Chữ hiếu thời nay đang bị… thách đố?

16/10/2015 15:11 GMT+7

(TNO) “Chữ hiếu thời nay bị thách đố khi nó đang trải qua nền kinh tế thị trường. Có cơm cho cha mẹ ăn là có hiếu hay là nấu cơm cho cha mẹ ăn mới có hiếu?”.

(TNO) “Chữ hiếu thời nay bị thách đố khi nó đang trải qua nền kinh tế thị trường. Có cơm cho cha mẹ ăn là có hiếu hay là nấu cơm cho cha mẹ ăn mới có hiếu?”.

Cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM (bìa trái) tặng hoa cho những tấm gương “Người con hiếu thảo” tại TP.HCM - Ảnh: Như LịchCán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM (bìa trái) tặng hoa cho những tấm gương “Người con hiếu thảo” tại TP.HCM - Ảnh: Như Lịch
Đó là vấn đề được GS-TS Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng văn hóa - du lịch, đặt ra trong buổi tọa đàm chủ đề “Lòng hiếu thảo thời hiện đại”, diễn ra tại Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM chiều 15.10. 
Mua cơm hộp cho cha mẹ ăn vẫn là có hiếu, nếu…
Theo ông Vũ Gia Hiền, người có hiếu là người tử tế với lịch sử, biết ơn lịch sử. Nhớ lại quá khứ là “hiếu”, nghĩ tới tương lai là “thảo”.
Ông Hiền so sánh: “Ngày xưa, cha mẹ nghèo và đông con, nhưng con cái thường hiếu thảo với cha mẹ. Còn ngày nay, có một sự bất cập lớn: Những gia đình giàu không biết dạy con, con cái thường thích đòi hỏi hưởng thụ. Nếu không được đáp ứng, con quay sang oán trách cha mẹ”.
Phản biện lại, chị Nguyễn Thị Dung (phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM) cho rằng: “Đúng là kinh tế thị trường khiến người ta sống nhanh, sống vội. Thế nhưng, chúng ta không nên đánh giá chữ hiếu qua việc có cơm cho cha mẹ ăn hay là nấu cơm cho cha mẹ ăn, mà thay vào đó là chữ tâm của người con. Nếu mình mua cơm hộp cho cha mẹ nhưng thể hiện tình cảm, tấm lòng của mình thì điều đó không có nghĩa là không có hiếu!”.
Theo chị Nguyễn Lê Như Quỳnh (phường 2, quận 11), thời buổi này ai cũng phải tất bật xoay quanh chữ tiền để mưu sinh. Vì vậy, khoảng cách lớn nhất giữa cha mẹ và con cái ngày càng lớn.
“Trước đây, không có điện thoại, tivi, cha mẹ và con cái gần gũi với nhau hơn. Còn bây giờ về nhà, em thấy ba mẹ mệt quá đã ngủ rồi, còn em nhắn tin điện thoại một lúc rồi đi ngủ. Em thấy nhiều bậc cha mẹ trách con xa rời, không thèm quan tâm đến mình. Trong khi đó, mấu chốt vấn đề là phải có thời gian nói chuyện với nhau”, Như Quỳnh bộc bạch.
Các bạn trẻ chia sẻ suy nghĩ về lòng hiếu thảo thời hiện đại - Ảnh: Như LịchCác bạn trẻ chia sẻ suy nghĩ về lòng hiếu thảo thời hiện đại - Ảnh: Như Lịch
Chị Nguyễn Thị Ngọc Sương (phường 11, quận 3) cho biết chị phải đi làm suốt ngày để kiếm sống. Dù vậy, hầu như chiều tối nào chị Sương cũng về nhà ăn cơm cùng ba mẹ. Không chỉ quan tâm đến sức khỏe, thuốc men cho ba mẹ, chị còn san sẻ việc nhà, thủ thỉ trò chuyện với các đấng sinh thành…
Ngọc Sương cười tươi, nêu thắc mắc mà như khẳng định: “Em không biết hiếu thảo hơn nữa là như thế nào? Em nghĩ, chữ hiếu thời nào cũng vậy, đó chính là việc tri ân với cha mẹ mình”.
Thách thức với cả phụ huynh
Ở góc độ khác, một bà mẹ tên là Nguyễn Thị Hạnh trăn trở: “Chúng ta ai cũng nghe câu: Tiên học lễ, hậu học văn. Nhưng ngay cả thầy cô giáo của mình, có những đứa học trò mặt cứ bơ bơ, gặp cũng chẳng chào hỏi gì. Do đó, cha mẹ muốn con hiếu thảo thì phải dạy con có nề nếp từ nhỏ. Nếu người lớn, cha mẹ có lỗi thì phải mạnh dạn xin lỗi con và tuyệt đối không đánh con vì càng đánh nó càng lì đòn”.
Thạc sĩ xã hội Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia cơ sở TP.HCM, cũng đồng tình với quan điểm: “Ngày xưa cha mẹ nghèo thì con dễ hiếu, còn bây giờ thì có xu hướng ngược lại”.
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Thúy, chữ hiếu thời hiện đại thách thức không chỉ với những người con mà còn với các bậc cha mẹ.
Bà Thúy phân tích: “Ngày xưa cha mẹ luôn kề cận bên con, trong khi nhiều phụ huynh thời nay quá bận rộn, chỉ có mỗi công sinh con ra và cho con tiền. Còn người đút ăn cho con là bà giúp việc, người đưa con đến trường là bác xe ôm… Nhiều phụ huynh áp đặt con phải làm theo ý mình, nếu con không nghe thì bảo là con cãi lời. Vì thế, điều trước hết cha mẹ cần phải làm là xem lại cách giáo dục con mình để có cách chăm sóc và dạy con cho đúng. Nếu cha mẹ không có nghĩa vụ với con cái thì đừng mong nó có hiếu với mình”.
Từ câu chuyện bản thân, chị Nguyễn Anh Thư (phường 9, quận 11) đúc kết: Lòng hiếu thảo phải bắt nguồn từ chính nhận thức của mỗi người và không nên đổ thừa cho hoàn cảnh.
Chị Nguyễn Anh Thư tâm tình: “Trước đây, tôi cũng trần ai khoai củ lắm, từng làm những điều sai quấy. Nếu mọi người trong gia đình tốt với mình mà mình không chịu thay đổi thì cũng bó tay thôi!”.
59.209 gương “Người con hiếu thảo”
Trong buổi tọa đàm “Lòng hiếu thảo thời hiện đại” còn có sự giao lưu của 3 gương điển hình “Người con hiếu thảo” cấp thành TP.HCM; đó là: Chị Trần Thị Mỹ Hạnh (42 tuổi, phường Cầu Kho, quận 1), chị Khương Thị Kim Tuyền (28 tuổi, phường 1, quận Phú Nhuận) và chị Nguyễn Thị Chúc (24 tuổi, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú).
Trước đó, Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM đã tổ chức tổng kết 20 năm thực hiện phong trào "Người con hiếu thảo" (1995 - 2015). Tính đến nay, đã có 59.209 gương “Người con hiếu thảo” được tuyên dương. Trong đó, có 2.157 gương được tuyên dương 10 năm liên tục và 1.333 gương được tuyên dương trên 10 năm liên tục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.