoặc có thể là không bao giờ tôi còn có cơ hội được ngắm hoàng hôn dần buông trên ngã ba sông với ánh nắng cuối cùng vàng như mật ong trên nóc nhà thờ, với màu lấp lánh tím biếc của trời và nước hòa làm một...”.

 

Nguyễn Ngọc Lan Chi (nhà báo tại TP.HCM), từng có 5 năm học tập tại Pháp cũng bàng hoàng và đau xót khi công trình biểu tượng của nước Pháp vừa bị thiêu rụi. “Nhà thờ Đức Bà Paris với mình là điều gì đó rất hiển nhiên của Paris. Paris gần gũi với mình thế nào thì nhà thờ Đức Bà gần gũi thế nấy. Ngày trước còn học ở Paris, mình hay đi lễ ở đây. Mình dậy trễ nên hay đi lễ lúc... 11g30, là lễ "quốc tế" dành cho du khách nên có một bài đọc bằng tiếng Anh. Không thì đi lúc 6g chiều, thường do một vị giám mục chủ tế và có nhiều bài hát, lời đáp trong lễ bằng tiếng Latinh. Nhà thờ Đức Bà Paris "thân" với mình còn vì có khu Saint Michel ở kế bên. Chỗ này có nhiều tiệm ăn mình thích, đặc biệt là tiệm sandwitch Grec, không khí thì rất Paris với các quán cà phê terrasse, nhìn qua bên kia là các kiốt bán sách, bán đồ lưu niệm dọc bờ sông Seine... Năm nào mình cũng qua Paris, để thăm lại những điều rất thân thương, và, để gặp lại nhà thờ Đức Bà hiển-nhiên-của-Paris. Ngày 12.5 mình sẽ lại về chốn thân thương ấy, nhưng điều "hiển nhiên" đã không còn lành lặn...”, Lan Chi kể lại trong tiếc nuối.

Chị Lê Bích Hường lưu lại khoảnh khắc khi tới thăm nhà thờ NVCC

Lê Bích Hường (đang sống tại Q.2, TP.HCM) cũng vô cùng thảng thốt với tin cháy Nhà thờ Đức Bà Paris. Hường cho biết: “Mới ngày nào, mình tới còn yên bình thế. Paris hết chống chọi bạo động, giờ lại hoả hoạn ở công trình vốn là niềm tự hào của người dân không chỉ nước Pháp, châu Âu mà còn cả thế giới. Đúng là mọi thứ đều có thể thay đổi theo cách mà chúng ta khó có thể đoán định. Nên nếu ai đó muốn gì, cần gì, thích gì thì hãy làm ngay đi kẻo muộn, chẳng hạn như đi du lịch...”.

 



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.