Không đồng ý gộp, bỏ tết ta
Bạn Nguyễn Phước Huy, Quản lý một trang thương mại điện tử ở Q.9 (TP.HCM), cho hay chúng ta đừng bàn chuyện nghỉ tết nhiều hay ít hoặc gộp tết Tây và tết ta lại với nhau nữa.
Theo Huy để phản ánh sự phát triển của nền kinh tế thì nhiều nước phương Tây nghỉ đông dài ngày, kinh tế họ vẫn phát triển. Nếu ở các nước đó, dịp Giáng sinh, Tết Dương lịch là ngày đoàn tụ gia đình, thì Việt Nam cũng có Tết Nguyên đán với cùng ý nghĩa trên.
Phước Huy cũng đặt ra trường hợp, nếu ép buộc thay đổi ngày tụ họp gia đình thành Giáng sinh, thì không khí quây quần với người Việt có còn ý nghĩa không, có tự nhiên không.
“Tết Nguyên đán ngày nay tinh gọn hơn xưa nhiều rồi, người ta cũng bắt đầu dung hòa giữa tài chính và truyền thống để cái tết trọn vẹn hơn, hợp lý với điều kiện sống hơn. Thay vì lo lắng kinh tế không phát triển được do những ngày tết, thì hãy tập trung làm việc cho tốt những ngày trong năm, tự khắc cái tết rất nhẹ nhàng, thoải mái. Để ngày tết là ngày gác hết công việc qua một bên, ngồi lại bên gia đình và chờ đợi một năm mới cố gắng hơn để năm sau lại có cái tết trọn vẹn hơn”, Phước Huy nêu ý kiến.
Đối với Huy, tết Tây không mang nhiều ý nghĩa với người Việt cho lắm. Ngày đó là một ngày dạo chơi vào đêm giao thừa và được nghỉ 1 ngày làm việc không hơn không kém.
“Tết ta ý nghĩa ở chỗ nhà nhà người người trở về quê ăn tết, gia đình sum họp. Ngày đầu năm, bao nhiêu phiền muộn của năm cũ phải được gạt bỏ hết. Chỉ giữ cái mới, niềm vui, lạc quan để sống một năm tích cực hơn, máu lửa hơn. Ý nghĩa này được truyền cả ngàn năm nay, nó tạo thành một nét văn hóa tốt đẹp. Không ở đâu tự dưng có những ngày mà nhà nhà vui, người người vui, đâu đâu cũng được lan truyền năng lượng tích cực cùng một lúc như vậy”, Phước Huy chốt lại vấn đề về ý nghĩa của ngày tết truyền thống.
Còn bạn Nguyễn Thị Thắm, nhân viên văn phòng đang làm việc tại một công ty kế toán (đường CMT8, Q.3, TP.HCM), chia sẻ quan điểm không đồng ý bỏ hoặc gộp tết ta với bất kỳ lý do gì. Bởi tết là dịp để sum họp gia đình. Đó là lý do tiên quyết, nếu không có tết thì mối quan hệ giữa các thành viên gia đình sẽ trở nên nhạt nhòa hơn.
Mỗi năm trước khi tết đến, Thắm đi một quảng xa để về quê, đi mua sắm, lau chùi dọn dẹp nhà cửa. Tuy khổ cực nhưng nghỉ đến tết tâm hồn Thắm lại cảm thấy vui và nôn nao hơn.
Gộp, bỏ tết ta cũng có cái hay!
Là một người trẻ, làm việc trong ngành y và sinh sống ở khu Cabramatta thuộc TP.Sydney, Úc, nhiều năm Nhung Mi cho rằng việc gộp tết Tây với ta cũng là một ý hay. Bời vì tết ta hiện nay còn quá dài. Nghỉ tết lâu quá làm kinh tế cá nhân, kinh tế đất nước đều bị ảnh hưởng.
Ở nơi Mi sống, nhiều người Việt cũng quan tâm đến tết. Tuy vậy, đa phần chỉ vui chơi trong 1 đến 2 ngày tết ta rồi trở lại làm việc như bình thường.
Tuy nhiên, Nhung Mi cũng hơi lo ngại những phong tục như cúng ông bà hay ông táo cũng sẽ mất dần. Những người con đi làm xa hay xa quê hương mong tết vì chỉ có tết ta là mọi người được nghỉ để đón không khí xuân cùng gia đình.
“Theo tôi thì tết ta như một dịp để mọi người đoàn tụ chung một nhà trong hai ba ngày. Đó là một dịp mà ai cũng có ở nhà. Nhưng sau này nó nhạt dần vì ai ở nhà nấy, hương vị tết bị đô thị hóa, chẳng còn nồi bánh chưng ở từng nhà nữa, nhà người nào người đó ở... Thế nên tôi thấy tết ta giờ hết vui như xưa...”, Nhung Mi cho biết.
Trần Hữu Đạt, một du học sinh ngành truyền thông ở Manhattan, Kansas, Mỹ, thì cho biết bản thân không quan tâm lắm chuyện tết ta hay tết tây. Hiện tại như thế nào thì cứ để nó diễn ra như thế ấy. Cứ thuận theo ý thích của mỗi người, ai thích tết nào thì vui tết đó.
“Tết ta từ xưa giờ đối với tôi là ngày đi làm được nhiều tiền hơn bình thường thôi. Nhưng từ khi đi du học, ngày tết cũng trùng vào ngày đi học. Bạn bè người Việt tụ tập ăn uống nho nhỏ vì không có thời gian”, Đạt nói.
Bình luận (0)