Cô 'đầu bếp' có trái tim nhân ái

Thúy Hằng
Thúy Hằng
27/10/2018 07:03 GMT+7

Từng là bếp trưởng của dự án Bếp yêu thương và Quán cơm tình bạn, Ngô Thị Kiều Nhi luôn nghĩ làm sao để có thể duy trì bếp ăn thật lâu dài, mang nhiều hơn những phần cơm ngon tới bè bạn sinh viên.

Từ bếp yêu thương đến quán cơm tình bạn
Ngô Thị Kiều Nhi (21 tuổi) là gương mặt được nhiều người biết tới ở Khoa Quản lý công nghiệp, Trường ĐH Bách khoa (TP.HCM) bởi sự năng động, nhiệt huyết với các phong trào ngoại khóa. Hai năm đầu tiên, học tập tại cơ sở TX.Dĩ An (Bình Dương), Nhi đã tham gia tích cực vào dự án Bếp yêu thương ngay từ những ngày đầu tiên bếp đỏ lửa (tháng 10.2016).
Nhi cho hay Bếp yêu thương là ý tưởng của anh Trần Trung Nghĩa, nguyên bí thư đoàn trường và anh Đào Vũ Hoàng Nam, bí thư đoàn trường. Bếp phát cơm hoàn toàn miễn phí cho sinh viên (SV) của trường mỗi trưa thứ hai hằng tuần, mỗi buổi phát được 60 - 80 suất ăn. Kinh phí từ các nhà hảo tâm hỗ trợ, người đến ăn cơm có thể tùy tâm ủng hộ đóng góp cho bếp.
“Từ trước 10 giờ, sân trường đã có rất đông SV tới xếp hàng chờ lấy cơm, nhìn mọi người ăn cơm vui vẻ, chúng tôi mừng lây. Để có những phần cơm nóng hổi, thơm ngon tới tay SV, chúng tôi tập trung nấu trước các món mặn vào ngày chủ nhật, sau đó sáng thứ hai chỉ nấu món xào, canh”, Nhi chia sẻ.
Năm thứ 3 ĐH, sau khi chuyển về cơ sở Q.10, TP.HCM, Nhi bàn giao Bếp yêu thương cho người khác tiếp quản.
Ngô Thị Kiều Nhi luôn muốn làm điều tốt đẹp cho cộng đồng Ảnh: Thúy Hằng

Về sống tại ký túc xá (KTX) Bách khoa, Nhi thành lập CLB Sự kiện KTX Bách khoa để thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa cho SV, trong đó có Quán cơm tình bạn. Nhi cho hay: “Anh Trần Tấn Phúc, Giám đốc KTX, thấy Bếp yêu thương dưới cơ sở Dĩ An quá thành công đã ủng hộ chúng tôi cùng làm Quán cơm tình bạn. Bếp bắt đầu nấu cơm tháng 10.2017. Mỗi buổi chiều thứ ba, tư, năm chúng tôi phát 100 - 120 suất cơm cho các bạn đang ở KTX, mỗi suất 15.000 - 20.000 đồng nhưng chỉ thu 2.000 đồng”.
Để có suất cơm 2.000 đồng ngon, an toàn, các thành viên của dự án mua đồ ăn mặn từ quán cơm Nụ Cười (TP.HCM), còn lại các khoản ủng hộ của nhà hảo tâm và số tiền mọi người tới mua cơm sẽ được dành để mua rau, đồ xào. Mỗi buổi chiều, lầu 13 của KTX Bách khoa luôn nhộn nhịp, nhiều bạn ở KTX không nằm trong dự án cũng tới xin nhặt rau, quét nhà, ăn cơm xong ai nấy đều tự giác gom đồ ăn thừa, tự rửa chén đĩa…
Muốn những điều tốt đẹp được lan tỏa
Nhi sinh ra ở H.Chợ Gạo, Tiền Giang. Cha làm lao động tự do, mẹ là công nhân may, Nhi và em trai đều thương ba mẹ và cố gắng tự lập trên chính đôi chân của mình. Học lớp chuyên các môn tự nhiên tại Trường THPT Chợ Gạo nhưng nhiều năm liền Nhi thi học sinh giỏi môn văn cấp tỉnh và quốc gia. Cô gái có nụ cười tươi tắn cho hay, lý do mình chọn ngành quản lý công nghiệp là sau này có thể trở về quê hương, làm một điều gì đó với mảnh đất mình đã lớn lên.
Từ năm thứ 3 ĐH, Nhi đã tự chủ tài chính từ những công việc làm thêm. Đang là SV năm 4, Nhi hiện là trợ lý cho một tổng giám đốc công ty về giáo dục. Nhi cho hay, mong mỏi lớn trong cô là đến khi mình tốt nghiệp, ra trường, Bếp yêu thương và Quán cơm tình bạn vẫn duy trì, hoạt động ngày càng tốt hơn.
“Niềm vui của chúng tôi là những bữa cơm ngon do mọi người cùng chung tay, người góp của, người góp sức đến được với SV. Nhiều thầy cô đi ngang qua, mua một hộp cơm và bỏ vào thùng quỹ 200.000 hay 500.000 đồng. Nhiều SV đã rời KTX, thành công với nhiều công việc khác nhau, nhớ hộp cơm năm xưa đã quay lại ủng hộ cho quỹ những khoản tiền đáng quý. Tôi mong những điều tốt đẹp luôn lan tỏa”, Nhi xúc động.
Cô gái trăn trở: “Trước đây, Quán cơm tình bạn bán cơm 2.000 đồng từ thứ hai tới thứ bảy, tuy nhiên đến nay khoản tiền hỗ trợ không còn dồi dào, chúng tôi chỉ phục vụ được cơm 3 buổi/tuần. Tôi luôn mong ước, sẽ có nhiều hơn nữa những nhà hảo tâm chia sẻ với Quán cơm tình bạn và Bếp yêu thương, để SV sẽ có nhiều hơn những bữa cơm ngon”. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.