Chiến dịch 50 triệu cây xanh của người trẻ

24/06/2017 14:35 GMT+7

Một nhóm tình nguyện viên trẻ đang tiến hành chiến dịch trồng “50 triệu cây cho 50 triệu người” ở Tanzania nhằm đối phó nạn phá rừng, hủy hoại môi trường.

Hoạt động khai thác, chặt đốn cây phi pháp để lấy gỗ và làm than khiến trên 370.000 ha rừng bị san bằng mỗi năm ở Tanzania, theo tờ The Guardian. Trong khi đó, các động thái tái tạo, bảo vệ rừng vừa thiếu lại vừa yếu, khiến môi trường và đa dạng sinh học tại nước này bị đe dọa nghiêm trọng. Không chỉ động vật hoang dã, nhiều cộng đồng dân cư sống nhờ vào nông nghiệp đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ nạn phá rừng.
Vào ngày Thế giới chống phá rừng 17.6 vừa qua, giới chức Tanzania cảnh báo ít nhất 61% trên tổng diện tích 947.303 km2 của nước này đang trên bờ vực trở thành sa mạc do phá rừng bừa bãi, đe dọa cuộc sống hàng triệu nông dân. Thứ trưởng Bộ Du lịch và Tài nguyên thiên nhiên Ramo Makani ước đoán để khôi phục lại tỷ lệ rừng đã mất, cần phải trồng 280 triệu cây/năm trong vòng 17 năm liên tiếp.
Mỗi người trồng một cây
Trước thực trạng này, một nhóm tình nguyện viên trẻ gồm các thành viên từ 18 - 30 tuổi thuộc Tổ chức từ thiện Raleigh Tanzania quyết định tiến hành chiến dịch “50 triệu cây cho 50 triệu người”, với mục tiêu tăng cường ý thức về nạn phá rừng và khuyến khích thanh thiếu niên địa phương trồng cây. “Chúng tôi nhận thấy mỗi người trong số 50 triệu người sống ở Tanzania có thể đóng góp chút công sức. Chúng tôi muốn giúp mọi người nhận thấy một hành động nhỏ có thể làm nên sự khác biệt lớn. Mỗi người chỉ cần trồng một cây, chúng ta có thể đạt được 50 triệu cây cho đất nước”, anh Kennedy Daima Mmari, người đứng đầu chiến dịch, nói với The Guardian.
Nhóm tình nguyện viên lập website và fanpage trên mạng xã hội (hashtag #50MillionTrees) nhằm thu hút thêm nhiều người trẻ, và đến nay có hơn 150.000 thanh thiếu niên đăng ký. Bên cạnh đó, họ tiến hành hơn 50 chương trình vận động trên toàn quốc với sự góp mặt của khoảng 10.000 người. Nhóm #50MillionTrees còn tích cực tham gia chương trình Tuổi trẻ vì phát triển xanh, hỗ trợ thanh niên hành động vì môi trường, giúp Tanzania đạt được những mục tiêu toàn cầu của LHQ về phát triển bền vững. “Các tổ chức phi chính phủ và từ thiện lớn luôn đặt mục tiêu mang tầm toàn cầu. Tại những nước đang phát triển, các nhóm tình nguyện trẻ cũng có thể lấy ngay mục tiêu phát triển của LHQ để hướng đến”, cô Sonja Graham, điều phối viên thuộc Tổ chức phi chính phủ Global Action Plan, lưu ý.

tin liên quan

Giấc mơ xanh lại vùng đất chết

Đặt chân lên vùng biên A Lưới (Thừa Thiên-Huế) từ năm 20 tuổi, điều khiến thiếu tá Đào Đức Cửu gắn bó suốt 15 năm với 'thung lũng da cam' chính là giấc mơ xanh lại vùng đất chết.


Trong thời gian qua, các thành viên nhóm #50MillionTrees phối hợp với nhiều công ty tư nhân, tổ chức xã hội, chính quyền và người dân địa phương phấn đấu đạt được mục tiêu trồng 50 triệu cây vào năm 2020. Tính đến nay, họ trồng được hơn 40.000 cây. “Chúng tôi cố gắng động viên người trẻ hành động vì môi trường cũng như vận động cha mẹ, người thân và bạn bè cùng tham gia. Giấc mơ lớn nhất của chúng tôi là nhân rộng mô hình này ra khắp thế giới”, Mmari chia sẻ.
Chính phủ vào cuộc
Hoạt động trồng cây của nhóm #50MillionTrees bắt đầu với cây ăn quả từ các trường tiểu học cho đến trung học rồi đến cộng đồng dân cư. Tình nguyện viên hướng dẫn cách trồng, sau đó học sinh tự trồng và chăm sóc. Nhận thấy ý nghĩa và tác động của chiến dịch, chính phủ Tanzania nhanh chóng có động thái hỗ trợ về chi phí và tuyên truyền để học sinh trồng cây tại tất cả các trường trên cả nước. “Trước đây, chúng tôi chưa dám nghĩ đến độ lan tỏa của chương trình như thế này, nhưng nhóm vừa được mời đến gặp bộ trưởng môi trường để thảo luận về hợp tác với chính phủ”, Mmari cho hay.
Trong cuộc hội thảo vừa qua do Mmari tổ chức với sự tham dự của một số quan chức cấp cao, các bạn trẻ có cơ hội tiếp xúc, bày tỏ nguyện vọng, hiến kế với các nhà hoạch định chính sách về môi trường và phát triển bền vững. Không chỉ chính phủ, nhiều công ty nông nghiệp ở Tanzania cũng quyết định cung cấp giống cây miễn phí cho chương trình.

tin liên quan

Thanh niên hưởng ứng Ngày thế giới tử tế
Đoàn thanh niên cơ quan T.Ư Đoàn phối hợp CLB Liên kết trẻ T.Ư Đoàn, CLB Môi trường xanh chùa Pháp Vân và nhóm dự án Dance for kindness phối hợp tổ chức chương trình: Tử tế với môi trường.
Năm 2006, Cơ quan Chương trình môi trường LHQ (UNEP) phát động chiến dịch trồng 1 tỉ cây xanh nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Kể từ đó, nhiều quốc gia trên thế giới rất tích cực hưởng ứng. Chính phủ Canada vào năm 2013 đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ trồng được 50 triệu cây xanh. Sáng kiến 1 tỉ cây xanh xuất phát từ nhà hoạt động môi trường - chính trị người Kenya - bà Wangari Muta Maathai (1940 - 2011). Bà là người phụ nữ châu Phi đầu tiên được trao giải Nobel Hòa bình năm 2004.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.